Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo dự thảo mới nhất của Bộ Y tế, khi công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch cũng như làm chậm đà phục hồi của nền kinh tế.
Những cái khó...
Cụ thể, nếu dịch xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế. Khi đó, việc kích hoạt đáp ứng với các biện pháp y tế, xã hội sẽ trở nên bị động.
Nhân viên y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 không được hưởng chế độ phụ cấp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A; người bệnh sẽ không được hưởng chi trả điều trị COVID-19 miễn phí, đặc biệt là người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Ngoài ra, Việt Nam không có cơ chế áp dụng đặc thù đối với vaccine phòng COVID-19 sử dụng trong tình trạng khẩn cấp. Việc huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, tổ chức, doanh nghiệp sẽ khó khăn, người dân không được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, người dân sẽ chủ quan, lơ là trước sự nguy hiểm của dịch bệnh, không thực hiện chủ động các biện pháp phòng chống dịch.
Trong khi đó, WHO vẫn cảnh báo tình trạng đại dịch trên toàn cầu và tại Việt Nam còn ghi nhận số mắc cao hàng ngày tại hầu hết địa phương. Do đó, Việt Nam cần phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo các khuyến cáo của WHO.
Theo Bộ Y tế, việc duy trì công bố dịch COVID-19 tại Việt Nam sẽ huy động được sự quan tâm của toàn thể hệ thống chính trị tham gia vào công tác chống dịch, bố trí kinh phí đầy đủ cho các hoạt động chống dịch không để bị động khi xuất hiện biến thể mới nguy hiểm của SARS-CoV-2 vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Theo dự thảo mới nhất về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới lấy ý kiến góp ý của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các bộ, ngành, tỉnh, thành và chuyên gia, Bộ Y tế cho biết tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, một số nước có xu hướng gia tăng trở lại, virus liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới, tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Theo Bộ Y tế, virus SARS-CoV-2 biến đổi liên tục, từ tháng 12/2019 đến nay ghi nhận 5 biến thể mới và trong vòng 6 tháng qua biến thể Omicron có 5 biến thể phụ nguy cơ xuất hiện biến thể mới với khả năng lây lan nhanh, gây bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao, khả năng né tránh miễn dịch vẫn chưa được đánh giá đầy đủ, chưa dự báo được.
Bộ Y tế đề xuất tạm thời chưa chuyển phân loại bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B hoặc chưa coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành. Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mang tính linh hoạt và tiến dần tới trạng thái "bình thường mới."
Theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản hướng dẫn liên quan thì có nhiều quy định rất khác biệt cần phải điều chỉnh giữa bệnh nhóm A và nhóm B như: giám sát bệnh truyền nhiễm tại cửa khẩu, tại cộng đồng; công bố dịch; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám, chữa bệnh; cách ly y tế; điều trị miễn phí; vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm; kiểm soát ra, vào vùng có dịch. Hơn nữa, biện pháp về vaccine phòng COVID-19 sử dụng trong tình trạng khẩn cấp chưa có cơ chế áp dụng khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Việc huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, người dân sẽ không được quan tâm đúng mức; người dân sẽ chủ quan, lơ là trước sự nguy hiểm của dịch bệnh, không thực hiện chủ động các biện pháp phòng chống dịch.
Về căn cứ pháp lý, theo Bộ Y tế, việc công bố dịch, công bố hết dịch tại Việt Nam quy định tại Mục 1, Chương IV, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 và Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm. Theo đó, việc công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm phải đáp ứng điều kiện: Triển khai các biện pháp chống dịch quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 40 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau 28 ngày.
Tại Việt Nam, ngày 01/4/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch COVID-19 trên quy mô toàn quốc thay thế Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 01/02/2020 về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (với địa điểm và quy mô tại Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa).
Bộ Y tế cũng cho biết ngày 11/3/2020, lần đầu tiên WHO dùng từ đại dịch khi đánh giá về tình hình dịch COVID-19. Ngày 11/4/2022, Ủy ban khẩn cấp Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) tổ chức họp về đại dịch COVID-19 đã nhận định đại dịch COVID-19 vẫn là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp đáng quan ngại và tiếp tục ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân trên thế giới, vẫn tiếp tục gây nguy cơ, gián đoạn thông thương quốc tế và cần có sự phối hợp, đáp ứng quốc tế./.
Tác giả: T.G
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy