Những cuộc truy bắt tội phạm xuyên quốc gia
12/09/2014 11:58:44
ANTT.VN - Tội phạm nước ngoài, sau khi gây án thì bỏ trốn về Việt Nam và ngược lại, tội phạm Việt Nam thì tìm đường tẩu thoát ra nước ngoài với hy vọng, khoảng cách địa lý và những khác biệt về luật pháp giữa các quốc gia sẽ là một rào cản đối với lực lượng truy tìm.

Thế nhưng, dù các đối tượng có “chạy lên trời” thì vẫn phải đối mặt với bản án thích đáng. Bởi, phạm tội thì không thể nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Truy tìm Le John trên đất Việt

Trong vòng chưa đầy 2 tháng, Le John - tên tội phạm nguy hiểm người Mỹ gốc Việt đã gây ra 2 vụ cướp ngân hàng tại Houston, bang Texas, Mỹ và bị ra lệnh truy nã quốc tế. Trong thời gian được bảo lãnh tại ngoại, Le John đã xuất cảnh sang Đài Loan bằng con đường du lịch, sau đó nhập cảnh vào Việt Nam và biến mất.

Phải mất nhiều thời gian xác minh, điều tra các trinh sát đã vào cuộc tìm Le John. Ngày 14/4/2010, Le John đã bị Công an Việt Nam bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, đối tượng Le John đã khai toàn bộ quá trình sau khi nhập cảnh vào Việt Nam đến thời điểm bị bắt.

Công an Việt Nam trao trả Le John cho cảnh sát Mỹ

Tháng 5/2010, tại sân bay Tân Sơn Nhất, trước sự có mặt của Cảnh sát Interpol Việt Nam, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Đồn Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất; đại diện Đại sứ quán Mỹ; Cảnh sát Mỹ, Le John đã được Công an Việt Nam trao trả cho Cảnh sát Mỹ. Ngay sau đó, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã gửi thư tới lãnh đạo Bộ Công an cảm ơn các cơ quan, lực lượng chức năng của Công an Việt Nam đã phối hợp tích cực truy lùng bắt giữ Le John và bàn giao cho Cảnh sát Mỹ.

Kẻ mang quốc tịch nước ngoài

Năm 1991, Trần Duy Triệu lãnh án 9 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Chấp hành án tại Trại giam Mỹ Phước, Tiền Giang. Được gần 2 năm, Triệu trốn khỏi trại giam sau cú khoét tường, đào vách táo bạo. 

Sau khi trốn trại, Triệu lẩn trốn sống tại TPHCM, Tiền Giang. Dưới vỏ bọc nhà kinh doanh và dẻo miệng, Triệu đã chinh phục được trái tim của nhiều phụ nữ, chung sống như vợ chồng với 4 người và có con riêng với họ. Lẩn trốn được một thời gian khá lâu mà công an vẫn chưa “hỏi thăm”, nhưng Triệu vẫn nơm nớp lo sợ một ngày bị điệu hồi về trại giam. Nghĩ ở trong nước không an toàn, Triệu trốn sang Campuchia bỏ lại phía sau 4 người vợ và những đứa con thơ dại. 

Tại nước bạn, Triệu mở cửa hàng sửa chữa đồ điện, điện tử và kết hôn mới một phụ nữ Campuchia. Việc Triệu mang quốc tịch Campuchia là một trở ngại trong việc tìm, bắt giữ.

Ngày 9-8-2011, khi Triệu vừa bước chân qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Tây Ninh thì bị lực lượng công an kiểm tra bắt giữ. Triệu phản đối, cho rằng mình là người Campchia, Công an Việt Nam đã nhầm lẫn. Khi đưa lệnh truy nã với tấm ảnh nhận dạng, Triệu mới chịu tra tay vào còng trở về trại giam thụ án.

Trong năm 2013, qua kênh hợp tác Interpol, Văn phòng Interpol Việt Nam và Cục truy nã tội phạm đã bắt giữ hàng loạt nghi phạm bị truy nã quốc tế khác. Đỗ Văn Phương, kẻ cầm đầu đường dây buôn người, sau khi lừa gạt hàng loạt phụ nữ trẻ đẹp để bán qua biên giới, biết bị Công an Hải Dương truy nã đã bỏ sang Trung Quốc. Hành tung của Phương bị Interpol phát hiện, bắt giữ tại Quảng Đông (Trung Quốc).

Ngày 4/11/1991, trong phiên họp đầu tiên của kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 60 tại thành phố Penta De Este, Urugoay, Đại hội đồng Interpol đã thông qua đơn xin gia nhập tổ chức của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Việt Nam với đa số phiếu tán thành. Lực lượng cảnh sát Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 156 của Interpol, mở ra một cơ chế hợp tác đa phương về thực thi pháp luật trên phạm vi rộng nhất từ trước tới nay.


Thu Thủy

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến