Dòng sự kiện:
Những chiến công đi vào huyền thoại
12/05/2015 10:34:24
Những chiến sỹ đặc công Rừng Sác chỉ với đôi chân trần và những vũ khí thô sơ đã từng khiến kẻ thù khiếp sợ, kinh hoàng ở chiến trường miền Nam trong những năm chống Mỹ.

Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước (Bảy Ước)- nguyên Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10 đặc công Rừng Sác, người đã trực tiếp chỉ huy và tham gia hàng chục trận đánh lớn của Đoàn 10 đặc công rừng Sác là một trong những chiến sĩ như thế. Trong căn nhà nhỏ tại phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, câu chuyện của người chỉ huy đặc công năm nào đầy cảm động.

Ký ức một thời

Sinh năm 1931, quê Gò Quao, Rạch Giá, ông đi kháng chiến từ năm 1945, tham gia đánh Pháp, tập kết ra Bắc, vượt Trường Sơn về Nam, làm Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10 đặc công Rừng Sác thời chống Mỹ. Từ năm 1974 đến 1975, ông làm Chính ủy Sư đoàn 2, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Từ năm 1976, ông làm Phó chỉ huy trưởng Tỉnh đội Đồng Nai. Năm 1994, ông nghỉ hưu và từ đó là hội viên Hội VH-NT Đồng Nai. Nếu tóm tắt tiểu sử của Đại tá Bảy Ước thì chỉ có vậy. Nhưng cuộc đời ông là cả một pho tư liệu, một nhân chứng sống của đặc công Rừng Sác anh hùng.

tuong-dai-dac-cong-rung-sac

Tượng đài đặc công Rừng Sác

Đại tá Bảy Ước bắt đầu câu chuyện với sự hào sảng về tinh thần quả cảm, lòng quyết tâm tiêu diệt thù của những người chiến sỹ đặc công năm xưa: “Là người trực tiếp chỉ huy và chiến đấu nhiều trận, quả thực đến bây giờ nghĩ lại, kể lại, tôi vẫn tưởng như là huyền thoại… Người lính đặc công thường hoạt động ban đêm nên cần phải có sức khỏe, tinh thần, tư tưởng. Có lòng kiên định, gan dạ, xác định vững lập trường, trên thao trường có thể đổ mồ hôi nhưng trong chiến trường là phải quyết hoàn thành nhiệm vụ”.

Lúc đó, do điều kiện còn khó khăn nên vũ khí chiến đấu của Đoàn chủ yếu được chế từ những quả bom, được cưa ra, lấy thuốc làm mìn, bộc phá… đó chính là những vũ khí tự tạo tiêu diệt kẻ thù trên con sông Lòng Tàu.

Trong chiến tranh, Lòng Tàu là con sông rộng, nước sâu đi xuyên qua rừng Sác là thuỷ lộ duy nhất nối biển Đông với cảng Sài Gòn. Để bảo vệ an toàn cho sông Lòng Tàu, Mỹ và chính quyền Sài Gòn từng tuyên bố “làm cỏ, lột da rừng Sác” bằng những cuộc càn bắn giết đẫm máu, dội bom B52, pháo hạm và chất độc hóa học tàn phá rừng.

Bộ đội rừng Sác không chỉ thường xuyên phải đối mặt với sự tấn công địch mà còn phải chống chọi với cá sấu, rắn độc. Cá sấu ở Rừng Sác nặng khoảng 300kg, và rất dữ tợn, có thể kéo cả những mảnh lớn xác tàu lên bờ. Nhắc tới mối hiểm nguy thường trực này, Đại tá Bảy Ước chia sẻ: “Giặc thì không sợ, nhưng sợ nhất cá sấu. Nhiều chiến sĩ của ta khi làm nhiệm vụ đã bị cá sấu kéo đi, không còn tìm được xác”. Trước nhiều khó khăn gian khổ, những người lính đặc công Trung đoàn 10 nơi cửa ngõ yết hầu này vẫn anh dũng đương đầu với mọi phương tiện chiến tranh hiện đại của địch, tiêu diệt nhiều tàu vận tải quân sự lớn, có trọng tải hàng chục ngàn tấn như các tàu Victory, Aridonna...

Trầm ngâm, đầy cảm xúc, Đại tá Bảy Ước nhớ lại những trận đánh oai hùng, những chiến công lẫy lừng của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác. Ông kể về trận đánh tàu Victory nổi tiếng ngày 23-8-1966. Trận đánh được ghi vào lịch sử như một chiến công vang dội của quân ta, khiến cho kẻ thù khiếp sợ.

Ông nhớ lại: Lúc đó ông cùng 17 chiến sĩ trực tiếp tham gia vào trận đánh này. Để đưa được hai trái ĐKB (mỗi trái nặng khoảng 1 tấn) do Liên Xô chế tạo vào vị trí đã định xuống lòng sông là cả một kỳ công lớn. Và khi tác chiến, trên mỗi chiếc thuyền gồm 1 cán bộ thao tác và 6 chiến sĩ chèo xuồng. Sau khi đưa thuyền vào vị trí, các chiến sĩ dồn sang một bên lật nghiêng thuyền cho trái ĐKB “hạ thuỷ”, rồi được 2 xuồng nhỏ do 4 người khác đón chở vào bờ.

Nhưng nguy hiểm ở chỗ, ngay khi 2 chiếc thuyền chở ĐKB được đánh đắm, chiến sĩ thao tác phải lập tức dùng tay rút chốt gồm 5 sừng chảm “to như cổ tay” được làm bằng thủy ngân. Khi rút chốt, mìn đã ở vào trạng thái nguy hiểm, lúc này bất cứ vật gì va đập vào đều gây nổ. Khi đó dọc hai bên bờ sông địch bố trí hàng loạt đồn bốt bảo vệ và cứ khoảng 15 - 20 phút chúng lại cho tàu tuần tiễu rà cắt các chướng ngại vật.

Vào lúc hơn 8 giờ ngày 23-8, khi đoàn tàu của địch gần 10 chiếc lọt vào trận địa thì lập tức mìn phát hỏa. Với sức công phá lớn của mìn, chiếc tàu lớn nhất chồm lên rồi quay ngang. Hôm sau, báo chí đưa tin chiếc tàu chìm mang theo 100 xe tăng, 3 máy bay phản lực, hàng trăm khẩu pháo, hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm và hơn 100 lính Mỹ.
Ông dừng câu chuyện một chút như để hồi tưởng rồi lại hào hứng kể về rất nhiều những trận đánh khác như: Phá kho bom thành Tuy Hạ, thiêu hủy tổng kho xăng Nhà Bè, pháo kích dinh Độc Lập, tòa Đại sứ Hoa Kỳ...

Vô số các chiến công được Đoàn đặc công Rừng Sác thực hiện. Bên cạnh những thành công ấy biết bao xương máu đổ xuống cho ngày độc lập. Từ năm 1966 đến 30-4-1975, bộ đội đặc công Rừng Sác đánh gần 400 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch; đánh chìm và cháy 356 tàu, thuyền chiến đấu, đánh đắm 13 tàu vận tải, bắn cháy 145 giang thuyền; bắn rơi 29 máy bay trực thăng…

Nỗi trăn trở của người ở lại

Nhớ lại những chiến công hiển hách đó, Đại tá Lê Bá Ước, Trung đoàn trưởng năm nào thấy rất tự hào. Nhưng ông cũng cảm thấy trên vai mình còn một gánh nặng trách nhiệm và cao hơn trách nhiệm, đó là tình đồng đội, tình người. Khó có thể kể hết về sự gian khổ và những chiến công của bộ đội rừng Sác trong những năm kháng chiến. Bởi, trong 9 năm từ 1966 đến 1975, đã có gần 767 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 10 hy sinh tại Rừng Sác.

Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, ông đã dành nhiều công sức để đi tìm, xác nhận hài cốt đồng đội và quy tụ về nghĩa trang. Ông cũng phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng “Khu đền tưởng niệm các Chiến sỹ Đặc công nước Rừng Sác và các Liệt sỹ huyện Nhơn Trạch”. Đây là công trình do chính ông kêu gọi chung góp tiền bạc, công sức, tìm người thi công và bản thân đứng ra trông coi việc xây cất cho đến ngày khánh thành.

Ông ngậm ngùi: “Tôi thấy mình may mắn. Thương những người đồng đội đã ngã xuống vì độc lập. Người lính đặc công mà hy sinh thì xót xa lắm, người thì bị cá sấu ăn thịt mất xác, người bị kẻ địch bắn chết ở chốn “rừng thiêng nước độc” ấy cũng đa phần chìm vào sông nước, không còn dấu vết nào… Chúng tôi đã tìm kiếm nhiều mà đến nay cũng còn nhiều đồng đội đang phải cô đơn ngoài kia.

Hiện tại, ông lập riêng một ban thờ các liệt sĩ đặc công thuộc đơn vị cũ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Ông bảo: “Mình còn sống và may mắn được chứng kiến thời khắc huy hoàng của dân tộc là nhờ sự hy sinh của bao đồng đội. Bởi vậy, mình phải có trách nhiệm với thân nhân, gia đình họ, với vong linh của những người đã khuất cho trọn nghĩa, vẹn tình…”. Nói rồi, ông đứng dậy kính cẩn thắp nén hương thơm tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống cho độc lập hôm nay.

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng kí ức về những tháng năm chiến đấu gian khó và oanh liệt vẫn còn đầy ắp trong từng câu chuyện của ông. Rừng Sác bây giờ đã đổi thay, dấu vết chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng với những người đã gắn bó gần hết cuộc đời nơi rừng Sác như Đại tá Lê Bá Ước thì tất cả vẫn vẹn nguyên.

Hồ Châu (theo Báo Hải quan)
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến