Áp phích quảng bá cuộc họp giữa IMF và WB trước trụ sở Quốc hội Maroc ở Marrakech. Ảnh: Reuters
Giúp những nước này thoát khỏi khủng hoảng nợ sẽ là một nội dung quan trọng tại cuộc họp thường niên của hai tổ chức tài chính hàng đầu là Tổ chức Tiền tệ Thế giới (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại thành phố du lịch Marrakech của Maroc vào tuần tới.
Dưới đây là danh sách các quốc gia đang phải đối mặt với vấn đề nợ nần:
Ai Cập
Nền kinh tế lớn nhất Bắc Phi này cần phải trả khoảng 100 tỷ USD trong 5 năm tới. Cairo hiện phải chi hơn 40% nguồn doanh thu để trả lãi. Các nhu cầu tài chính tài khóa 2023/2024 của nước này là 24 tỷ USD.
Ai Cập có chương trình hỗ trợ trị giá 3 tỷ USD của IMF và đã phá giá đồng nội tệ khoảng 50% kể từ tháng 2/2022. Nhưng kế hoạch tư nhân hóa trị giá 2 tỷ USD lại diễn ra chậm chạp khiến chính phủ tạm hoãn kế hoạch hủy bỏ trợ cấp điện.
Các nhà phân tích cho rằng cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới sẽ làm giảm cơ hội cải cách ở Ai Cập. Và sự hỗ trợ từ các quốc gia vùng Vịnh giàu có chính là chiếc chìa khóa giúp Cairo đảm bảo đáp ứng nhu cầu tài chính.
Ethiopia
Đại dịch COVID-19 đã cản trở nền kinh tế Ethiopia phát triển. Cuộc nội chiến kéo dài hai năm kể từ tháng 11/2020 cũng làm tăng thêm gánh nặng khi nước này mất quyền tiếp cận miễn thuế vào Mỹ trong bối cảnh bị cáo buộc lạm dụng nhân quyền.
Ethiopia đã yêu cầu tái cơ cấu vào đầu năm 2021 theo Khuôn khổ chung G20, được thiết lập vào thời kỳ đại dịch để hợp lý hóa việc trả nợ.
Hồi tháng 8, Trung Quốc cho phép Ethiopia tạm ngừng trả nợ một phần. Tháng trước, cơ quan xếp hạng Moody's đã thay đổi triển vọng của Ethiopia từ tiêu cực sang ổn định, căn cứ trên kỳ vọng về tiến bộ nhanh chóng thông qua Khuôn khổ chung G20.
Ghana
Ghana tuyên bố vỡ nợ đối với hầu hết các khoản nợ nước ngoài vào cuối năm 2022 trong bối cảnh xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong một thế hệ. Ghana trở thành quốc gia thứ tư tìm cách tái cơ cấu theo Khuôn khổ chung G20.
Tiến trình tái cơ cấu nợ trong nước cùng 30 tỷ USD nợ nước ngoài của quốc gia Tây Phi này diễn ra khá nhanh chóng. Nước này đã nhận được gói cứu trợ trị giá 3 tỷ USD của IMF vào tháng 5.
Bộ trưởng tài chính Ghana cho biết ông hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với các trái chủ quốc tế vào cuối năm nay. Tuy nhiên, những người biểu tình gần đây vẫn xuống đường ở thủ đô Accra để phản đối chi phí sinh hoạt tăng cao, tình trạng thất nghiệp và khó khăn kinh tế.
Kenya
Theo WB, nợ công của quốc gia Đông Phi này ở mức 67,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm 2022, khiến quốc gia này có nguy cơ cao về khủng hoảng nợ.
Chính phủ của Tổng thống William Ruto đã tiết chế chi tiêu và đề xuất nhiều đợt tăng thuế, xoa dịu một số lo ngại về khả năng vỡ nợ sắp xảy ra. Tuy nhiên, giá dầu tăng cao đã thúc đẩy lạm phát và tiền tệ của nước này mất giá hơn 16% so với đồng USD trong năm nay, gây nghi ngờ về khả năng tiếp tục cải cách của ông Ruto.
Kenya, quốc gia phải hoàn trả khoản trái phiếu châu Âu trị giá 2 tỷ USD vào năm tới, đang đàm phán với cả Ngân hàng Phát triển châu Phi và Ngân hàng Thế giới để được hỗ trợ ngân sách.
Liban
Liban đã vỡ nợ kể từ năm 2020. Có rất ít dấu hiệu cho thấy nước này sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng kinh tế.
IMF tháng trước đã hoan nghênh những thay đổi của Ngân hàng Trung ương Liban, trong đó có quyết định loại bỏ dần nền tảng giao dịch hối đoái gây tranh cãi và hạn chế tài trợ tiền tệ của chính phủ. Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng cần phải có những cải cách sâu sắc hơn vì tình hình ở Liban là khó khăn và không ổn định.
IMF cảnh báo nếu tình trạng này tiếp diễn, nợ công của Liban có thể lên tới 547% GDP vào năm 2027.
Pakistan
Pakistan cần tới 22 tỷ USD để trả nợ nước ngoài và thanh toán các hóa đơn cho năm tài chính 2024. Chính quyền tạm quyền sẽ chịu trách nhiệm về các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 1 năm sau.
Lạm phát và lãi suất đang ở mức cao lịch sử. Quốc gia này cũng đang phải vật lộn để tái thiết sau trận lũ lụt tàn khốc năm 2022.
Hồi tháng 6, họ đã đạt được thỏa thuận sau cuộc đàm phán kéo dài 11 giờ về khoản vay bắc cầu trị giá 3 tỷ USD của IMF. Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cùng cho Pakistan vay 3 tỷ USD.
Các nhà quan sát cho biết các nguồn dự trữ của Pakistan đến cuối tháng 9 đã đủ để tổ chức bầu cử. Nhưng vẫn còn đó câu hỏi liệu quốc gia này có thể tránh được tình trạng vỡ nợ trong bao lâu nếu không có nguồn hỗ trợ lớn từ bên ngoài.
Sri Lanka
Sri Lanka vỡ nợ quốc tế vào tháng 5/2022 sau khi đại dịch làm cạn kiệt nguồn tiền mặt của nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch này. Họ không thể chi trả cho thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men nhập khẩu.
Quốc đảo nằm ở khu vực Nam Á này đã công bố kế hoạch xử lý nợ vào cuối tháng 6 và tiếp tục đạt được tiến bộ.
Tuy nhiên, các bên vẫn tiếp tục tranh cãi về mức độ thiệt hại mà các ngân hàng trong nước và nhà đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải gánh chịu. Đợt tiếp theo của gói cứu trợ IMF trị giá 2,9 tỷ USD có thể bị trì hoãn do nguồn thu của chính phủ có thể bị thiếu hụt.
Tunisia
Hàng loạt cú sốc kể từ cuộc cách mạng năm 2011 đã đẩy quốc gia Bắc Phi này vào một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện.
Hầu hết các khoản nợ là nợ nội bộ, nhưng một khoản trái phiếu châu Âu trị giá 500 triệu USD sẽ đáo hạn trong tháng này. Các cơ quan xếp hạng tín dụng đánh giá Tunisia có thể vỡ nợ.
Tổng thống Kais Saied đã chỉ trích các điều khoản cần thiết để giải quyết khoản vay trị giá 1,9 tỷ USD của IMF là "mệnh lệnh tuyệt đối" và từ chối 127 triệu USD từ Liên minh châu Âu (EU) vì quá ít ỏi.
Mùa du lịch đã giúp thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai của Tunisia, trong khi Saudi Arabia cam kết hỗ trợ 500 triệu USD. Nhưng người dân vẫn tiếp tục vật lộn với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men.
Ukraine
Ukraine đã đóng băng các khoản thanh toán nợ sau khi nổ ra xung đột với Nga năm 2022. Kiev cho biết có thể đưa ra quyết định vào đầu năm tới về việc có nên cố gắng gia hạn thỏa thuận đó hay bắt đầu xem xét các giải pháp thay thế.
Các tổ chức hàng đầu ước tính chi phí tái thiết sau chiến tranh ít nhất là 1.000 tỷ USD. IMF cho rằng Ukraine cần 3 - 4 tỷ USD mỗi tháng để duy trì hoạt động của đất nước.
Gần đây, nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, lạm phát chậm lại và tâm lý kinh doanh được cải thiện. Nhưng những thay đổi chính trị ở những nơi khác – đặc biệt ở Mỹ – đã đặt ra nghi ngờ về tính bền vững của nguồn hỗ trợ quốc tế đối với Kiev.
Zambia
Là quốc gia châu Phi đầu tiên vỡ nợ trong đại dịch COVID-19, những năm trì hoãn tái cơ cấu của Zambia đã khiến quốc gia này trở thành ví dụ điển hình cho những vấn đề của Khuôn khổ chung G20.
Một kế hoạch khắc phục cuối cùng đã xuất hiện sau khi Zambia đạt được thỏa thuận gia hạn nợ trị giá 6,3 tỷ USD với các quốc gia chủ nợ thuộc Câu lạc bộ Paris và Trung Quốc hồi tháng 6. Zambia dự kiến hoàn tất các chứng từ nợ vào cuối năm nay.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy