NHNN khởi động sửa quy trình cho vay truyền thống
24/10/2016 14:50:13
Quy chế cho vay của ngành ngân hàng ban hành cách đây 15 năm đang được Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi.

Tin liên quan

Nhằm thay thế Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN về việc ban hành quy chế cho vay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi chung là ngân hàng) đối với khách hàng.

Mục tiêu của việc sửa đổi này khá rộng, bao gồm cả việc thay thế những quy định về cho vay ngân hàng không còn phù hợp sau 15 năm. Tuy nhiên, để điều chỉnh cơ chế vận hành một bộ máy lớn cực lớn, có dư nợ lên tới khoảng 4,66 triệu tỷ đồng (năm 2015) là không dễ, nhiều điểm trong Dự thảo đang nhận được góp ý từ phía các ngân hàng thương mại.

Ví dụ như, tại Điểm d, Khoản 1, Điều 1 và Khoản 2, Điều 3 trong Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay “Phục vụ đời sống” là nhằm mục đích đáp ứng các chi phí cho mục đích tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình trong đời sống hàng ngày, bao gồm: mua nhà ở; thuê, mua nhà ở; xây dựng, sửa chửa nhà ở; mua, thuê, thuê mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao; chi phí khác cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày của các nhân, hộ gia đình.

Nhiều quy định về thời hạn, lãi suất, phí… trong Dự thảo nhận được góp ý từ phía các ngân hàng.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, quy định như vậy là chưa phù hợp vì việc “mua nhà ở” thường có giá trị lớn, trong khi, các khoản mua phương tiện đi lại (trừ xe ô tô), trang thiết bị gia đình… lại thường có giá trị nhỏ. Do đó, cho vay mua nhà ở sẽ khác biệt rất lớn với cho vay các chi phí cho mục đích tiêu dùng khác. Vì vậy, việc gộp chung các mục đích sử dụng vốn thành một hoạt động cho vay “phục vụ đời sống” và áp dụng các tiêu chí điều chỉnh giống nhau như quy định của Dự thảo sẽ gây khó khăn với việc cho vay trên thực tế.

Liên quan đến thời hạn cho vay, tại khoản 10 Điều 3 Dự thảo Thông tư quy định: “thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày tiếp theo của ngày khách hàng bắt đầu nhận vốn vay”. Quan điểm của các ngân hàng cho rằng, quy định trên là chưa bao quát các trường hợp ngân hàng đã chuyển tiền cho khách hàng, nhưng khách hàng chưa thực nhận vốn vay. Do vậy, thời hạn cho vay cần được tính từ khi ngân hàng chuyển vốn vay (giải ngân) hoặc một thời điểm khác do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận, nhưng không sớm hơn thời điểm ngân hàng chuyển vốn vay.

Về câu chuyện “nóng” liên quan đến lãi suất cho vay, đa số các ngân hàng lựa chọn “phương án 2”.

Cụ thể, theo Khoản 1, Điều 10, Dự thảo thì “mức lãi suất cho vay được tính theo tỷ lệ %/năm và phải được ghi trong hợp đồng cho vay”. Nhưng trên thực tế, các ngân hàng có thể thỏa thuận với khách hàng thể hiện mức lãi suất theo tỷ lệ %/tháng trên hợp đồng tín dụng. Thỏa thuận này hoàn toàn không thay đổi bản chất của lãi suất, không trái luật và thuận tiện cho khách hàng theo dõi.

“Do đó, NHNN nên xem xét và bổ sung thêm hình thức quy định mức lãi suất cho vay tính theo tỷ lệ %/tháng”, Tổng giám đốc một ngân hàng đề xuất.

Liên quan tới quy định này, có một vấn đề khác là thời điểm tính lãi. Khoản 1 Điều 11 Dự thảo Thông tư quy định: “số tiền lãi vay khách hàng phải trả được tính trên cơ sở thời gian sử dụng vốn vay thực tế”.

Quy định này được cho là chưa đồng bộ và không “khớp” với thời hạn cho vay theo quy định ngay tại Khoản 10 Điều 3 của Dự thảo. Điều bất cập ở đây là có thể khách hàng đã “nhận vốn vay”, nhưng ngân hàng không thể tính lãi vì khách hàng chưa “sử dụng vốn vay thực tế”.

“Để phù hợp với bản chất của hoạt động tín dụng, Dự thảo Thông tư nên quy định số tiền lãi vay phải trả được tính trên ‘thời hạn cho vay’ hoặc một thời điểm khác do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận nhưng không sớm hơn thời điểm bắt đầu thời hạn cho vay”, vị tổng giám đốc trên phân tích.

Một vấn đề khá nhạy cảm cũng được đề cập đến là việc thu phí liên quan đến hoạt động cho vay. Khoản 1, Điều 12, Dự thảo Thông tư quy định ngân hàng và khách hàng thỏa thuận về việc thu các khoản phí liên quan đến hoạt động cho vay bao gồm: một là, phí trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn; hai là, phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng; ba là, các loại phí khác liên quan đến hoạt động cho vay được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo nhiều ngân hàng đều chung quan điểm, sau khi giải ngân khoản vay, khách hàng phát sinh rất nhiều yêu cầu như truy xuất hồ sơ tín dụng, sao kê khoản vay, sao y hợp đồng… Do đó, nếu không cho phép các ngân hàng được thu các loại phí trên sẽ dẫn đến việc các ngân hàng không có nguồn thu để bù đắp chi phí phục vụ khách hàng và tạo ra tâm lý ỷ lại của khách hàng vào ngân hàng khi quản lý, lưu trữ, sử dụng hồ sơ vay vốn. Ngoài ra, các chi phí này không liên quan đến hoạt động cho vay mà nhằm phục vụ theo yêu cầu của khách hàng.

“Dự thảo Thông tư cần xem xét cho phép các ngân hàng được quyền thu các loại phí hành chính, phí trả cho bên thứ ba, phí quản lý sau cho vay theo yêu cầu của khách hàng”, lãnh đạo một ngân hàng cho biết.

Đặc biệt, Điều 34, Dự thảo Thông tư quy định, những nhu cầu vốn không được cho vay “để trả nợ các khoản nợ vay tại chính ngân hàng cho vay và/hoặc tại ngân hàng khác”.

“Trên thực tế, để tập trung kiểm soát dòng tiền, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nhiều khách hàng có nhu cầu vay để trả nợ các khoản nợ tại các ngân hàng khác. Do đó, Thông tư nên cho phép các ngân hàng được chủ động thỏa thuận với khách hàng để cho vay theo nhu cầu thực tế, không phải nhằm che giấu nợ xấu”, lãnh đạo ngân hàng trên đề xuất.

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến