Dòng sự kiện:
Những nữ lãnh đạo quyền lực nhất thế giới
12/11/2015 13:31:19
ANTT.VN – Đảng NLD của bà San Suu Kyi vừa giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua tại Myanmar có thể sẽ điền thêm một nhân vật nữ quyền nữa vào bản đồ chính trị thế giới.

Tin liên quan

Trên thế giới hiện có 18 người phụ nữ nắm giữ các chức vụ quan trọng của đất nước như thủ tướng hay tổng tống. Mặc dù vẫn chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ so với nam giới, tỉ lệ nữ giới nắm quyền đang tăng nhanh trong thời gian qua. Chúng ta hãy cùng điểm lại một số nữ lãnh đạo nổi bật ở thời điểm hiện tại.

1. Thủ tướng Đức Angela Merkel

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters

Nhiệm kì: 2005 - nay

Lên nắm quyền cuối năm 2005, người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2015 (theo Forbes) ngày càng chứng tỏ mình là yếu tố không thể thiếu của châu Âu cũng như cả thế giới.

Khi mà các vị lãnh đạo khác của châu Âu dần co mình lại với những vấn đề nội tại trong nước, thì gần như một mình bà Merkel chèo gánh cả con thuyền Eurozone vượt qua khủng hoảng tài chính 2008 hay khủng hoảng nợ công ở châu Âu suốt thời gian qua, tránh một sự đổ vỡ trông thấy cho tổ chức gần 60 năm tuổi này.

Tầm quan trọng của bà lớn tới nỗi trong khủng hoảng Ukraine, bà là người lãnh đạo duy nhất của châu Âu mà giới quan sát cho rằng có thể đứng ngang hàng trong đàm phán với tổng thống Nga Putin.

2. Tổng thống Argentina Cristina Fernández de Kirchner

Tổng thống Argentina Cristina Fernández de Kirchner. Ảnh: Reuters

Nhiệm kì: 2007 - nay

Được người dân Argentina yên mến gọi bằng cái tên Cristina, bà là nữ tổng thống đầu tiên được bầu tại quốc gia Latin này. Hai chiến thắng áp đảo với tỉ lệ ủng hộ lần lượt 45,3% và 54,1% vào các cuộc bầu cử 2007 và 2011 đã cho thấy sự ủng hộ của dân chúng đối với bà lớn như thế nào.

Tiếp nối những chính sách của tổng thống tiền nhiệm, cũng là người chồng quá cố của mình – ông Néstor Kirchner, bà đã dẫn dắt Argentina vượt qua dư chấn của cuộc khủng hoảng nợ đầu những năm 2000, đàm phán giãn và giảm nợ thành công với các chủ nợ trong câu lạc bộ Paris. Bà cũng là người ủng hộ nhân quyền, biến Argentina trở thành nước Nam Mỹ đầu tiên công nhận hôn nhân đồng giới.

3. Tổng tống Chile Michelle Bachelet

Tổng tống Chile Michelle Bachelet. Ảnh: Reuters

Nhiệm kì: 2006-2010; 2014 - nay

Nhiệm kì 2014 – nay đã là nhiệm kì thứ hai của vị tổng thống đương nhiệm của Chile, sau thời gian cầm quyền 2006-2010. Tỉ lệ ủng hộ bà lên tới mức kỉ lục 84% thời điểm bà rời nhiệm sở năm 2010 cho thấy sự tín nhiệm của dân chúng đối với bà lớn thế nào. Việc bà không phục vụ hai nhiệm kì liên tiếp chỉ có thể bởi Hiến pháp nước này không cho phép làm vậy.

Những dấu ấn lớn nhất trong thời gian cầm quyền của bà phải kể đến chiến lược mở rộng giao thương với một loạt quốc gia trên thế giới, trong đó cùng Việt Nam kí kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đầu tháng 10 vừa qua. Ngoài ra, bà còn được ủng hộ rộng rãi với chính sách chia bớt lợi nhuận của ngành công nghiệp sản xuất đồng cho dân nghèo, giúp giảm bớt khoảng cách giàu nghèo tại một trong những quốc gia có tỉ lệ nghèo đói cao nhất thế giới này.

4. Tổng thống Hàn Quốc bà Park Geun-hye

Tổng thống Hàn Quốc bà Park Geun-hye. Ảnh: Reuters

Nhiệm kì: 2013 - nay

Người phụ nữ quyền lực nhất Đông Á trong ba năm liên tiếp 2013-2015 (theo Forbes) nổi tiếng là một người kín tiếng với giới truyền thông. Bà là con gái của cố cựu tổng thống  Park Chung Hee, người đã từng nắm quyền tại Hàn Quốc trong giai đoạn 1963-1979. Bà Park được biết đến với những chính sách cứng rắn của mình trong vấn đề quan hệ liên Triều cũng như đối với các chính sách kinh tế.

Dưới sự lãnh đạo của bà, Hàn Quốc đang cố gắng cân bằng trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn. Ngoài ra, vị tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc được cho là đang quyết liệt cải tổ bộ máy Nhà nước của Hàn Quốc, nhất là khu vực cảnh sát sau thảm họa Phà Sewol tháng 4 năm ngoái.

5. Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina. Ảnh: Reuters

Nhiệm kì: 1996 - 2001; 2009 - nay

Bà là con gái của tổng thống Bangladesh đầu tiên ông Sheikh Mujibur Rahman sau khi nước này tách khỏi Pakistan năm 1971. Nổi tiếng với hàng chục năm hoạt động chính trị, kiên định với lập trường đấu tranh vì dân chủ, bà Hasina là một trong những biểu tượng của hòa bình và tự do trên thế giới.

Sau nhiệm kì đầu tiên 1996-2001, bà tiếp tục nắm giữ cương vị Thủ tướng Bangladesh kể từ năm 2009 cho đến nay, biến quốc gia Nam Á này từ một vùng đất bất ổn, bạo lực, nghèo đói dần trở thành một đất nước dân chủ, tự do hơn, đặt quyền con người lên hàng đầu, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Bà đứng thứ 59 trong bảng xếp hạng những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới trong năm 2015.

6. Chủ tịch đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) Aung San Kyi

Chủ tịch đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) Aung San Kyi. Ảnh: Reuters

Sinh ngày 19/6/1945 tại Yangon, bà là con gái của anh hùng Myanmar, tướng Aung San, người đã thành lập quân đội Myanmar hiện đại và đã đàm phán để Myanmar được độc lập khỏi Anh năm 1947. Sự nghiệp chính trị của bà gắn liền với cuộc đấu tranh đòi dân chủ không biết mệt mỏi ở quốc gia Đông Nam Á này suốt hàng chục năm qua, bắt đầu bằng việc dẫn đầu phong trào biểu tình chống lại lãnh đạo Myanmar sau đó là tướng Ne Win năm 1988. Những sự cố gắng của bà đã được quốc tế công nhận với giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1991.

Trong đợt tổng tuyển cử tại Myanmar vừa qua, đảng NLD của bà đã giành chiến thắng vang dội với kết quả áp đảo so với chính quyền do quân đội điều hành hiện tại. Mặc dù Hiến pháp nước này không cho phép một ứng viên có quan hệ hôn nhân với người nước ngoài lên làm tổng thống (chồng bà là học giả người Anh Michael Aris), tuy nhiên dư luận trong nước cũng như quốc tế vẫn hi vọng rằng đây sẽ là một bước tiến vượt bậc trong công cuộc đấu tranh dân chủ tại Myanmar.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến