Dòng sự kiện:
Những lập luận trái chiều xung quanh quyết định tăng lãi suất của Fed
04/05/2023 17:12:42
Bất kỳ đợt tăng lãi suất nào nữa của Fed đều có nguy cơ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái, theo chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s.

Hôm 3/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,25%, đưa lãi suất cho vay cơ bản của Mỹ lên mức 5-5,25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của Fed kể từ tháng 3/2022, và là động thái gây tranh cãi do lo ngại rằng nó có thể kìm hãm nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Quyết định của Fed được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ngân hàng First Republic sụp đổ và được JPMorgan Chase mua lại. Cũng giống như ngân hàng Thung lũng Silicon và ngân hàng Signature, sự thất bại của First Republic bắt nguồn từ chiến dịch tăng lãi suất kéo dài cả năm của ngân hàng trung ương Mỹ.

Bên cạnh những người ủng hộ Fed trong cuộc chiến chống lạm phát, nhiều chuyên gia kinh tế cũng lên tiếng phản đối quyết định tăng lãi suất mới đây vì lo ngại động thái này có thể góp phần đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái.

Công cụ chống lạm phát

Năm 2022, Fed tập trung vào một mục tiêu trọng tâm là chế ngự lạm phát bằng cách tăng lãi suất, khiến việc vay tiền trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Suy nghĩ đằng sau cách tiếp cận này là khi lãi suất cao hơn, nhu cầu đi vay cũng như tiêu dùng sẽ giảm xuống, dẫn đến giá cả giảm theo.

Quyết định tăng lãi suất một lần nữa của Fed chỉ đơn giản là sự tiếp tục của phương án này. Theo các nhà kinh tế cũng như những người theo dõi thị trường, đây có thể là lần tăng lãi suất cuối cùng trong vài tháng tới.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington, D.C hôm 3/5 sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC). Ảnh: sfchronicle.com

“​​Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp duy nhất có thể để giảm lạm phát”, chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào đầu năm nay. Những bình luận mà ông đưa ra hôm 3/5 cũng báo hiệu rằng Fed có thể sẽ thận trọng hơn trong việc tăng lãi suất thời gian tới, mặc dù ông không hoàn toàn loại bỏ phương án này.

Lạm phát ở Mỹ đã giảm đáng kể từ mức 9% vào tháng 6/2022 xuống còn 5% vào tháng 3, nhưng đây vẫn là mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và cao hơn so với mức lý tưởng 2% do Fed đặt ra. Trong khi đó, lạm phát lõi (không bao gồm giá của những sản phẩm dễ biến động như thực phẩm và năng lượng) đã tăng 0,1% trong tháng 2 lên 5,6% trong tháng 3.

Theo New York Times, sự gia tăng này được thúc đẩy bởi chi phí dịch vụ như vận chuyển, chăm sóc trẻ em và khách sạn ngày càng tăng, nhưng cũng cho thấy lạm phát vẫn là một vấn đề tại Mỹ. Đây là lý do những người ủng hộ Fed cho rằng cơ quan này cần tăng lãi suất nhiều hơn nữa hạ nhiệt nền kinh tế Mỹ.

Sau khi tuyên bố tăng lãi suất hôm 3/5, ông Powell cho biết, ông hy vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn trong năm nay. Mặc dù lãi suất có thể đã ở mức đủ để hạn chế lạm phát, nhưng con đường đạt được mức lạm phát 2% vẫn sẽ không thuận buồm xuôi gió.

Nguy cơ suy thoái

Thất bại của nhiều ngân hàng, bao gồm ngân hàng Thung lũng Silicon, ngân hàng Signature và ngân hàng First Republic đã cho thấy, lãi suất cao hơn chứng tỏ việc tăng lãi suất của Fed có thể gây ra những tác động lan tỏa không mong muốn.

“Fed đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm và hậu quả có thể xảy ra. Bên cạnh việc các ngân hàng bị phá sản, suy thoái kinh tế ở quy mô rộng lớn hơn có thể là cái giá cuối cùng họ phải trả để kiểm soát lạm phát”, ông Greg McBride, trưởng nhóm phân tích tài chính của công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng Bankrate nhận định.

Sau các vụ phá sản ngân hàng thời gian gần đây, các tổ chức tài chính khác đã hạn chế cho vay, làm ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là một biện pháp hạ nhiệt nền kinh tế với tác động tương tự như một đợt tăng lãi suất khác.

Quyết định tăng lãi suất của Fed gây tranh cãi sau bởi việc tăng lãi suất là nguyên nhân gián tiếp đẩy các ngân hàng như First Republic hay ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đến bờ phá sản. Ảnh: NY Daily News

Bên cạnh đó, tác động của việc tăng lãi suất đối với nền nền kinh tế không phải là điều có thể nhìn thấy trong một sớm một chiều, nên một số nhà kinh tế cảnh báo rằng Fed không nên hành động nhiều hơn vào lúc này.

Ngoài ra, còn có những lo ngại rằng việc giảm chi tiêu do lãi suất tăng cũng có thể làm tăng tỉ lệ thất nghiệp. Hiện tại, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 3,5%, gần mức thấp nhất trong 5 thập kỷ. Tỉ lệ thất nghiệp của người da màu ở quốc gia này cũng ở mức 5%, mức thấp nhất từng có.

Theo một số nhà lập pháp, một đợt tăng lãi suất khác có thể tước đi việc làm của 2 triệu người Mỹ, đặc biệt là những người lao động thu nhập thấp.

Những người phản đối hành động của Fed lập luận rằng các cơ quan quản lý nên dành thêm thời gian để xem mức tăng lãi suất hiện tại và những tác động của việc thay đổi hành vi của ngân hàng đến nền kinh tế Mỹ trước khi đưa ra thêm một quyết định nào nữa liên quan đến lãi suất.

Tác giả: Nguyễn Tuyết (Theo VOX, Bankrate)

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến