Bất động sản, ngân hàng, vật liệu xây dựng
Con sóng cổ phiếu bất động sản trong quý IV/2021 đang giúp tài sản của nhiều nhà đầu tư tăng nhanh. Khi cổ phiếu của những doanh nghiệp có quỹ đất lớn đều tăng lên vùng cao mới như DIG, LDG, CEO, IDJ, SCR…, thì dòng tiền lại “lùng sục” các cổ phiếu nhỏ có thị giá thấp, đẩy giá lên cao.
Niềm tin đối với cổ phiếu bất động sản đến từ các kỳ vọng về sự phát triển mới của ngành, dựa trên nguồn cung bất động sản được cho là đang dần hồi phục nhờ nới lỏng pháp lý, trong khi nguồn cầu được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thị trường phục hồi trên diện rộng, lãi suất vay mua nhà duy trì ở mức thấp.
Đặc biệt, tốc độ giải ngân các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm nếu có chuyển biến tích cực sẽ tạo ra cú huých cho thị trường bất động sản.
Theo các chuyên gia, việc giải ngân các dự án đầu tư công chậm trễ là thiệt thòi cho nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản trong việc kết nối vùng từ đô thị đến các thành phố vệ tinh.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Hoạch định chiến lược đầu tư Quỹ Dragon Capital Việt Nam đánh giá, quyết tâm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công của Chính phủ đang được thể hiện rất cao, đây là điểm tích cực, sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Ngành hưởng lợi lớn nhất là bất động sản, nhưng không đồng nghĩa mọi cổ phiếu bất động sản sẽ có tác động tích cực.
Những doanh nghiệp gia tăng quỹ đất vùng ven, nắm bắt chu kỳ xe ô tô và đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ hưởng lợi.
Theo ông Tuấn, người dân đang bước vào chu kỳ xe ô tô (sau chu kỳ xe đạp và xe máy). Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025 là thu nhập bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD, nhưng hiện nhiều người có thu nhập 5.000 - 7.000 USD, hoàn toàn có thể mua ô tô và thị trường bất động sản vì thế có thể “lan toả” tới 200 - 300 km, thay vì tập trung ở trung tâm thành phố. Những doanh nghiệp gia tăng quỹ đất vùng ven, nắm bắt chu kỳ xe ô tô và đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ hưởng lợi.
Ngành thứ hai hưởng lợi từ đầu tư công là ngân hàng, bởi phần lớn tài sản thế chấp là bất động sản. Nhìn lại giai đoạn 2012 - 2014, bất động sản đóng băng, lãi suất tăng, ngành ngân hàng cũng lao đao. Nếu bất động sản tăng giá tốt, chất lượng tài sản của ngân hàng chắc chắn tốt, từ đó kéo theo tăng trưởng tín dụng. Theo đó, thúc đẩy đầu tư công sẽ giúp ngành ngân hàng hưởng lợi trong trung và dài hạn.
Ngành thứ ba được hỗ trợ bởi đầu tư công là vật liệu xây dựng, nhưng không quá trực tiếp như bất động sản, dù về mặt lý tính thì làm đường, làm cầu cần đến xi măng, sắt thép.
Ông Đinh Quang Hoàn, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định, bối cảnh kinh tế năm 2022, tăng trưởng GDP trên thế giới và Việt Nam sẽ tốt hơn năm 2021, nhờ kiểm soát dịch Covid-19, hoạt động giao thương, đi lại đang dần bình thường trở lại. Nhiều ngành nghề kinh doanh sẽ phục hồi, trong đó có logistics, tài chính - ngân hàng, bất động sản.
Thị trường bất động sản hầu như năm nào cũng ghi nhận giá tăng, nguồn cung hiện không nhiều nên các doanh nghiệp có quỹ đất tốt và sẵn sàng triển khai sẽ có triển vọng phát triển.
Theo đó, năm 2022, cổ phiếu ngành bất động sản sẽ có diễn biến khả quan, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng với các cổ phiếu đầu cơ của doanh nghiệp quy mô nhỏ, không có tiềm năng đáng kể, mà giá cổ phiếu tăng mạnh.
Ông Hoàn lưu ý, năm 2021, thị trường chứng khoán tăng trưởng khoảng 35% và hầu như dòng tiền tham gia đầu tư từ năm 2020 tới nay có thể xem là dòng tiền “dễ tính”, chảy vào cả những cổ phiếu mà trước đó hầu như không có ai tham gia, đẩy giá cổ phiếu từ 2.000 - 5.000 đồng/cổ phiếu lên 2x, 3x, 4x, nhờ hiệu ứng FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội khi đứng ngoài trào lưu của đám đông). Khi mức độ dễ tính của dòng tiền giảm đi, thì dù doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề có tiềm năng tăng trưởng cũng sẽ bị thị trường định giá lại theo hướng thận trọng hơn, khiến giá không ít cổ phiếu đối diện với nguy cơ điều chỉnh giảm trong năm 2022.
“Dù tiềm năng tăng trưởng kinh tế tốt hơn nhưng tôi không cho rằng VN-Index có thể tăng được tốt như năm 2021”, ông Hoàn nhấn mạnh.
Dầu khí
Bà Nguyễn Hoàng Bích Ngọc, chuyên viên phân tích cấp cao Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhìn nhận, các nhóm ngành được đánh giá tiềm năng trong năm 2022 dựa trên 3 luận điểm đầu tư chính gồm lực đẩy từ giá hàng hoá, nhu cầu hậu Covid-19 và đầu tư công.
Theo đó, bà Ngọc dự báo, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sẽ vượt tổng cung, nhất là khi nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới gần đây hồi phục mạnh, vượt 100 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2021. Trong khi đó, nguồn cung dầu mỏ được dự báo sẽ tăng chậm trong thời gian tới khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận tại COP26 về hạn chế sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch và OPEC cùng các nước đồng minh chưa thể hiện ý muốn gia tăng sản lượng nhiều hơn.
Giá dầu đã thiết lập đỉnh cao mới trong 5 năm và đang hướng lên vùng giá trên 100 USD/thùng như giai đoạn 2013 - 2014. Xét theo chuỗi giá trị ngành, đối với khâu thượng nguồn, điểm hòa vốn trung bình của các dự án khai thác dầu khí ngoài khơi của khu vực Đông Á hiện nay vào khoảng 55 USD/thùng.
Với mức giá hiện nay, Mirae Asset kỳ vọng, các dự án thăm dò, khai thác sẽ được tái khởi động, tạo nên sự sôi động cho khâu thượng nguồn trong năm 2022. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, xây lắp giàn khoan, kho nổi dự kiến có được các hợp đồng mới với giá trị cao hơn.
Ở khâu trung nguồn, vận tải dầu và khí đang bước vào giai đoạn tăng trưởng, đến từ cả 3 phân khúc: vận tải, nhập khẩu LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) và nhu cầu nhập khẩu LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng). Song song đó, nhu cầu tiêu thụ điện, xăng dầu và gas cũng được dự báo sẽ gia tăng trở lại khi kinh tế hồi phục, tác động tích cực đến khu vực hạ nguồn ngành dầu khí.
Khu công nghiệp, bán lẻ, tiêu dùng
Ngoài các ngành trên, theo chuyên gia Mirae Asset, do độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn, nhu cầu xây dựng hạ tầng khu công nghiệp trở nên thiết yếu. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2021 đã có 41 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp mới/mở rộng/điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng diện tích khoảng 7.670 ha.
Nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu có mức P/E thấp hơn mức trung bình ngành hiện là 26,6 lần và có quỹ đất sẵn sàng khai thác từ 3 năm trở lên như SZC, NTC, SIP.
Khi kinh tế phục hồi, bán lẻ và tiêu dùng cũng đáng quan tâm đầu tư sau 2 năm tăng trưởng thấp. Động lực chính cho tăng trưởng hậu đại dịch đến từ dịp cao điểm mua sắm Tết, thu nhập người dân gia tăng kéo theo nhu cầu tiêu thụ.
Tác giả: Phan Hằng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy