Dòng sự kiện:
Những lý do khiến Hoa Kỳ khó có thể phá vỡ liên kết Nga - Trung
07/04/2025 11:03:34
Hoa Kỳ khó làm lung lay quan hệ Nga-Trung khi cả hai nước này gắn kết chặt chẽ vì lợi ích kinh tế, địa chính trị và sự mất lòng tin sâu sắc vào phương Tây.


Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ ký thỏa thuận hợp tác ở Moskva, ngày 4/7/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Những nỗ lực của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhằm phá vỡ mối quan hệ chiến lược giữa Nga và Trung Quốc dường như đang đối mặt với những thách thức không thể vượt qua, theo đánh giá của các chuyên gia ngoại giao hàng đầu.

Trong một phân tích sâu sắc đăng trên tạp chí Foreign Affairs, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga Michael McFaul và Evan S. Medeiros - cố vấn châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama - đã chỉ ra những lý do khiến chiến lược "chia để trị" này khó thành công.

Thứ nhất, Tổng thống Putin không dễ bị thuyết phục: Quan điểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin về Hoa Kỳ như một "đối thủ lớn nhất" đã hình thành trong nhiều thập kỷ và khó có thể thay đổi chỉ vì mối quan hệ cá nhân với ông Trump. Ngay cả khi ông Putin có thiện cảm với Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo Nga vẫn nhìn nhận bộ máy hoạch định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với sự nghi ngờ sâu sắc.

"Ông ấy (Tổng thống Putin) hiểu rằng tổng thống Hoa Kỳ có ảnh hưởng đáng kể, nhưng không hoàn toàn kiểm soát việc hình thành chính sách đối ngoại của Washington" các chuyên gia trên viết. Họ cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống Putin nhận thấy "ông Trump đã không mang lại lợi ích hữu hình cho Moskva, chẳng hạn như dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga hoặc chấm dứt viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình".

Thứ hai, yếu tố thời gian và sự ổn định: Một yếu tố quan trọng khác là tính bền vững trong quan hệ đối tác. Nga nhận thức rõ rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump chỉ kéo dài bốn năm, và quyền kiểm soát Quốc hội có thể chỉ tồn tại trong hai năm. Ngược lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có khả năng lãnh đạo đất nước trong thời gian dài hơn nhiều, đảm bảo sự ổn định trong quan hệ đối tác Nga-Trung.

Thứ ba, lợi ích kinh tế không thể thay thế: Về mặt kinh tế, Hoa Kỳ khó có thể cung cấp cho Nga những lợi ích tương đương với những gì Trung Quốc đang mang lại. Đặc biệt, Washington không thể thay thế các hợp đồng cung cấp năng lượng lớn mà Nga đang có với Trung Quốc, bởi Hoa Kỳ tự cung cấp được tài nguyên năng lượng.

Ngoài ra, các vấn đề bất đồng khác và khả năng Nga có thể tiếp tục các hành động quân sự ở Ukraine sẽ ngăn cản các công ty Hoa Kỳ và doanh nghiệp vũ khí quay trở lại thị trường Nga.

Thứ tư, phản ứng từ Trung Quốc: Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng nếu Bắc Kinh cảm thấy Washington đang tìm cách lôi kéo Moskva, Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp đối phó hiệu quả. Những biện pháp này bao gồm việc thúc đẩy dự án khí đốt Power of Siberia 2 vốn đang bị đình trệ, tăng cường mua sắm từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga, hoặc đẩy mạnh hợp tác ngoại giao tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc cũng như ở Trung Đông và Mỹ Latinh.

Thứ năm, tính thực tế về vị thế của Nga trong trật tự quốc tế: Moskva hiểu rằng phương Tây sẽ không bao giờ mời Nga tham gia các tổ chức như Liên minh châu Âu, NATO hoặc G7. Do đó, Nga chắc chắn sẽ không rời khỏi các tổ chức đa phương mà nước này đang có vai trò quan trọng như BRICS hoặc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Như vậy, mặc dù chính quyền Trump đã nhiều lần bày tỏ tham vọng phá vỡ mối quan hệ Nga-Trung, coi liên minh này là mối đe dọa đối với lợi ích của Hoa Kỳ, các nhà phân tích trên đồng thuận rằng nhiệm vụ này "cực kỳ khó khăn và khó có thể hoàn thành" trong bối cảnh hiện tại.

Tác giả: Vũ Thanh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến