Dòng sự kiện:
Nhu cầu tiêm vắc-xin phòng dại ở TPHCM tăng đột biến
06/04/2018 08:08:04
Tại Viện Pasteur TPHCM, BV Bệnh Nhiệt đới và một số TT Y tế dự phòng trên địa bàn thành phố những ngày qua liên tục thông báo hết vắc-xin phòng dại.

Những ngày gần đây, nhu cầu tiêm vắc-xin phòng dại tăng đột biến, do lượng vắc xin phòng dại tại nhiều trung tâm tiêm phòng trên địa bàn TPHCM bị thiếu hụt nên nhiều người dân phải đổ dồn về các điểm tiêm cuối.

Người dân tìm hiểu để được tiêm văcxin ngừa dại tại Viện Pasteur TP.HCM. Ảnh: T.Dương/Tuổi trẻ.

Tại Viện Pasteur TPHCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và một số trung tâm y tế dự phòng trên địa bàn thành phố những ngày qua liên tục thông báo hết vắc-xin phòng dại.

Theo Bác sỹ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Phó Trưởng khoa Xét nghiệm sinh học lâm sàng, Viện Pasteur TPHCM xác nhận, vắc-xin ngừa dại ở các trung tâm tiêm ngừa trên địa bàn Thành phố hiện nay hầu như đã cạn kiệt.

Mấy ngày gần đây, mỗi ngày Viện Pasteur tiếp nhận từ 1.000-1.500 người dân đến tư vấn và tiêm vắc-xin phòng dại; tăng hơn gấp đôi so với ngày thường. Nguyên nhân được cho là do tình trạng thiếu hụt vắc-xin tại các điểm tiêm khác nên người dân đã đổ dồn về các điểm tiêm cuối.

Bình quân mỗi ngày, lượng vắc-xin phòng dại tại Viện Pasteur đáp ứng chỉ khoảng 500 người. Nhưng do lượng người tăng gấp đôi, gấp ba nên Viện Pastuer bị thiếu vắc-xin từ hai ngày trước. Tuy nhiên, trong ngày 5/4 lượng vắc-xin đã đưa về đủ nên những ngày tới sẽ đáp ứng yêu cầu cho người dân.

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn khuyến cáo, người dân không nên quá lo lắng bởi khi bị động vật nghi dại cắn thì thời gian ủ bệnh đến khi phát bệnh khoảng 3 tháng.

“Chúng tôi vẫn tiếp nhận bệnh nhân bình thường, thực hiện khám phân loại và sàng lọc. Dựa vào những vết thương nhẹ, con vật có thể theo dõi được hoặc là con vật còn sống có tiền sử tiêm ngừa tốt thì chúng tôi khuyến cáo về theo dõi con vật trong 10 ngày. Còn những trường hợp bị nặng thì vẫn tiến hành tiêm bình thường”, bác sĩ Tuấn nói.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, vào mùa nắng nóng là cao điểm của tiêm phòng dại, vì vậy người dân cần phải hạn chế tiếp xúc với các con vật là chó, mèo.

Nếu lỡ bị súc vật cắn, cào thì hết sức bình tĩnh, tập trung quan trọng nhất là việc xử lý ban đầu. Nếu bị thương thì phải xả rửa vết thương bằng nước sạch trong vòng 15 phút, sau đó dùng xà phòng để rửa lại vết thương, lau khô và dùng các thuốc sát trùng để bôi lên, mục đích làm giảm thiểu vi rút ở nơi xâm nhập. Sau đó đến các cơ sở y tế để thăm khám và cán bộ y tế tư vấn về tiền sử tiêm dại của con vật để có những khuyến cáo phù hợp cho tình trạng bệnh.

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến