Một trong những cổ phiếu “lạ” như vậy là ATA của Công ty cổ phần Ntaco. Chốt phiên giao dịch 31/12/2021, cổ phiếu ATA đứng mức 4.300 đồng, đi ngang so phiên liền trước.
Thị trường chứng khoán ghi nhận nhiều mã tăng thần tốc nhưng giao dịch lìu tìu.
Tuy vậy, tính từ đầu năm, mã ATA đạt mức tăng không tưởng 2.050%, từ 200 đồng/cổ phiếu lên 4.300 đồng/cổ phiếu. Với mức tăng này, mỗi cổ phiếu ATA thêm 4.100 đồng sau 247 ngày giao dịch. Vốn hóa thị trường được cộng thêm hơn 49 tỷ đồng.
Dù tăng trưởng sốc nhưng cổ phiếu ATA gây chú ý khi giao dịch rất hạn chế, nhiều phiên không có thanh khoản. Mã này cũng đang bị hạn chế giao dịch vì bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính do âm vốn chủ sở hữu.
Ntaco tiền thân là Công ty TNHH Tuấn Anh được thành lập từ 15/8/2000 với vốn điều lệ ban đầu là 2,7 tỷ đồng. Ngành nghề chính là chăn nuôi cá bè, xây dựng cầu đường, giao thông thủy lợi... Từ năm 2002, công ty chuyển hướng sang nuôi trồng và chế biến thủy sản, gồm các sản phẩm chính là cá tra và cá basa.
Thêm cổ phiếu nhận nhiều quan tâm trong năm 2021 là TGG của Công ty cổ phần Louis Capital. Dù giảm 3,65% trong phiên giao dịch 31/12/2021 nhưng mã TGG vẫn tăng tới 1.454% trong 2021. Với hơn 27,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của TGG có thêm hơn 472 tỷ đồng. Hiện TGG vẫn trong diện bị kiểm soát.
TGG và loạt các cổ phiếu liên quan tới Louis Holdings như BII (Louis Land), APG (Chứng khoán APG), AGM (Xuất nhập khẩu An Giang), SMT (Sametel), TDH (Thu Duc House), DDV (Dap - Vinachem), VKC (Cáp nhựa Vĩnh Khánh)... có chuỗi tăng trần liên tiếp, đặt ra nhiều dấu hỏi lớn cho giới đầu tư.
Trên các diễn đàn chứng khoán lớn, nhiều tài khoản đặt nghi vấn thao túng giá. Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) thậm chí phải thanh tra hoạt động giao dịch của Louis Holdings. Về nội dung thanh tra của SSC, lãnh đạo Louis Holdings khẳng định không làm giá cổ phiếu.
Louis Holdings thành lập từ 2012, định hướng phát triển trở thành công ty đầu tư đa ngành, trên các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, mua bán nợ, thủy sản, nông sản, trồng trọt và chăn nuôi. Hiện, vốn hóa của doanh nghiệp đạt gần 516 tỷ đồng.
Tương tự, mã PTO của Công ty cổ phần Dịch vụ - Xây dựng công trình Bưu điện tăng 1.491,8% từ đầu năm (từ mức 1.269 đồng/cổ phiếu lên 20.200 đồng/cổ phiếu), giúp mỗi cổ phiếu tăng thêm 18.931 đồng. Cũng như các mã tăng trưởng thần tốc khác, thanh khoản cổ phiếu PTO chỉ đạt trung bình 268 triệu cổ phiếu mỗi phiên. Nhiều phiên thậm chí không có giao dịch.
PTO thành lập từ 2004, ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình bưu chính viễn thông, mua bán vật tư trên địa bàn TP.HCM. Năm 2020, vốn điều lệ PTO đạt 12 tỷ đồng. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam là cổ đông lớn nhất khi sở hữu 30%, tương đương 360.000 cổ phiếu.
Dù đang thuộc diện bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế liên tục âm nhưng giá cổ phiếu LCM của Công ty cổ phần Khai thác và chế biến khoáng sản Lào Cai vẫn bất ngờ tăng chóng mặt. Kết phiên 31/12/2021, mã LCM giao dịch mức 11.950 đồng/cổ phiếu, tăng trần 6,7%. Từ đầu năm, mã này tăng hơn 1.072%, tương ứng mỗi cổ phiếu thêm 10.930 đồng.
Mức tăng kỷ lục này giúp LCM trở thành “hiện tượng mới” trên thị trường chứng khoán. Trước đó, cổ phiếu này từng trải qua 3 năm liên tiếp (từ 2018 - 2020) giao dịch dưới mức giá 1.000 đồng, phổ biến ở mức giá 600 – 700 đồng/cổ phiếu.
Báo cáo tài chính cho thấy, quý III/2021, lợi nhuận sau thuế LCM chỉ đạt 187 triệu đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế hợp nhất cũng giảm 21% so với cùng kỳ, đạt 736 triệu đồng.
Ngoài những cổ phiếu trên, thị trường cũng ghi nhận những mã tăng trưởng thần tốc khác như: TNT của Công ty cổ phần Tập đoàn TNT, CMS của Công ty cổ phần CMVietnam, APS của Công ty cổ phần chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương, PVL của Công ty cổ phần Đầu tư Nhà đất Việt… Đây là những cổ phiếu có mức tăng từ 600% - 900% từ đầu năm nhưng thanh khoản kém tích cực hoặc kết quả kinh doanh không ấn tượng.
Chứng khoán Việt tăng gần 36% trong 2021
Thị trường chứng khoán Việt có một năm thăng hoa khi VN-Index tăng gần 36%, lọt top 10 chỉ số tăng mạnh nhất thế giới. Theo đó, chốt phiên giao dịch 31/12, VN-Index tăng 12,3 điểm, tương đương 0,83% lên mức 1.498 điểm. HNX-Index cũng tăng 12,34 điểm, tức 2,67%, lên 473,99 điểm. UPCoM-Index tăng 1,12 điểm lên 112,68 điểm.
Như vậy, so với đầu năm, VN-Index tăng gần 36% và lọt top 10 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất trên thế giới trong 2021. HNX-Index tăng 133,35% và UPCoM-Index tăng 51,35%.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với giá trị khớp lệnh 28.920 tỷ đồng, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 24.441 tỷ đồng.
Tác giả: Hòa Bình
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy