Dòng sự kiện:
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2019
01/10/2019 07:18:41
Loại tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT, Người ở huyện nghèo đi xuất khẩu lao động được vay vốn không cần thế chấp... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10.

Loại tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT

Theo Nghị định 69 của Chính phủ, tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (dự án BT) bao gồm quỹ đất; đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (trụ sở làm việc) của các cơ quan Nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập; đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; cơ quan Đảng; tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Hai loại tài sản công khác được dùng để thanh toán cho nhà đầu tư BT là tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các loại tài sản công khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10.

Người ở huyện nghèo đi xuất khẩu lao động được vay vốn không cần thế chấp

Quyết định 27/2019 do Thủ tướng ban hành có hiệu lực từ  ngày 25/10, quy định những người lao động tại các huyện nghèo được vay đến 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài mà không cần phải đặt cọc, thế chấp, cầm cố tài sản...

Tuy nhiên, để được vay số tiền này, người lao động phải có hộ khẩu thường trú tại huyện nghèo từ đủ 12 tháng trở lên; đã ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài và được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc.

Trong trường hợp người lao động thuộc hộ nghèo được vay vốn với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định; nếu không thuộc hộ nghèo vẫn được vay vốn bằng mức lãi suất đối với hộ nghèo.

Thời hạn cho vay không quá thời gian làm việc ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thời hạn thực hiện nghĩa vụ công an là 24 tháng

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 70/2019/NĐ-CP quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Theo đó, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là 24 tháng (quy định hiện hành là 36 tháng).

Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ có thể được kéo dài nhưng không quá 06 tháng trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Công an nhân dân năm 2018 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.

Thời gian thực hiện nghĩa vụ được tính từ ngày giao nhận công dân; trong trường hợp không giao nhận tập trung thì tính từ ngày đơn vị Công an nhân dân tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ.

Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình phạt tù không được tính vào thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Nghị định 70/2019/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 10/10/2019.

Giảm số lượng thành viên tổ giám sát thanh lý tài sản của Quỹ TDND

Thông tư 13/2019/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 23/2018/TT-NHNN về thanh lý tài sản Quỹ tín dụng nhân dân (Quỹ TDND) có hiệu lực từ ngày 5/10/2019.

Theo đó, tổ giám sát thanh lý tài sản của Quỹ TDND giảm từ tối thiểu 5 thành viên xuống còn tối thiểu 3 thành viên bao gồm đại diện: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh; Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam; Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho Quỹ TDND vay đặc biệt).

Theo quy định hiện hành thì thành viên tổ giám sát thanh lý còn có đại diện Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng (tại tỉnh, thành phố nơi có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng).

Tốc độ tối đa của ô tô, xe máy khi tham gia giao thông

Một trong những văn bản đáng chú ý nhất có hiệu lực trong tháng 10/2019 là Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về tốc độ của xe khi tham gia giao thông.

Cụ thể như sau: Ở trong khu vực đông dân cư 60km/giờ nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ 2 làn trở lên; 50km/giờ nếu là đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 01 làn xe.

Nếu ở ngoài khu vực dân cư: 90km/giờ đối với ô tô con, ô tô đến 30 chỗ ngồi; 70km/giờ đối với xe máy nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có 2 làn trở lên; 80km/giờ đối với ô tô con, ô tô đến 30 chỗ ngồi; 60km/giờ đối với xe máy nếu chạy trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 1 làn xe.

Riêng với xe gắn máy (xe dưới 50 phân khối), tốc độ tối đa là 40km/giờ, bất kể trên đoạn đường nào và trong khu vực nào. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.

DN không trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư ra nước ngoài

Đây là nội dung được nêu tại Thông tư 48/2019/TT-BTC hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi…có hiệu lực từ ngày 10/10/2019.

Theo đó, việc trích lập các khoản dự phòng phải đảm bảo 4 nguyên tắc chung: Doanh nghiệp không trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản đầu tư ra nước ngoài;

Các khoản dự phòng theo quy định được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong kỳ báo cáo năm để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong kỳ báo cáo năm sau;...

Thời điểm trích lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là thời điểm lập báo cáo tài chính năm.

Doanh nghiệp xem xét, quyết định việc xây dựng quy chế về quản lý vật tư, hàng hóa, quản lý danh mục đầu tư, quản lý công nợ để hạn chế các rủi ro trong kinh doanh,...

Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến