Tin liên quan
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình. Ảnh: VGP/Huy Thắng
Thưa Thống đốc, năm 2014, trong thành tựu phát triển kinh tế xã hội có sự đóng góp không nhỏ của ngành Ngân hàng. Vậy điều gì khiến ông ấn tượng nhất?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Năm 2014, đất nước ta đạt được thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế xã hội, điều đó tạo ra niềm tin của toàn xã hội, nhân dân vào chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây là năm đầu tiên trong 4 năm vừa qua, nền kinh tế đạt và vượt các chỉ tiêu đã đặt ra, trong đó lạm phát ở mức thấp nhất trong hàng thập kỷ qua.
Năm 2014 cũng có sự kiện phức tạp ở Biển Đông, nhưng nhờ đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự đồng lòng của toàn dân, chúng ta vừa giữ vững độc lập chủ quyền của đất nước vừa giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển.
Đối với ngành Ngân hàng, có thể nói niềm tin của người dân nói chung càng được củng cố và nâng cao.
Có những kỷ niệm tình cảm của người dân dù hết sức mộc mạc, nhưng đã làm những người làm chính sách như chúng tôi có ấn tượng hết sức sâu đậm. Ví dụ, trong một chuyến công tác phía Nam, có cử tri đã đề nghị tặng tôi một cái nhẫn với ý nghĩa đem lại sức khỏe, may mắn cho người đeo, với mong muốn chúc tôi khỏe mạnh công tác tốt, tiếp tục đóng góp trong hoạt động ngân hàng, nếu không dám nhận thì họ sẵn sàng cho mượn, có thể trả lại sau.
Mặc dù những việc đó là hết sức bình dị, mộc mạc nhưng đối với chúng tôi, những người làm cơ chế chính sách thì lại có ý nghĩa hết sức sâu đậm. Những sự việc đó sẽ theo chúng tôi suốt cả cuộc đời công tác của mình.
2015: Mức điều chỉnh tỷ giá và tăng trưởng tín dụng là khả thi
Năm 2015, NHNN đặt mục tiêu điều hành tỷ giá USD không vượt quá biên độ 2%, liệu mục tiêu có khả thi không khi trong tháng 1, NHNN đã điều chỉnh tăng 1% tỷ giá rồi, thưa Thống đốc?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Cũng như các chính sách khác của NHNN, con số mục tiêu điều chỉnh tỷ giá không quá 2% không phải là ý muốn chủ quan mà cần dựa trên các dự báo, phân tích kỹ lưỡng bằng căn cứ khoa học. Trong gần 4 năm vừa qua, công tác dự báo, phân tích đạt được kết quả tương đối tốt, các dự báo đều phù hợp với kết quả thực hiện được. Vì vậy, dự báo mức điều chỉnh tỷ giá không quá 2% là khả thi.
Nhìn lại năm 2014, dù đặt ra mục tiêu điều chỉnh không quá 2% nhưng NHNN chỉ điều chỉnh 1%. Về mặt khách quan, lẽ ra vào tháng 11/2014, có thể điều chỉnh tỷ giá thêm 1%. Tuy nhiên NHNN không điều chỉnh lúc đó, vì nếu điều chỉnh sẽ có thể làm cho các doanh nghiệp bị động vì họ đã có kế hoạch sản xuất kinh doanh cả năm. Nếu điều chỉnh, sẽ có nhiều tác động đến nhiều DN nhập khẩu dịp cuối năm.
Thêm nữa, năm 2014, NHNN đã mua một lượng ngoại tệ lớn, đồng thời cung ra lượng tiền đồng lớn, do đó, NHNN xác định hút bớt lại tiền trong lưu thông nhằm củng cố thêm niềm tin người dân.
Năm 2015, việc điều chỉnh tăng tỷ giá 1% ngay từ đầu năm sẽ giúp các DN chủ động phương án kinh doanh. DN xuất khẩu được hỗ trợ ngay từ đầu năm, còn DN nhập khẩu cũng xác định được mặt bằng tỷ giá mới để từ đó chủ động điều chỉnh hoạt động tài chính của mình. Do đó, việc điều chỉnh này của NHNN tăng thuận lợi DN, hoạt động của DN hiệu quả ổn định.
Nhiều DN quan tâm về mục tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN đặt ra từ 13-15%, ngoài ra, lãi suất năm nay có tiếp tục được giảm để hỗ trợ DN không, thưa Thống đốc?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Việc điều hành lãi suất tỷ giá và tăng trưởng tín dụng có gắn bó mật thiết với nhau. Chủ trương chung của NHNN là về cơ bản giữ mặt bằng lãi suất ổn định như hiện nay. Nếu thuận lợi hơn sẽ cố gắng giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống 1-1,5% nhằm hỗ trợ thêm cho các DN đầu tư phát triển sản xuất, đặc biệt đối với các dự án áp dụng khoa học công nghệ mới để cải tiến nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Về mục tiêu lạm phát dưới 5% trong năm 2015, hiện tại có 2 luồng ý kiến, thứ nhất là chúng ta có thể đạt mức lạm phát thấp hơn nữa (năm 2014 là 1,84%), luồng ý kiến thứ 2 cho là do còn nhiều diễn biến phức tạp nên không được chủ quan với mục tiêu lạm phát 5%.
NHNN sẽ bám sát mục tiêu điều hành kiềm chế lạm phát 5% là cốt lõi, nếu điều kiện cho phép, có thể hạ thấp hơn chút nữa. Nếu đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát sẽ có dư địa hạ mặt bằng lãi suất.
Về tăng trưởng tín dụng, trong suốt nửa đầu 2014, còn nhiều ý kiến e ngại về khả năng hoàn thành, nhưng cuối năm đã đạt được mục tiêu 14,16%. Năm nay đặt chỉ tiêu 13-15% không phải là do ý muốn chủ quan mà dựa trên các yếu tố phát triển kinh tế xã hội và đầu tư của nền kinh tế. NHNN khẳng định, các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 là 13-15%, cao hơn so với năm 2014 (12-14%) là khả thi.
Cần lưu ý rằng tăng trưởng tín dụng gắn kết các chỉ tiêu khác, có các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế chung, đặc biệt là sự biến động của giá dầu. Việc giá dầu biến động, có thể gây bất lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô, do đó, trong trường hợp cần thiết hỗ trợ tăng trưởng, do giá dầu bất lợi đến tăng trưởng, NHNN sẽ điều chỉnh chỉ tiêu này lên 17% để nền kinh tế đảm bảo mức tăng trưởng trên 6,2% và giữ ổn định kinh tế vĩ mô nói chung.
Cố gắng đưa nợ xấu về dưới 3%
Một DN có chia sẻ, vấn đề xử lý nợ xấu theo đúng kế hoạch nhưng đây vẫn là vấn đề lớn cần giải quyết. Năm nay, NHNN có biện pháp gì quyết liệt hơn để đưa mục tiêu nợ xấu xuống dưới 3%.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Tôi vẫn nhớ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng vào năm 2012. Thủ tướng nói: Đất nước chúng ta còn nhiều khó khăn, ngân sách eo hẹp, việc xử lý nợ xấu trông chờ vào nỗ lực của hệ thống ngân hàng.
Quán triệt tinh thần đó, từ năm 2012, cả hệ thống Ngân hàng từ NHNN, đến các ngân hàng thương mại (NHTM) đã nỗ lực xử lý nợ xấu.
Dù không có hỗ trợ khác như một số nước khác, nhưng đến tháng 8/2014, chúng ta đã xử lý được trên 54% số nợ xấu phát sinh từ năm 2012 bằng chính nguồn lực và giải pháp của hệ thống ngân hàng.
Ngành Ngân hàng đã cam kết trong Đề án xử lý nợ xấu đã ban hành là đến hết năm 2015 sẽ đưa nợ xấu về dưới 3%. Mục tiêu đó là khả thi nhưng cần phải hết sức cố gắng. Trong năm 2014, các NHTM dưới sự giám sát của NHNN vẫn phải tích cực trích lập dự phòng rủi ro, tự bản thân ngân hàng có thể xử lý được nợ xấu ngân hàng.
Tôi cho rằng các NHTM đã làm tốt việc đó, có nhiều NHTM báo cáo trích lập dự phòng cao hơn mức bình thường để ứng phó với các biến động không thuận, đảm bảo năm 2015 đủ nguồn lực xử lý nợ xấu.
NHNN cũng sẽ nỗ lực nâng cao khả năng hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). NHNN đã trình Chính phủ, hy vọng ngay sau Tết Nguyên đán, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định mới sửa đổi Nghị định 53 quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động VAMC, tạo môi trường thông thoáng hơn cho hoạt động của Công ty này.
NHNN cũng sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tôi có thể vui mừng thông báo rằng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc mua lại nợ xấu của Việt Nam với điều kiện môi trường pháp lý thông thoáng hơn.
Cùng với các giải pháp trên, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng tốt hơn, ấm áp hơn sẽ tạo điều kiện cho việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng xuống dưới 3% vào cuối năm 2015.
Tiếp tục tái cơ cấu đồng bộ, toàn diện
Song hành với quá trình xử lý nợ xấu là công việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Ngay từ đầu năm nay, NHNN đã mua lại cổ phiếu VNBC với giá 0 đồng/cổ phiếu, một động thái chưa có tiền lệ. Vậy thời gian tới, NHNN có bước đi tiếp theo thế nào để tái cơ cấu hệ thống, thưa Thống đốc?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Tái cơ cấu ngân hàng đã được triển khai quyết liệt từ đầu nhiệm kỳ. Nhờ đó, đã tạo ra được hệ thống ngân hàng ổn định hơn, làm tiền đề ổn định chính sách tiền tệ nói riêng cũng như ổn định kinh tế vĩ mô nói chung trong thời gian qua.
Giai đoạn 1 của chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (2011-2015) mới tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém nhất hay những "mắt xích" có thể đứt vỡ bất cứ lúc nào. Trong giai đoạn 2 sẽ tiến hành đồng bộ, toàn diện hơn, không chỉ các ngân hàng yếu kém, mà cả các ngân hàng đang tốt cũng phải tái cơ cấu để tốt hơn, bền vững hơn.
Các ngân hàng ở mức trung bình phải củng cố vững chắc hơn để tiến tới thành các ngân hàng tốt hơn.
Đến nay, kinh tế vĩ mô đã chuyển biến tích cực, năng lực NHNN và của cả nền kinh tế đã được nâng lên nhiều, đủ sức xử lý mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Đó là tinh thần triển khai giai đoạn này .
Thậm chí NHNN có thể mua lại các ngân hàng, như đã mua lại Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNBC) với giá cổ phiếu là 0 đồng. Đây là điều phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Một khi các cổ đông làm mất hết vốn của mình và thậm chí dùng vốn xã hội thì các cổ đông đó không còn chỗ đứng nữa và NHNN tiếp quản lại để giữ ổn định hệ thống cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp trong hệ thống đó.
Không chỉ VNBC mà còn một số ngân hàng khác được xử lý như vậy thời gian tới. Sẽ có nhiều ngân hàng hợp nhất, sáp nhập và một số ngân hàng sẽ được NHNN mua lại như VNBC. Các ngân hàng đang “khỏe mạnh” cũng có thể sáp nhập để tạo ra ngân hàng có quy mô hơn, hoạt động tốt hơn.
Chúng tôi hy vọng trong năm 2015 sẽ xử lý từ 6 - 8 ngân hàng.
Theo Chinhphu.vn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy