Cầu Thủ Thiêm 2
Liên quan đến dự án cầu Thủ Thiêm 2, mới đây, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương gia hạn thời gian hoàn thành công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 đến ngày 9/9/2021 theo đề xuất của Sở KH&ĐT thành phố.
Nguyên nhân do ảnh hưởng của công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo đó, thành phố sẽ bàn giao mặt bằng trống cho nhà đầu tư thi công trước ngày 10/9/2020.
Trước đó, đại diện CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (chủ đầu tư dự án) cho biết riêng phần cầu nhánh N1 và N2 đơn vị vẫn đang chờ bàn giao mặt bằng từ thành phố. Vì vậy khả năng cầu chính và cầu dẫn sẽ hoàn thành trước, trong khi nhánh N1 và N2 khó hoàn thành cùng thời điểm.
Cầu Thủ Thiêm 2 hiện đang vướng ở khâu giải phóng mặt bằng khiến dự án bị chậm tiến độ
Hiện, các đơn vị dồn toàn lực để tổ chức thi công, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành dự án, hợp long cầu chính vào tháng 9/2020. Dự kiến thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2020 (không bao gồm phần cầu nhánh N1 và N2 đang vướng giải phóng mặt bằng).
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 có quy mô 6 làn xe, với tổng chiều dài là 1.465m trong đó phần cầu dài 885,7m, được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính có hình dáng kiến trúc cầu Rồng cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm, là biểu tượng cổng chào từ Trung tâm TP qua Khu ĐTM Thủ Thiêm. Cùng với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật thì cầu Thủ Thiêm 2 sẽ là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ban ngày và về đêm.
Dự án có tổng mức đầu tư là 4.260 tỷ đồng, trong đó: Chi phí xây dựng và tư vấn là 2.283 tỷ đồng; chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật và đền bù giải tỏa là 308,5 tỷ đồng; chi phí dự phòng khối lượng và dự phòng thay đổi mức lương là 491 tỷ đồng; chi phí dự phòng trượt giá và lãi vay là 1.177,5 tỷ đồng.
Để thanh toán chi phí đầu tư xây dựng dự án cầu Thủ Thiêm 2, UBND TP.HCM đã trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao cho Công ty Đại Quang Minh 13,6 ha đất trong Khu ĐTM Thủ Thiêm để thực hiện dự án khác theo cơ chế thực hiện đồng thời với dự án BT.
Cầu thủ thiêm 4
Liên quan đến dự án cầu Thủ Thiêm 4, vào năm 2015, liên danh các công ty BĐS và xây dựng trong nước đã có văn bản gửi cho Thành ủy và UBND TP.HCM đề xuất được đầu tư xây dựng dự án bằng hình thức đổi đất tại Khu ĐTM Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng.
Đến tháng 4/2017, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng, Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và cho phép UBND thành phố được quyết định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Phối cảnh dự án cầu Thủ Thiêm 4 (Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc)
Đến tháng 9/2019, UBND TP.HCM công khai quyết định về tuyển chọn "Phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Thủ Thiêm 4". Và động thái gần đây nhất vào giữa tháng 5/2020 là việc, UBND TP.HCM giao Sở KH&ĐT đề xuất kế hoạch tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức PPP.
Đồng thời, giao đơn vị tư vấn nghiên cứu hoàn chỉnh thêm phương án ý tưởng "Tre Việt Nam", trong đó thể hiện rõ cấu trúc tre, chi tiết lan can cầu, kiến trúc các nhịp dẫn đặc sắc cũng như các phương án chiếu sáng mỹ thuật.
Tuy nhiên, đến nay dự án cầu Thủ Thiêm 4 vẫn đang “nằm trên giấy” và chưa xác định được thời gian khi nào sẽ thi công.
Cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 2 và 7 có mức đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp và thiết bị hơn 3.200 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng (phía quận 7) là hơn 960 tỷ đồng.
Cầu có tổng chiều dài gần 2,2 km, rộng 28 m với 6 làn xe và 2 lề bộ hành, tuổi thọ thiết kế 100 năm, chịu được động đất cấp 7, vận tốc thiết kế 60 km/h. Dự án sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông ở khu Nam và thúc đẩy phát triển nhanh Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
4 tuyến đường chính
Dự án có tổng chiều dài 11,9 km, chiều rộng từ 11,6 m đến 55 m với số tiền đầu tư hơn 8.200 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay (3.917 tỷ đồng), tổng số vốn lên đến hơn 12.000 tỷ đồng.
Trong đó, tuyến lớn nhất ký hiệu R1 (Đại lộ Vòng cung) với chiều dài 3,4 km, có mặt cắt ngang 55 m, 6 làn xe; đường R2 (đường Ven hồ trung tâm) dài 3 km, mặt cắt ngang 29,2 m; đường R3 (tuyến đường ven sông Sài Gòn) dài 3 km, mặt cắt ngang 28,1 m; Đường R4 (đường Vùng châu thổ) dài 2,5 km, mặt cắt ngang 11,6 m.
4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm gồm: Đại lộ Vòng cung (R1); Ven hồ trung tâm (R2); Ven sông Sài Gòn (R3); Vùng châu thổ (R4) đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên, còn nhiều đoạn vẫn chưa thể kết nối đồng bộ
Dự án được triển khai thi công từ tháng 2/2014, thời gian hoàn thành công trình là 36 tháng, tức là tháng 2/2017. Sau khi hoàn thành, 4 tuyến đường này sẽ nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng cho Khu ĐTM Thủ Thiêm.
Để thanh toán cho hợp đồng 12.000 tỷ đồng nói trên, TP.HCM đã trả cho Đại Quang Minh 79 ha đất tại trung tâm Thủ Thiêm để xây dựng khu đô thị và khu dân cư. Trong đó, nhà đầu tư được xây dựng khu dân cư phía Nam đường Mai Chí Thọ, diện tích khai thác hơn 46 ha bao gồm cả diện tích của toàn bộ bến du thuyền, hai nhà văn hóa, hai trường học.
Phương thức đổi đất lấy đường này được gọi là thanh toán hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) bằng giao dự án khác được UBND thành phố đề nghị trong văn bản gửi Bộ Tài chính hồi cuối năm 2014.
Tuy nhiên, đến nay toàn tuyến vẫn chưa được đưa vào sử dụng thông suốt, một số đoạn vẫn còn thi công nhưng với tốc độ chậm vì vướng giải phóng mặt bằng.
Quảng trường trung tâm và Công viên Bờ sông ở Thủ Thiêm
Theo tìm hiểu, dự án Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông trong Khu ĐTM Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại các công văn số 527/TTg-KTN ngày 21/4/2014, số 731/TTg-KTN ngày 22/5/2014, số 81/TTg-KTN ngày 21/10/2014, theo đề xuất của CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (Công ty Đại Quang Minh) để cân đối phần kinh phí nộp ngân sách còn thiếu, với tổng mức đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Thành phố và Nhà đầu tư đã đàm phán thống nhất về việc sẽ thực hiện dự án.
Nhưng đến cuối tháng 3/2017, UBND TP.HCM mới duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông tại Khu ĐTM Thủ Thiêm, quận 2 cho Công ty Đại Quang Minh làm chủ đầu tư.
Quảng trường Trung tâm với diện thích 20,72ha sẽ là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu, tổ chức các lễ hội văn hóa, chính trị, đồng thời là không gian công cộng với các hoạt động thường nhật phục vụ người dân thành phố và du khách với quy mô lên đến 430.000 người (Ảnh phối cảnh: Defrain Souquet Deso)
Đến tháng 7/2019, UBND TP.HCM có công văn gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc lấy ý kiến các nội dung liên quan việc triển khai xây dựng dự án, và lấy tên là “Quảng trường Hồ Chí Minh”.
Được biết, Quảng trường Trung tâm Khu ĐTM Thủ Thiêm có diện thích 20,72ha, với tổng vốn đầu tư của dự án ước tính gần 2.000 tỷ đồng, được quy hoạch thành không gian công cộng lớn nhất tại Việt Nam, là điểm nhấn của cả Khu ĐTM Thủ Thiêm (quận 2), với chiều dài khoảng 700m và chiều rộng từ 80 - 200m. Công trình có quy mô phục vụ tối đa là 430.000 người; phục vụ trong dịp lễ hội chính trị tối đa khoảng 230.000 người.
Quảng trường trung tâm cùng với công viên bờ sông là nơi tập trung cao nhất các công trình kiến trúc tiêu biểu, cảnh quan cây xanh mang tính biểu trưng và là điểm nhấn của Khu Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm (Ảnh phối cảnh: Defrain Souquet Deso)
Quảng trường sẽ kết nối với trung tâm TP.HCM hiện hữu qua cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn dài hơn 500m đến Công trường Mê Linh (quận 1).
Trong khi đó, Công viên Bờ sông là công trình công cộng trải dọc theo bờ sông Sài Gòn tại khu lõi trung tâm Thủ Thiêm với quy mô 9,05ha, dài 2km từ Trung tâm triển lãm quốc tế phía Bắc đến Khu thể thao và giải trí tại phía Nam. Đây là một không gian công cộng rộng lớn có chiều cao trình từ 1,5 - 2m cùng hệ sinh thái tự nhiên đa dạng. Theo quy hoạch, công viên sẽ là vườn bách thảo với các dải thực vật khác nhau trên suốt chiều dài của công viên bờ sông.
Động thái mới nhất liên quan đến dự án, mới đây, tại cuộc họp về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh và thực hiện các dự án đầu tư giữa Thủ tướng Chính phủ và TP.HCM diễn ra vào ngày 20/7, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, do đây là một công trình công cộng có ý nghĩa quan trọng trong Khu ĐTM Thủ Thiêm, phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị lớn của thành phố.
Do đó, UBND thành phố xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về việc triên khai thực hiện dự án Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông trong Khu ĐTM Thủ Thiêm trong thời gian sắp tới để đảm bảo phù hợp với các quy định có liên quan.
Tuy nhiên, tương tự như những dự án nói trên, công trình này vẫn chưa xác định được thời gian khi nào sẽ khởi công.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy