Dòng sự kiện:
Những báo động đỏ của nền kinh tế Mỹ
06/06/2022 09:40:53
Lạm phát là trở ngại lớn nhất đối với đà phục hồi của kinh tế Mỹ. Nhưng lãi suất tăng cao cũng có thể đẩy nước này rơi vào suy thoái kinh tế.

Theo CNN, những lo ngại về việc liệu nền kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái hay không đang tạo ra ảnh hưởng lớn tới các thị trường. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có thể gặp rủi ro bởi nguy cơ này.

Nền kinh tế đi xuống cũng đặt ra những thách thức cho các công ty và người lao động. CNN chỉ ra 3 chỉ số cho thấy động lực tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu thế giới đang sụt giảm.


Lạm phát và lãi suất tăng cao có thể đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới đến bờ vực suy thoái. Ảnh: Reuters.

Những tín hiệu đáng ngại

Đầu tiên, báo cáo việc làm tháng 5 của Mỹ được công bố hôm 3/6 chỉ ra thị trường lao động đã có thêm 390.000 việc làm. Đó là con số cao hơn dự báo, nhưng vẫn giảm từ mức tăng 428.000 vị trí hồi tháng 4.

Thứ hai là thị trường nhà ở. Chi phí đi vay đã tăng vọt do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Vào tuần trước, lãi suất của khoản vay thế chấp lãi suất cố định kỳ hạn 30 năm đạt trung bình 5,09%, tăng từ mức 2,99% cùng kỳ năm ngoái. Điều đó khiến nhiều khách hàng tiềm năng rời bỏ thị trường, làm nhu cầu sụt giảm.

Doanh số bán nhà có sẵn tại Mỹ trong tháng 4 đã ghi nhận tháng giảm thứ 3 liên tiếp.

Thêm vào đó, theo cuộc khảo sát mới nhất của FED, tất cả 12 khu vực đều ghi nhận tăng trưởng dương, nhưng tác động của việc thắt chặt các điều kiện tài chính đã trở nên rõ ràng.


Báo cáo việc làm tháng 5 của Mỹ chỉ ra thị trường lao động đã có thêm 390.000 việc làm, giảm từ mức tăng 428.000 vị trí hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.

Theo đó, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm vì giá cả leo thang. Thị trường bất động sản cũng chịu tác động tiêu cực bởi giá cao và lãi suất tăng.

CNN đưa tin theo một báo cáo mới của công ty nghiên cứu thị trường The NPD Group, cứ 10 người tiêu dùng thì có hơn 8 người đang lên kế hoạch tính toán lại, hoặc giảm chi tiêu trong 3-6 tháng tới.

Thực phẩm và nhiên liệu là 2 yếu tố chính đóng góp vào lạm phát kỷ lục ở Mỹ. Hôm 1/6, giá xăng tại Mỹ đã đạt mức kỷ lục 4,67 USD/gallon. Trong đó, xung đột giữa Nga và Ukraine là một trong những lý do chính đẩy giá xăng tại Mỹ lên cao.

Một nguyên nhân khác là nhu cầu xăng dầu tại Mỹ phục hồi mạnh mẽ sau thời kỳ dịch bệnh. Các hãng hàng không của Mỹ đều ghi nhận lượng đặt vé cao, ngay cả khi giá vé máy bay đã tăng cao hơn mức trước đại dịch.

Làn sóng Omicron giảm bớt và việc dỡ bỏ nhiều biện pháp chống dịch đã khuyến khích người Mỹ ra khỏi nhà để mua sắm, giải trí và du lịch nhiều hơn. Theo công ty nghiên cứu Inrix, các chuyến đi bằng xe chở khách tại Mỹ đã tăng 10% kể từ đầu năm nay.

"Cơn bão kinh tế"

Khi đại dịch bùng phát, ngân hàng trung ương Mỹ đã hạ lãi suất xuống gần 0 để khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp chi tiêu. Cơ quan này cũng bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thông qua chương trình nới lỏng định lượng.

Các biện pháp kích thích chưa từng có đã góp phần vào đà tăng trưởng nóng của nền kinh tế và lạm phát tại Mỹ. Thị trường lao động của Mỹ cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng việc làm kỷ lục trong năm 2021. Nhiều doanh nghiệp chật vật vì chi phí lao động tăng cao và tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động.

Theo nhóm chuyên gia tại Citigroup, sự sụt giảm của số việc làm mới không phải một tín hiệu rõ ràng cho thấy tăng trưởng kinh tế đang trở lại tốc độ bình thường.

Điều đó có nghĩa là cuối cùng, vẫn còn quá sớm để kết luận xem kế hoạch "hạ cánh an toàn" của FED có hiệu quả đối với nền kinh tế Mỹ hay không

Hãng tin CNN

"Sự chậm lại có thể là dấu hiệu đáng mừng đối với FED. Nó cho thấy nhu cầu đối với người lao động đang giảm bớt", nhóm chuyên gia bình luận.

"Nhưng trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng việc làm sụt giảm là do nguồn cung lao động thiếu hụt", các chuyên gia nói thêm.

Thêm vào đó, dù doanh số bán nhà đã giảm, giá vẫn tiếp tục tăng. Theo báo cáo của Hiệp hội Môi giới Quốc gia Mỹ, trong tháng 4, giá trung bình của một căn nhà đạt kỷ lục 391.200 USD, tăng 14,8% so với một năm trước đó.

"Điều đó có nghĩa là cuối cùng, vẫn còn quá sớm để kết luận xem kế hoạch 'hạ cánh an toàn' của FED có hiệu quả đối với nền kinh tế Mỹ hay không", CNN nhận định.

"Do đó, các nhà đầu tư nên hành động một cách thận trọng", hãng tin nói thêm.

Mới đây, ông Jamie Dimon - Giám đốc điều hành JPMorgan Chase - tiết lộ ông đang chuẩn bị cho một "cơn bão kinh tế".

CEO hãng xe điện Tesla Elon Musk - tỷ phú giàu nhất thế giới - cũng tiết lộ có "linh cảm rất tệ" về nền kinh tế. Ông cho biết muốn cắt giảm khoảng 10% việc làm tại Tesla. Tesla và các công ty con đã tuyển dụng khoảng 100.000 người vào cuối năm 2021.

 Tác giả: Thảo Phương

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến