Dòng sự kiện:
Những đêm không ngủ và nỗi ám ảnh của bệnh nhân sống sót sau sự cố chạy thận
15/05/2018 14:12:37
Nhiều khi nhắm mắt, hình ảnh của các bệnh nhân năm xưa và cả hình ảnh về sự cố chạy thận xảy ra tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình lại hiện về trong tâm trí những bệnh nhân may mắn sống sót sau sự cố đó.

Gần 1 năm sau sự cố chạy thận xảy ra tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 người tử vong, Đơn nguyên thận nhân tạo – khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện đã hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, đa số bệnh nhân chạy thận cũng đã quay trở lại đây để lọc máu chu kỳ.

Thế nhưng đó cũng chính là khoảng thời gian sống trong ám ảnh với những bệnh nhân sống sót trong sự cố y khoa hi hữu.

Những ngày này, ông Lê Văn Tiến (51 tuổi, Hòa Bình) hàng tuần vẫn đều đặn 3 lần tới bệnh viện Đa khoa Hòa Bình để chạy thận nhân tạo, mặc dù sức khỏe của ông giảm sút đi nhiều. Những lần xương đau nhức, toàn thân mỏi mệt khiến ông không ngủ được. Ông bảo, những người sống sót trong ca chạy thận ngày 29/5/2017 thường xuyên gặp nhau tại Đơn nguyên thận nhân tạo, 3 – 4 anh em vẫn nằm ở những giường sát cạnh nhau.

10 bệnh nhân sống sót sau sự cố chạy thận trong ngày ra viện sau khi được cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai.

Dẫu biết đó là sự cố không ai mong muốn và mọi chuyện cũng đã qua, nhưng thỉnh thoảng họ vẫn ngồi kể cho nhau nghe sự cố đó bằng lòng trắc ẩn trong từng con người.

“Tôi vẫn nghĩ về ngày hôm đó. Lúc ấy, phòng tôi chạy thận có 6 người thì 4 người tử vong, 2 người nằm hai bên giường của tôi. Khi bác sĩ rút kim truyền ra, toàn thân họ tím tái và cứ thế lịm dần đi trong giấc ngủ vĩnh hằng. Hình ảnh đó dù sau bao nhiêu năm nữa, có lẽ sẽ chẳng bao giờ tôi quên. Những ngày giáp Tết Nguyên đán vừa qua, ông Phạm Ngọc Trung cũng đã ra đi. 10 người sống sót trong sự cố chạy thận đó nay chỉ còn lại 9”, ông Tiến ngậm ngùi.

Cũng theo ông Tiến, với trường hợp bác sĩ Hoàng Công Lương (Đơn nguyên Thận nhân tạo – khoa Hồi sức tích cực), tất cả bệnh nhân và gia đình đều xin miễn tội cho anh. “Còn kết luận là do cơ quan chức năng”, ông Tiến chia sẻ.

Với anh Nguyễn Hồng Quân (32 tuổi, trú tại Tu Lý, Đà Bắc, Hòa Bình) - người đã có 7 năm thâm niên chạy thận, nhiều khi cứ nhắm mắt, cảnh tượng của ngày hôm đó lại xuất hiện trong tâm trí. Những gương mặt đã gắn bó với mình nhiều năm nhưng chỉ trong tích tắc đã mãi mãi ra đi khiến anh nhớ, thương và đôi lúc sợ dù mình là người may mắn sống sót.

“Lần ấy, mỗi người có biểu hiện khác nhau, người tỉnh, người ngất, người tử vong luôn. Nằm trên giường bệnh, tôi vừa lo lắng vừa thương các bệnh nhân đã ra đi.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 7/5, thấy người nhà những bệnh nhân đã tử vong cầm di ảnh họ, tôi thực sự nhớ những người bạn cũ, cố gắng không khóc nhưng nước mắt vẫn chảy. Mỗi lần chạy thận nhân tạo, tôi vẫn có cảm giác sợ sự cố ấy lại xảy ra”, anh Quân tâm sự.

Thời điểm xảy ra sự cố chạy thận, người đầu tiên anh Quân gọi điện thông báo là bạn đang làm ở gần đó để nhờ tới chăm sóc. Trong nỗi hoảng sợ, anh thấy người thân các bệnh nhân tới rất nhiều, ai cũng tất tả, lo lắng, các bác sĩ cũng tất bật công tác cứu chữa bệnh nhân… khiến anh thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc cao hơn so với những gì mình nghĩ.

Đối với việc xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương, anh Quân không có ý kiến gì vì liên quan tới pháp luật, đã có cơ quan chức năng xử lý. Nhưng trong tâm trí anh Quân, bác sĩ Hoàng Công Lương là người tử tế, thật thà. Và tự trong sâu thẳm lòng mình, anh Quân mong pháp luật sẽ xử đúng người, đúng tội.

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến