Dòng sự kiện:
Những doanh nghiệp ‘con cưng’ của TP HCM làm ăn ra sao
08/08/2020 11:07:00
Nửa đầu năm, 7 trong 47 doanh nghiệp do UBND TP HCM quản lý báo lỗ, còn lại có lãi nhưng hầu hết chưa hoàn thành một nửa kế hoạch.

UBND TP HCM đang quản lý 47 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động theo mô hình Tổng công ty, công ty mẹ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập. Tổng tài sản của các doanh nghiệp này tính đến cuối quý II năm nay hơn 101.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 68.100 tỷ đồng.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh nửa năm, tổng doanh thu xấp xỉ 28.990 tỷ đồng và mới đạt khoảng 41% kế hoạch. Đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu là Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) với trên 11.430 tỷ đồng, tiếp đến là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco).

Doanh nghiệp có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch nhiều nhất là Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC với hơn 73%, trong khi ở chiều ngược lại nhiều công ty chỉ đạt 10-20%.

Tân Thuận - IPC cũng là đơn vị duy nhất đã vượt kế hoạch lợi nhuận khi đạt trên 515 tỷ đồng. Những năm trước, nguồn thu lớn nhất của doanh nghiệp này thường đến từ cổ tức được chia nhờ sở hữu 30% vốn tại Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng.

Tổng lợi nhuận nửa năm của các doanh nghiệp do UBND TP HCM quản lý xấp xỉ 3.160 tỷ đồng, đạt gần 46% kế hoạch. Satra đứng đầu với lợi nhuận gần 1.950 tỷ đồng, trong đó phần lớn là cổ tức từ Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam. Đây là công ty liên kết do Satra nắm giữ 40%, được thành lập vào năm 1991 với hoạt động chính là sản xuất, phân phối bia Heineken và các thương hiệu nước giải khát khác tại Việt Nam.


Giai đoạn này có 7 doanh nghiệp phát sinh lỗ với tổng số tiền hơn 152 tỷ đồng. Lỗ đậm nhất là Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) với 87 tỷ đồng vì sản lượng tiêu thụ xe ôtô và các thiết bị chuyên dùng giảm mạnh vì dịch bệnh. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn chịu thêm tiền thuê đất và chi phí lãi vay sau khi nghiệm thu dự án bến xe miền Đông mới.

Cùng nguyên nhân vì tác động của Covid-19, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) báo lỗ 35 tỷ đồng khi lượng khách đặt phòng và tiệc đều lao dốc.

Trong số các doanh nghiệp thua lỗ, Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương là trường hợp đặc biệt nhất. Doanh nghiệp này lỗ 3,4 tỷ đồng vì chưa được chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, tư cách pháp nhân không phù hợp nên không ký được hợp đồng xuất khẩu và vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Hoạt động sản xuất kinh doanh không đủ bù đắp chi phí khấu hao toàn bộ tài sản hiện có. Do đó, UBND TP HCM trước đó đã ra quyết định đưa doanh nghiệp vào diện giám sát tài chính đặc biệt và thành lập Ban đổi mới doanh nghiệp để xây dựng phương án bán vốn.

Theo: VnExpess
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến