Dòng sự kiện:
Nhựa Tiền Phong chốt cổ tức năm 2021 là 25% bằng tiền mặt; doanh thu năm 2022 tăng 6%
20/04/2022 09:54:26
Năm 2022, Nhựa Tiền Phong sẽ tập trung phát triển các dòng sản phẩm phát triển hạ tầng, xây dựng dân dụng, thủy sản, hạ tầng giao thông, công trình ngầm hoá của ngành điện, hệ thống cấp thoát nước...

Sáng ngày 19/4/2022, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong - NTP) đã tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2022.

Báo cáo trước các cổ đông, ông Chu Văn Phương, Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong cho biết: Kết quả kinh doanh năm 2021 của Nhựa Tiền Phong được ghi nhận cao nhất so với các doanh nghiệp trong ngành, với doanh thu thuần đạt 4.877 tỷ, tăng trưởng 11% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế đạt 521,4 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm đến 21%.

Với kết quả này, HĐQT Nhựa Tiền Phong đã quyết định trình và được cổ đông thông qua việc thanh toán mức cổ tức 25% vốn điều lệ hoàn toàn bằng tiền mặt. Trước đó, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, mức cổ tức năm 2021 được thông qua theo tỉ lệ là 15% tiền mặt, còn 10% là bằng cổ phiếu. Mức chia cổ tức năm 2022 được thông qua là 20% vốn điều lệ bằng tiền mặt.

Nhựa Tiền Phong quyết định chia cổ tức năm 2021 hoàn toàn bằng tiền mặt. Ảnh: Thu Lê.

Các cổ đông cũng đã biểu quyết thông qua việc tăng 10% vốn điều lệ từ quỹ đầu tư phát triển, tương đương với 117,8 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ sau khi tăng là 1.295,76 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh năm 2022 được đặt ra với các chỉ tiêu cụ thể như sau: doanh thu 5.175 tỷ đồng, tương ứng tăng 6% so với mức thực hiện trong năm 2021; sản lượng tăng 6%, lên mức 100.000 tấn; lợi nhuận trước thuế giảm khoảng 10% so với năm trước, tương đương 465 tỷ đồng.

Ông Phương đã chỉ ra một số thách thức mà Nhựa Tiền Phong phải đối mặt trong năm 2022, đó là sự gia tăng cạnh tranh trên thị trường do có thêm một số nhà sản xuất đầu tư máy móc thiết bị xây dựng nhà xưởng ở Nghệ An, Bắc Giang; giá nguyên liệu PVC đang ở mức cao, vượt trội hơn 2021 và những diễn biến bất thường của dịch bệnh có thể xảy ra trong nước và quốc tế.

Để đạt được kết quả kinh doanh tốt trong năm 2021, Nhựa Tiền Phong đã phải triển khai các biện pháp như: điều chỉnh chính sách, nâng cao chất lượng nguồn lực, kiểm soát chi phí, giảm lãi suất và lượng tiền vay, nhất là lựa chọn các thời điểm phù hợp để tích trữ nguyên liệu với giá cả hợp lý, đảm bảo được tính liên tục và tối ưu chi phí trong sản xuất.

Bà Nguyễn Minh Giang, đại diện cổ đông pháp nhân là KWE phát biểu tại cuộc họp nhấn mạnh rằng: Kết quả kinh doanh năm 2021 của công ty vượt xa so với nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành. Điều này là do công tác quản lý của công ty rất rốt, đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong bối cảnh năm 2021 phải thực hiễn giãn cách toàn xã hội ở nhiều tỉnh thành phía Nam.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Nhựa Tiền Phong đã thông qua tất cả các tờ trình tại cuộc họp. Ảnh: Thu Lê

Hồi đáp ý kiến của cổ đông Tô Hồng Sơn về chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022 giảm, ông Đặng Quốc Dũng, Chỉ tịch HĐQT nhấn mạnh: “Hiện giá nguyên liệu đầu vào đang chiếm đến 70-75% vốn điều lệ. Trong khi đó, Công ty không còn được lợi thế dự trữ nguyên liệu như của năm 2021, mặt khác diễn biến giá nguyên liệu vẫn tiếp tục có xu hướng lập đỉnh mới, nên việc ban lãnh đạo thận trọng trong lập chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận là có cơ sở”.

Cổ đông cá nhân tên Sơn có ý kiến tại đại hội về chỉ tiêu lợi nhuận và tăng vốn điều lệ của công ty. Ảnh: Thu Lê.

Liên quan đến vấn đề tăng vốn điều lệ, theo ông Tô Hồng Sơn cũng cho là không cần thiết vì Công ty đã đủ lớn. "Nên chia tiền mặt cho các cổ đông", cổ đông Tô Hồng Sơn.

Song, theo quan điểm của HĐQT Nhựa Tiền Phong, so với thời điểm mới cổ phần hoá, vốn điều lệ chỉ hơn 90 tỷ đồng. Đến nay đã tăng hơn 15 lần mà các cổ đông chưa một lần góp vốn thêm, tất cả chỉ là thông qua việc phân phối lợi nhuận hàng năm.

“Việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để gia tăng giá trị của công ty. Đặc biệt, các nhà đầu tư dài hạn, như đối tác của chúng ta là Sekisui đánh giá rất cao việc này, đồng thời nó cũng sẽ giúp tăng giá trị cổ phiếu NTP”, ông Dũng khẳng định.

Chia sẻ về thêm kế hoạch kinh doanh trong năm 2022, ông Dũng cho rằng: Với việc thị trường bất động sản đang bị thắt chặt, nên sẽ có sự chững lại nhất định; nhưng bên cạnh đó, mảng đầu tư công sẽ phát triển tốt do chính sách của nhà nước. Theo đó, Nhựa Tiền Phong sẽ tập trung phát triển các dòng sản phẩm phát triển hạ tầng, xây dựng dân dụng, thủy sản, hạ tầng giao thông, công trình ngầm hoá của ngành điện, hệ thống cấp thoát nước... để khai thác tối ưu năng lực thị trường.

Nhựa Tiền Phong đã hợp tác với Iplex để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu đi Australia và New Zeland; hợp tác với Sekisui để nghiên cứu công nghệ sản xuất ống và phụ tùng C.PVC - một dòng sản phẩm mới sử dụng cho hệ thống phòng cháy chữa.

Việc hợp tác với Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cũng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới, tạo dư địa tốt cho tăng trưởng doanh thu của Nhựa Tiền Phong.

Tác giả: Thu Lê

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến