Địa bàn rộng, giao thông khó khăn, phương tiện tác nghiệp thiếu thốn... các phóng viên, biên tập viên vẫn nỗ lực khắc phục, âm thầm đóng góp cho sự phát triển của quê hương bằng nhiệt huyết và sự tận tâm với nghề.
Gần 20 năm, đồng bào Tày - Nùng tại Bắc Kạn và nhiều tỉnh vùng Việt Bắc, thậm chí cả các tỉnh Tây Nguyên xa xôi đã quen thuộc với cô gái Tày xinh đẹp Hoàng Úy. Vừa là phóng viên, biên tập - biên dịch viên và đảm nhiệm luôn vai trò phát thanh viên, Hoàng Úy cùng ê-kíp làm việc sản xuất hàng chục ngàn chương trình tiếng Tày - Nùng của Đài PT&TH Bắc Kạn. Công việc vất vả, điều kiện và trang thiết bị tác nghiệp thiếu thốn, nhưng với trách nhiệm và sự “say nghề”, Hoàng Úy luôn ưu tiên thời gian đi thực tế ở các bản làng vùng cao để được “tận mắt thấy”, “tận tai nghe” và gặp gỡ, trao đổi cùng nhân vật. Hoàng Úy cho rằng, những chuyến đi thực tế, dù vất vả nhưng thật đáng giá khi có thể dùng chính ngôn ngữ mẹ đẻ để trò chuyện, lấy tư liệu cho bài viết.
Nhà báo Hoàng Úy- Phòng Tiếng Dân tộc, Đài PT&TH Bắc Kạn
“Ngoài biên tập, biên dịch, phát thanh viên các chương trình ở cơ quan, chúng tôi thường đến với đồng bào tại thôn bản vùng cao để tìm hiểu cuộc sống, phong tục tập quán, tâm tư nguyện vọng của bà con. Có đôi khi tôi đi phải mất mấy ngày, có chỗ còn chưa có sóng điện thoại hay điện lưới quốc gia. Khi về có lúc bà con còn biếu phóng viên củ khoai, củ sắn, mớ rau rừng… thực sự đó là những tình cảm rất trân quý”, Hoàng Úy chia sẻ.
Mặc dù chỉ có 11 cán bộ, phóng viên nhưng Phòng Tiếng dân tộc, Đài PT&TH Bắc Kạn đảm nhận khối lượng công việc không nhỏ với 3 chương trình tiếng dân tộc phát sóng hàng ngày gồm “Chương trình tiếng Tày-Nùng”, “Chương trình Tiếng Mông” và “Chương trình tiếng Dao” ở cả 2 loại hình truyền hình và phát thanh. Để các chương trình hấp dẫn, phong phú, ngoài những nội dung thông tin kinh tế, xã hội thì các gương điển hình tiên tiến, các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng được chú trọng khai thác với các bản ghi hình, thu thanh mới.
“Trong một chương trình chúng tôi cũng mở nhiều mục, như mục “Địa chỉ xóa đói giảm nghèo” để bà con biết thêm nhiều gương điển hình kinh tế. Để có chương trình hay, hấp dẫn bản thân tôi cũng không ngừng nâng cao trình độ, học tập từ bạn bè, đồng nghiệp, người có tuổi để có thêm vốn kiến thức, vốn ngôn ngữ để việc đọc, dịch và xây dựng chương trình được hay, hấp dẫn hơn”, nhà báo Vương Cầu, Biên tập viên chương trình tiếng Mông cho hay.
Phóng viên Ban Ánh Nguyệt- Phòng Dân tộc, Đài PT&TH Cao Bằng trong trang phục dân tộc đang tác nghiệp tại Lễ hội Lô Lô, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng
“Xa Yên Thổ, khổ Đức Hạnh” là câu nói về những vùng xa xôi, hẻo lánh nhất, khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng… vậy mà những nơi này đều quen thuộc với nữ phóng viên Ban Ánh Nguyệt. Làm việc tại phòng Dân tộc - Đài PT&TH Cao Bằng, kỷ niệm của chị với nghề báo là những lần trèo đèo, lội suối mấy ngày trời để đến được những xóm bản xa nhất, khó khăn nhất nơi biên giới Đông Bắc của Tổ quốc.
Vất vả hơn những đồng nghiệp nam khi hầu hết địa bàn tác nghiệp ở vùng cao, phương tiện đi lại chủ yếu bằng xe máy, thậm chí đi bộ… Ban Ánh Nguyệt vẫn thường xuyên có mặt trên những khúc đèo cua tay áo ở Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm), Cô Ba, Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc) hay những con đường toàn đá lởm chởm chỉ lọt một chiếc xe máy giữa một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút của vùng Lục Khu (Hà Quảng).
Là người Nùng gốc Cao Bằng, Ban Ánh Nguyệt tự nhận mình có lợi thế hơn nhiều đồng nghiệp khi có thể nghe và nói được nhiều thứ tiếng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hàng trăm bài viết về đời sống kinh tế xã hội, gương người tốt việc tốt và những nét đẹp văn hóa, trang phục… của đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô… đã được Ban Ánh Nguyệt giới thiệu đến khán, thính giả.
Phóng viên Phòng Dân tộc - Đài PT&TH Cao Bằng tác nghiệp tại bản vùng cao
“Viết về đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao dễ thì rất dễ, nhưng khó lại cũng rất khó. Đồng bào rất chất phác, mến khách, tuy nhiên cũng có lúc họ không cởi mở, không dễ chia sẻ. Do đó, để họ có thể chia sẻ với mình, phóng viên cần phải trò chuyện, thậm chí tìm hiểu trước về phong tục, tập quán từng nơi để họ thấy mình như những người con trở về chứ không phải người khách đến thăm. Khi ấy thì họ sẽ cởi mở, chia sẻ và giúp việc tác nghiệp thuận lợi hơn”, Ban Ánh Nguyệt nói.
Địa bàn rộng, chi phí đi lại có khi nhiều hơn cả nhuận bút bài viết... thế nhưng những người làm báo vùng cao luôn tâm niệm: Với vùng miền núi, vùng sâu điều kiện tiếp cận thông tin còn hạn chế nên các chương trình phát - truyền hình bằng tiếng của đồng bào các dân tộc không chỉ cập nhật tin tức mà còn là món ăn tinh thần, là nơi lưu giữ nét truyền thống về văn hóa, ngôn ngữ, là niềm tự hào của đồng bào. Mặt khác, các chương trình PT-TH tiếng dân tộc thiểu số cũng là cầu nối đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống; là “điểm hẹn” kết nối tiếng nói, tâm tư người dân với cấp ủy, chính quyền...
“Đài PT&TH Cao Bằng với các chương trình tiếng Tày Nùng, Mông, Dao là những thông tin, cẩm nang không thể thiếu để các cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng bản, người có uy tín làm tài liệu tuyên truyền vận động người dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Từ phổ biến cách làm ăn, ứng dụng tiến khoa học, chuyển giao công nghệ, xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế đến giữ gìn an ninh trật tự, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân, của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước”, ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng nhận xét.
Chứng kiến hành trình tác nghiệp báo chí nơi biên cương rừng xanh núi đỏ thì mới thực sự cảm nhận được những vất vả, khó khăn của những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các chương trình tiếng dân tộc của đài PT-TH các tỉnh miền núi phía Bắc. Dù vậy, họ vẫn đang ngày đêm khắc phục khó khăn, bằng trách nhiệm và lòng yêu nghề để đi và viết cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng sâu, vùng xa đang cần lắm thông tin./.
Tác giả: Công Luận
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy