Dòng sự kiện:
'Nhóm cổ đông' An Quý Hưng liệu có kéo Vinaconex trở lại sau hậu thoái vốn?
13/02/2019 13:31:49
Quyết tâm đưa Vinaconex trở lại đúng vị thế của ông lớn ngành BĐS, liệu nhóm cổ đông An Quý Hưng liệu có gánh nổi khi mà sụt giảm lợi nhuận hậu thoái vốn của Vinaconex đang đi xuống nghiêm trọng.

Năm 2018, đánh dấu sự kiện lớn của giới đầu tư khi nhóm cổ đông An Quý Hưng đã chi hơn 7.360 tỉ đồng để thâu tóm quyền lực tại Vinaconex. Mức chi của nhóm “đại gia” này đã cao hơn giá trị khởi điểm gần 2.000 tỷ đồng, cao hơn giá thị trường 2.600 tỉ đồng và trở thành cổ đông chi phối (chiếm 57,7%) Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex).

Thương vụ này gây chấn động toàn thị trường chứng khoán, từ một công ty có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với giá trị đấu giá và đang được thị trường đặt ra nhiều nghi vấn. Tuy nhiên, trong giới đầu tư cũng đang xôn xao về thông tin nhóm “đại gia” chi tiền để nắm quyền tại Vinaconex. Những ngày qua thì dư luận cũng đang đặt nghi vấn về nhóm cổ đông này.

Tiếp đó, đến sáng 11/1, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HNX: VCG, Vinaconex) tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2018 nhằm tiến hành miễn nhiệm và bầu cử thành viên HĐQT và BKS sau khi có sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp.

Danh sách 7 thành viên trúng cử HĐQT Tổng công ty Vinaconex bao gồm: Ông Thân Thế Hà (đại diện do Viettel ứng cứ, Chủ tịch HĐTV An Khánh SJC); Ông Nguyễn Quang Trung (đại diện do Viettel ứng cử, Phó Tổng giám đốc Công ty địa ốc Phú Long); Ông Nguyễn Xuân Đông, CEO An Quý Hưng - Nhóm cổ đông An Quý Hưng.; Ông Dương Văn Mậu; Ông Đào Ngọc Thanh, CEO Ecopark - Nhóm cổ đông An Quý Hưng; Ông Bùi Tuấn Anh; Ông Nguyễn Hữu Tới. 

CEO Ecopark Đào Ngọc Thanh chính thức làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex. Cũng tại ĐHCĐ bất thường của Vinaconex, ông Đào Ngọc Thanh cho biết, ông đại diện cho một nhóm người tham gia vào nhóm cổ đông mua cổ phần Vinaconex và phần lớn các cổ đông này làm trong lĩnh vực xây dựng.

Ông Đào Ngọc Thanh - CEO Ecopark chính thức làm CT HĐQT Vinaconex

Trước đó, một cổ đông nhóm An Quý Hưng đầu tư vào Vianconex này cũng xác nhận: “Nhóm cổ đông khoảng 5-6 người. Đây là cuộc chơi lớn nên phải tập hợp đông anh em, chủ yếu làm trong lĩnh vực xây dựng. Trong đó không có vị nào bên Hải Phát, Him Lam, Geleximco…”

Tin đồn về nhóm “đại gia bất động sản G7” chưa được kiểm chứng nhưng có nhiều luồng thông tin hé lộ nhiều khả năng những nhân tố còn lại trong nhóm cổ đông An Quý Hưng chỉ là cá nhân đang giữ chức vụ quan trọng nào đó tại các công ty trong lĩnh vực xây dựng.

Ông Nguyễn Xuân Đông (SN 1966) là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty TNHH An Quý Hưng cũng đã từng nắm giữ khá nhiều vị trí quan trọng của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán như là Thành viên HĐQT CTCP Vimeco – công ty thành viên của Vinaconex, chủ đầu tư dự án chung cư CT4 Vimeco tại Cầu Giấy, Thành viên HĐQT công ty Hải Phát Invest – chủ đầu tư dự án tai tiếng như The Pride Hải Phát, dự án Tân Tây Đô…

Công ty TNHH An Quý Hưng có vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng, thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2001. An Quý Hưng đặt trụ sở tại Chương Mỹ, Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Hiện An Quý Hưng đã có trên 60 dự án lớn, nhỏ cho các đối tác trong và ngoài nước, trong đó có tới trên 50 nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Vốn điều lệ của doanh nghiệp này tính tới tháng 4/2017 là 360 tỷ đồng và tăng lên 500 tỷ kể từ ngày 12/11/2018. Trong đó chỉ có 2 cổ đông là ông Nguyễn Xuân Đông nắm giữ 78,4% cổ phần và vợ ông Đông là bà Đỗ Thị Thanh nắm giữ phần còn lại.

Năm 2017, An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông ghi nhận 956 tỷ đồng doanh thu thuần và 62,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2018 của Vinaconex, trong kỳ vừa rồi, doanh thu thuần của tổng công ty này sụt giảm mạnh tới 21%, chỉ đạt 3.341 tỷ đồng trong khi lãi sau thuế cũng trượt dốc, sụt 73% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 268 tỷ đồng bất chấp đã nỗ lực tiết giảm chi phí quản lý và chi phí tài chính. Một phần lớn nguyên nhân đến từ việc sụt giảm mạnh từ doanh thu tài chính do cùng kỳ năm trước, Vinaconex có khoản thoái vốn từ công ty con (trong đó có công ty nước sạch Viwasupco).

Luỹ kế cả năm 2018, doanh thu thuần Vinaconex giảm 10% còn 9.721 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 61% còn 636 tỷ đồng do không có các khoản thanh lý công ty con như trong năm 2017.

Tại thời điểm cuối năm 2018, “ông lớn” ngành bất động sản-xây dựng ghi nhận có 20.082,9 tỷ đồng tổng tài sản; tổng nợ phải trả 12.063,7 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn xấp xỉ 8.940 tỷ đồng.

Phát biểu với tư cách đại diện cho nhóm cổ đông An Quý Hưng, sở hữu 57,71% vốn điều lệ Vinaconex tại ĐHĐCĐ bất thường, ông Đào Ngọc Thanh (CEO Ecopark) tiết lộ, đây là nhóm cổ đông tập hợp các công ty trong ngành xây dựng, không có ngân hàng. Nhóm cổ đông này bày tỏ nguyện vọng muốn làm điều gì đó cho thương hiệu Vinaconex.

Tuy nhiên dưới gánh nặng sụt giảm tới 61% hậu thoái vốn thì nhóm cổ đông An Quý Hưng có đưa Vinaconex trở lại thời kỳ huy hoàng khi mà năng lực tài chính của An Quý Hưng cũng không phải là quá nổi bật.

Đăng Khôi

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến