Dòng sự kiện:
Những dự án giao thông kết nối ba miền Bắc - Trung - Nam
02/09/2021 09:15:07
Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Bến Lức-Long Thành hay Quảng Ngãi-Bình Định... là những dự án giao thông hiện đại, giúp việc đi lại, kết nối thuận tiện giữa các tỉnh, thành trên cả nước.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2020. Công trình được xây dựng theo hình thức BOT, tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Mặt đường rộng 25 m, quy mô 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 100 km/h. Kể từ khi hoàn thành, tuyến đường góp phần rút ngắn thời gian đi ôtô từ Hà Nội đến Lạng Sơn xuống còn 2,5 giờ thay vì 3,5 giờ như trước đây. Ảnh: Việt Linh.

Tiếp nối đó là cao tốc Hà Nội - Bắc Giang thông xe từ tháng 1/2016. Các phương tiện cơ giới lưu thông trên Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang dài 45,8 km có thể chạy với vận tốc tối đa 100 km/h, rút ngắn hành trình kết nối giữa 2 địa phương này chỉ còn khoảng nửa giờ. Công trình có chiều dài khoảng 45,8 km, điểm đầu tại nút giao QL31 thuộc địa phận TP. Bắc Giang, điểm cuối tại Km159+100, QL1 (vị trí trạm thu phí Phù Đổng cũ, Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Hải Quân.

Cao tốc Hạ Long-Vân Đồn gồm 2 phần là cao tốc Hạ Long-Cẩm Hải dài 53,6 km và Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long-Mông Dương 31,25 km. Dự án được khởi công từ tháng 9/2015, khánh thành vào cuối tháng 12/2018. Tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng. Điểm đầu của cao tốc tại nút giao Minh Khai thuộc phường Đại Yên, Hạ Long; điểm cuối: Km59+456 tại xã Đoàn Kết, giao với tuyến trục chính nối các khu chức năng chính Khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Hà.

Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai được khởi công xây dựng từ tháng 4/2009 theo tiêu chuẩn loại A. Với tổng chiều dài lên đến 245 km, hành trình từ Hà Nội đến Lào Cai được rút ngắn thời gian chỉ còn khoảng 3,5 giờ so với 7 giờ khi chưa có cao tốc. Từ khi khánh thành, tuyến đường này có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong vùng dự án. Ảnh: Nam Khánh.

Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng thông xe ngày 1/9/2018. Tuyến đường dài 24,6 km, rộng 25 m, 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h. Trong đó hạng mục đường từ Hạ Long đến cầu Bạch Đằng dài 19,8 km. Cùng với dự án cầu Bạch Đằng, nút giao cuối tuyến kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tạo thành trục cao tốc hoàn chỉnh nối Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Ảnh: Đỗ Phương.

Cầu Hưng Hà và tuyến nối 2 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng mức đầu tư hơn 2.969 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng trong nước. Chiều dài toàn tuyến gần 6,2 km. Đường thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/h, nền đường rộng 22,5 m có 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ... Cầu Hưng Hà rộng 22,5 m với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Việc đưa công trình này vào khai thác đã rút khoảng cách từ thành phố Hưng Yên sang Phủ Lý (Hà Nam) còn 20 km thay vì 30 km. Ảnh: Nam Khánh.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước có 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, với nhiều trang thiết bị công nghệ mới hiện đại. Trên tuyến có 39 vị trí giao cắt là cầu vượt hoặc hầm chui, 106 cống dân sinh và 164 km đường gom hai bên để kết nối các đường dân sinh địa phương. 9 cầu lớn vượt sông với tổng chiều dài 4,5 km. Từ khi khánh thành, các phương tiện đi từ Hà Nội đến Hải Phòng chỉ từ 1 đến 1,5 giờ thay vì 2,5 giờ như trước đây. Ảnh: Hoàng Hà.

Đường Hòa Lạc - Hòa Bình có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 2.989 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu tại nút giao Hòa Lạc (giữa Đại lộ Thăng Long và Quốc lộ 21, điểm cuối tại Km 32+367 (xã Trung Minh, TP Hoà Bình). Tổng chiều dài toàn tuyến là 25,69 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m, vận tốc tối đa 80 km/h. Ảnh: Hải Quân.

Dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn từ nút giao Liêm Tuyền (Hà Nam) đến QL10 (Ninh Bình) có chiều dài 30 km, tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế từ 100 đến 120 km/h. Quy mô nền đường 6 làn xe, mặt đường 4 làn xe, chiều rộng nền đường 35,5 m. Các công trình xây dựng đồng bộ hệ thống an toàn giao thông và thông tin tín hiệu, hệ thống quản lý, điều hành và các trạm dịch vụ trên đường cao tốc. Tuyến đường có vị trí và ý nghĩa quan trọng, kết nối giao thông giữa các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam và TP Hà Nội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh. Ảnh: Duy Hiếu.

Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có tổng chiều dài 88 km (62 km thuộc tỉnh Quảng Ngãi và 26 km thuộc tỉnh Bình Định. Điểm đầu tại Km130+800 cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, thuộc xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, điểm cuối giao cắt tỉnh lộ 629, thuộc thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Dự án có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100-120 km/h, tổng mức đầu tư trên 16.000 tỷ đồng. Ảnh: Quang Ngọc.

Là công trình hầm đường bộ lớn và hiện đại nhất Việt Nam, dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân. Dự án có tổng mức đầu tư 26.154 tỷ đồng, tổng chiều dài đường dẫn và hầm chính dài khoảng 13,5 km. Trước khi chưa có công trình này, các phương tiện phải lưu thông qua con đèo cao khoảng 333 m, dài 12 km với nhiều đỉnh dốc cheo leo, hiểm trở. Ảnh: Nhật Hòa.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chính thức được vận hành toàn tuyến vào đầu tháng 2/ 2015, mang lại tiện ích giao thông và mở đầu cho sự phát triển hệ thống hạ tầng vùng Đông Nam Bộ. Toàn tuyến có chiều dài 55,7 km, điểm đầu tại nút giao thông An Phú, thuộc quận 2, TP.HCM và điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây, huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Đoạn Long Thành – Dầu Giây thuộc hệ thống đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Sau nhiều năm đưa vào khai thác, tuyến đường này bị quá tải. Trước đó, vào tháng 12/2019 Bộ GTVT giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long nghiên cứu và đề xuất phương án mở rộng. Ảnh: Lê Quân.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, hoàn thành và thông xe kỹ thuật dịp Tết Nguyên đán 2021. Cao tốc có chiều dài toàn tuyến là 51,1 km bắt đầu từ nút giao thông Thân Cửu Nghĩa và điểm cuối tại nút giao thông quốc lộ 30 (thuộc tỉnh Tiền Giang). Cao tốc có bề rộng mặt đường 13,75 m, gồm 2 làn xe rộng 3,5 m và 2 làn xe phụ rộng 2,75 m, kinh phí thực hiện dự án trên 14.000 tỷ đồng. Công trình giúp kết nối hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Ảnh: Phạm Ngôn.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia, nối miền Tây Nam bộ với Đông Nam Bộ không qua nội đô TP.HCM; giúp kết nối mạng lưới cao tốc, quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và cảng hàng không quốc tế Long Thành. Toàn tuyến dài 57,8 km, có 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 31.320 tỷ đồng, khởi công từ tháng 7/2014. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cộng với vướng mắc về nguồn vốn phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, việc triển khai thi công dự án này gặp khó, không thể hoàn thành tiến độ như dự kiến ban đầu là vào cuối năm 2020. Ảnh: Quang Ngọc.

Tác giả: Hoàng Hà - Phạm Ngôn

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến