Dòng sự kiện:
Những người con xa quê gói ghém yêu thương, trở về với Cha Nga sau lũ dữ
25/07/2025 16:54:08
Sau cơn lũ quét lịch sử tối 22/7, bản Cha Nga – một trong những bản xa và khó tiếp cận nhất ở xã biên giới Mỹ Lý (Nghệ An) bị cô lập hoàn toàn, mất liên lạc suốt nhiều ngày.

Trong lúc chính quyền đang nỗ lực tiếp cận hiện trường, thì ở khắp các thành phố xa quê, những người con của bản Cha Nga cũng rất nóng lòng, tự nhóm họp, kết nối, gom góp từng bao gạo,  túi muối..., quyết tâm trở về, mang theo tình thương và hy vọng đến cho bản làng đang chìm trong hoang tàn, đổ nát.

"Nhà em trôi hết rồi, không còn gì nữa…"

Chiều 23/7, Lô Thị Xoa, một người con của bản Cha Nga đang làm việc tại phường Vinh Phú, tỉnh Nghệ An gửi đi một tin nhắn ngắn mà như nấc nghẹn: “Nhà em hai căn trôi mất rồi anh ạ… Mất hết… không còn gì luôn.”

Cô gái ấy đang trực trong bệnh viện mà nước mắt cứ rơi khi ngóng về quê nhà. Nơi ấy, bản Cha Nga đã mất liên lạc sau đêm lũ. Mọi thứ chìm trong im lặng.

Những thành viên của nhóm đang gói hàng chuẩn bị chuyển về cho bản làng Cha Nga

Bản Cha Nga thuộc xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn cũ, nằm sát biên giới Việt – Lào, cách trung tâm xã gần 30km đường rừng núi hiểm trở. Ngay cả khi không mưa lũ, vào được bản đã là một hành trình vô cùng khó khăn. Đêm 22/7, mưa lớn dội xuống từ thượng nguồn dòng Nậm Nơn. Lũ về nhanh, cuốn theo 30 ngôi nhà sàn, nhấn chìm toàn bộ đường sá, chia cắt hoàn toàn bản làng với bên ngoài. Hệ thống điện, viễn thông, nước sạch đều tê liệt.

Người dân may mắn thoát nạn nhờ cảnh báo sớm, nhưng tài sản tích góp cả đời thì đã cuốn theo nước dữ...

Sau tin dữ, một nhóm Zalo mang tên “Những người con bản Cha Nga” nhanh chóng được lập nên. Những người con xa quê từ Nghệ An, miền Bắc và miền Nam lập tức chia nhau mỗi người một việc: người kêu gọi, người quyên góp, người kết nối xe hàng, người chuẩn bị kế hoạch trở về bản.

“Chúng em không xin nhiều đâu anh ạ. Chỉ xin chút tiền mua gạo, nước mắm, mỳ tôm. Để dân bản còn có cái mà cầm cự,” Xoa nói qua điện thoại, giọng nghẹn lại.

Lối trở về – là con đường ngày xưa đi học

Theo kế hoạch của nhóm “Những người con bản Cha Nga”, dù đã kết nối được một chuyến xe tải từ Hải Phòng, nhưng đường vào bản có lẽ sẽ vẫn còn bị chia cắt, khó lòng khắc phục trong vài ngày tới. Quốc lộ 16 – tuyến huyết mạch của xã bị sạt lở nhiều đoạn. Chính quyền xã cũng chưa thể tiếp cận được với bản. Nhóm người con bản Cha Nga dự tính phương án B: đi bộ theo con đường suối lối nhỏ ngày xưa từng đi học, xuyên rừng để tiếp cận bản.

“Mỗi người một con dao phát cây, mang theo ít lương khô, áo mưa, nước uống. Đường suối đó ngày bé tụi em vẫn đi học, giờ có lẽ vẫn là con đường khả thi nhất”, Xoa chia sẻ.

Họ tính nhờ lực lượng bộ đội biên phòng hỗ trợ thêm nếu có thể mở đường từ phía bên kia sông hoặc từ các điểm cao. Trong lòng mỗi người, không ai chắc sẽ tới nơi thuận lợi. Nhưng họ chắc một điều: "phải trở về".

Con đường nhỏ men theo bờ sông, lởm chởm đá và bùn đất, là lối duy nhất còn lại để tiếp cận bản Cha Nga 

Trong hành trang của họ không chỉ là nhu yếu phẩm, mà còn là sự gắn kết của tình thân, tình làng nghĩa xóm. Những bao gạo không lớn, nhưng là nỗi thương dành cho người mẹ còn lại trong bản. Những chai nước mắm, gói mì chính – nhỏ thôi, nhưng đủ để sưởi ấm bữa cơm nơi góc núi hoang tàn. Họ đi vì biết: quê hương đang cần mình hơn bao giờ hết.

Bản làng tan hoang và trái tim chưa từng rời bản

Ngày 24/7, khi trực thăng quân đội tiếp cận khu vực Mỹ Lý để thả hàng cứu trợ, nhiều người vẫn chưa biết tình hình cụ thể ở bản Cha Nga ra sao. Ông Lương Văn Bảy,Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý,  cho biết: "Chúng tôi đang nỗ lực tiếp cận các bản bị chia cắt và kiến nghị cấp trên sớm cử lực lượng hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó ưu tiên sửa chữa nhà ở, khôi phục giao thông, điện lực, viễn thông và các công trình thiết yếu để ổn định đời sống nhân dân". Trong khi đó, các tổ công tác địa phương vẫn hành quân đường rừng để nắm bắt thêm thiệt hại.

Cũng trong ngày 24/7, xã ghi nhận vết nứt dài hơn 100m trên núi bản Xằng Trên – tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao buộc phải sơ tán khẩn cấp hàng chục hộ dân về nhà văn hóa bản và đồn biên phòng. Thiên tai tại Mỹ Lý không chỉ là nước lũ, mà còn là nỗi lo rình rập từ chính những ngọn núi chênh vênh.

Trở về giữa đổ nát, người dân Cha Nga đứng lặng nhìn bản làng giờ chỉ còn là những khoảng trống hoang tàn

Người dân bản Cha Nga sau khi trở về từ nơi sơ tán chỉ còn thấy nền nhà trống trơn. Mái tôn, chăn màn, nồi niêu… vương vãi trên ngọn cây, trong khe đá. “Không còn gì nữa, trôi hết cả rồi. Bây giờ biết bám víu vào đâu nữa đây…”, ông Lô Văn Nghĩa, khóc nghẹn giữa khoảng đất trống, nơi từng là ngôi nhà mà cả đời ông gắn bó.

Nhưng cũng giữa những hoang tàn ấy, người ta thấy những dấu chân trở về từ Vinh, Hải Phòng, Hà Nội… Dẫu phải đi ngược lũ, ngược rừng, họ vẫn chọn trở về bởi bản làng chưa bao giờ mất trong lòng những đứa con Cha Nga.

Phan Huy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến