Dòng sự kiện:
NHTW Anh giữ nguyên lãi suất do lo ngại Brexit
24/12/2018 14:04:19
Bất chấp việc Fed đã tăng lãi suất lần thứ tư trong năm nay, NHTW Anh (BoE) vẫn giữ nguyên lãi suất do lo ngại sự không chắc chắn xung quanh việc chia tay với Liên minh châu Âu (EU) đang gia tăng.

Theo đó, tại cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2018 diễn ra hôm 20/12, toàn bộ 9 thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ (MPC) do Thống đốc Mark Carney dẫn đầu đều nhất trí giữ nguyên lãi suất ở mức 0,75%.


Ảnh minh hoạ

Giống như nhiều NHTW lớn khác trên thế giới, BoE cũng đang phải vật lộn tìm cách thoát khỏi chính sách cực kỳ lỏng lẻo đã được triển khai trong một thời gian dài vừa qua. Trước đó 1 ngày, hôm 19/12 Fed đã quyết định tăng tiếp lãi suất lần thứ 4 trong năm nay; tuy nhiên họ lại cắt giảm triển vọng tăng lãi suất trong năm tới xuống còn 2 lần thay vì 3 lần như dự kiến hồi tháng 9. Trong khi đó, NHTW Nhật Bản (BoJ) vẫn giữ chính sách vào thứ Năm. Còn NHTW Thụy Điển lại thực hiện tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2011.

Bên cạnh quyết định lãi suất, các nhà hoạch định chính sách của BoE cũng đưa ra dự báo kinh tế mới nhất của mình. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách cho biết lạm phát sẽ chậm lại dưới mục tiêu 2% ngay sau tháng 1 do giá dầu giảm. Tuy nhiên, tăng trưởng tiền lương mạnh hơn dự đoán và năng suất yếu cho thấy áp lực lạm phát cơ bản đang được xây dựng.

Triển vọng tăng trưởng cũng đã suy yếu kể từ lần dự báo gần đây nhất của BoE vào tháng 11. Mặc dù nền kinh tế Anh tăng trưởng 0,6% trong quý III, song BoE đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Anh trong quý cuối năm xuống 0,2% thay vì mức 0,3% như dự báo trước đó và duy trì tốc độ tương tự trong 3 tháng đầu năm 2019.

“Triển vọng kinh tế tiếp tục phụ thuộc rất lớn vào bản chất của việc rời khỏi EU”, biên bản cuộc họp cho biết. “Phản ứng chính sách tiền tệ đối với Brexit, dù ở bất kỳ hình thức nào, sẽ không tự động và có thể theo một trong hai hướng”.

James Smith - Một nhà kinh tế của ING Bank cho biết, giọng điệu của BoE đã trở nên thận trọng hơn ngay cả khi họ cố gắng tiếp tục tăng lãi suất nếu Anh có thể tránh được Brexit không có thỏa thuận. Thông điệp chung vẫn giữ nguyên như cũ: họ muốn thắt chặt sớm hơn là muộn hơn, nhưng Brexit sẽ ngăn họ làm điều đó trong một thời gian khá lâu, ông nói.

Còn nhớ các nhà hoạch định chính sách cho biết hồi tháng trước rằng, nếu Brexit diễn ra suôn sẻ, sẽ cần tăng lãi suất hạn chế và dần dần trong vài năm tới để kiểm soát lạm phát. Nhưng bất ổn kể từ đó đã khiến không ít người nghi ngờ về đánh giá này.

Chỉ còn vài tháng nữa là đến thời hạn phải rời khỏi EU (ngày 29/3), thế nhưng hiện Thủ tướng Anh Theresa May vẫn chưa giành được sự ủng hộ của đa số các nhà lập pháp về thỏa thuận Brexit mà bà đã đạt được với các nhà lãnh đạo EU. Nếu các nhà lập pháp từ chối thỏa thuận, Anh có thể sẽ phải rời khỏi EU mà không có thời gian chuyển tiếp.

Một Brexit hỗn loạn sẽ đưa BoE vào chế độ chống khủng hoảng: đồng bảng sẽ giảm, đẩy lạm phát tăng vọt, trong khi các rào cản thương mại mới sẽ hãm lại đà tăng trưởng. Đó chính là lý do mặc dù khẳng định lập trường chính sách tiền tệ hiện tại cho đến nay vẫn là phù hợp, song MPC dự kiến biến động trong ngắn hạn của kinh tế Anh là lớn hơn bình thường.

Mặc dù Thống đốc BoE Mark Carney nói rằng lĩnh vực tài chính đã sẵn sàng cho bất cứ điều gì sẽ đến và lãi suất có thể cần phải tăng hoặc giảm sau Brexit, song thị trường đang thu hẹp tỷ lệ cược về động thái tăng lãi suất của BoE trong năm tới. Nguy cơ về một Brexit không thỏa thuận ngày càng tăng đã khiến các nhà đầu tư không còn đặt cược toàn bộ về 1 lần tăng lãi suất khác vào năm 2019. Hiện họ chỉ đặc cược khoảng 60% cơ hội lãi suất sẽ 25 điểm vào cuối năm tới.

Lucy MacDonald - Giám đốc đầu tư cổ phiếu toàn cầu của Allianz Global Investors cho biết trong một cuộc phỏng vấn của Bloomberg rằng: “Hiện với những gì đang xảy ra ở Vương quốc Anh, thì đó không phải là một môi trường mà mọi người cảm thấy rất tự tin”.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến