Dòng sự kiện:
Những thách thức nào đang 'chờ' ngành ngân hàng trong năm 2019
18/05/2019 15:09:16
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc tiềm ẩn rủi ro; sự ổn định và phát triển thương mại, tài chính toàn cầu; chứng khoán thế giới biến động liên tục,... sẽ là những khó khăn lớn cho ngành NH trong năm nay.

Năm 2018, GDP năm 2018 ở mức 7,08% - mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây. (Ảnh: Minh Duy)

Thành quả trong môi trường bên ngoài đầy biến động

Năm 2018, kinh tế toàn cầu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhưng tốc độ có biểu hiện chậm lại từ nửa cuối năm. Thị trường hàng hóa, tiền tệ tài chính biến động khó lường với giá hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới biến động mạnh, áp lực lạm phát tăng tại nhiều thời điểm, đồng đô la Mỹ tăng giá, ngân hàng trung ương (NHTƯ) các nước lớn tiếp tục giảm dần việc nới lỏng chính sách tiền tệ (CSTT).

Điều này kéo theo xu hướng tăng lãi suất, thậm chí can thiệp ngoại tệ để ổn định tỷ giá tại nhiều nước mới nổi và đang phát triển. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiềm ẩn rủi ro tới sự ổn định và phát triển thương mại, tài chính toàn cầu; chứng khoán thế giới biến động liên tục, tần suất lớn.

Tuy nhiên, kinh tế trong nước đã cho thấy sức chống chịu tốt trong môi trường bên ngoài đầy biến động, đạt được những kết quả tích cực với 12/12 chỉ tiêu đạt kế hoạch của Quốc hội, trong đó 9/12 chỉ tiêu vượt kế hoạch, điển hình như tăng trưởng GDP ở mức 7,08% - mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây, lạm phát ở mức 3,54% - ổn định liên tiếp trong nhiều năm, cán cân thương mại thặng dư kỷ lục 6,8 tỉ đô la Mỹ, mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia và của nhiều ngân hàng được nâng lên (1), dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục tăng.

Đây là kết quả từ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao và kiên định của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành, theo đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bám sát các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến thị trường để điều hành chủ động, linh hoạt CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa (CSTK) và các chính sách vĩ mô khác nhằm giữ ổn định lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. Kết quả cụ thể như sau:

Thứ nhất, điều tiết tiền tệ chủ động, linh hoạt để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đồng thời cân đối hài hòa đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD); kiểm soát tăng trưởng tín dụng và thanh khoản của hệ thống TCTD hợp lý, bảo đảm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả của nền kinh tế.

Việc kiểm soát tốt tiền tệ đã duy trì lạm phát cơ bản bình quân cả năm ở mức 1,48%, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Nhờ đó, kiểm soát thành công lạm phát bình quân ở mức 3,54%, thấp hơn mục tiêu 4% được Quốc hội đề ra, góp phần tích cực củng cố và tăng cường niềm tin của thị trường vào khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ và NHNN.

Thứ hai, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất của các nước trên thế giới có xu hướng gia tăng, việc giữ được mặt bằng lãi suất của hệ thống các TCTD về cơ bản ổn định trong năm qua là một nỗ lực rất lớn của toàn ngành ngân hàng. Trong năm, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và diễn biến lạm phát.

Theo đó, NHNN điều tiết và đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các TCTD, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức phù hợp; điều chỉnh giảm lãi suất chào mua thị trường mở từ 5%/năm xuống 4,75%/năm để góp phần giảm chi phí vốn cho TCTD; đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay và đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.

Kết quả, mặt bằng lãi suất của các TCTD được duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất của các nền kinh tế mới nổi có quy mô và đặc điểm tương tự như Việt Nam có xu hướng tăng khá nhanh trong năm 2018; qua đó tạo điều kiện đảm bảo nguồn vốn tín dụng với chi phí hợp lý phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, tín dụng được điều hành linh hoạt, hợp lý, kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Song hành với các giải pháp nêu trên, NHNN tiếp tục kiên định thực thi chính sách giảm dần tín dụng ngoại tệ phù hợp với chủ trương và lộ trình hạn chế đô la hóa của Chính phủ.

Năm 2018, tăng trưởng tín dụng ở mức 13,89%, thấp hơn tốc độ tăng những năm gần đây (2), trong bối cảnh đó tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức ấn tượng 7,08%. Điều này cho thấy tín dụng đã được phân bổ hiệu quả với cơ cấu hợp lý, vừa kiểm soát chặt chẽ, nhưng vẫn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thứ tư, điều hành chủ động, linh hoạt tỷ giá bám sát diễn biến thị trường, kết hợp sử dụng đồng bộ các công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ.

Năm 2018 chứng kiến sự xoay chiều trên thị trường tài chính toàn cầu trong hai nửa của năm, tạo áp lực lớn với điều hành tỷ giá của NHNN để ổn định thị trường ngoại tệ, giải tỏa các áp lực tâm lý tiêu cực, củng cố lòng tin thị trường.

NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tỷ giá trung tâm, kết hợp với can thiệp mua bán ngoại tệ hợp lý với cả phương thức giao ngay, kỳ hạn, phối hợp đồng bộ với điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền đồng hợp lý và chủ động truyền thông. Nhờ đó, trong một số thời điểm thị trường chịu áp lực từ các biến động của thị trường thế giới nhưng đã nhanh chóng bình ổn trở lại.

Tính chung cả năm, thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định; thanh khoản thị trường được đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối.

So với nhiều đồng tiền mới nổi trên thế giới và trong khu vực mất giá mạnh, thì mức tăng tỷ giá trung tâm năm 2018 thể hiện sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá, hấp thụ tốt các cú sốc từ bên ngoài nhưng vẫn đảm bảo được niềm tin của thị trường đối với tiền đồng, góp phần hạn chế tình trạng đô la hóa, vàng hóa.

Thứ năm, CSTT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với CSTK và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm.

Theo đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp và kỳ hạn dài hơn, tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước; hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nợ công; hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển đồng bộ thị trường tiền tệ, thị trường vốn; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành về điều hành CSTT, dự báo kinh tế vĩ mô, lạm phát làm cơ sở để tính toán mức độ điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Đồng thời, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với các bộ, ngành, chính quyền địa phương triển khai chương trình tín dụng chính sách, ngành lĩnh vực, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp…

Sẽ làm gì trong năm 2019?

2019 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc đảm bảo hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 của đất nước, trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với một số rủi ro và thách thức, bao gồm:
Kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại, đạt khoảng 3,3%, thấp hơn mức 3,6% năm 2018 do môi trường toàn cầu có nhiều yếu tố bất định, rủi ro gia tăng, tạo thách thức đối với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.

Tại thị trường trong nước, tăng trưởng kinh tế gặp rủi ro khi xuất khẩu tăng thấp trong điều kiện thương mại thế giới tăng chậm lại đáng kể dưới ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, ngành chăn nuôi bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, ngành khai khoáng vẫn giảm đáng kể trong khi tác dụng của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chưa đạt được như kỳ vọng và hiệp định thương mại tự do với EU vẫn chưa được chính thức ký kết. Điều này tiềm ẩn rủi ro bất ổn đối với điều hành CSTT của Việt Nam nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất, tỷ giá.

Tuy nhiên, trên cơ sở các thành quả đạt được trong năm 2018, NHNN đặt ra mục tiêu “điều hành CSTT trong năm 2019 chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với CSTK và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu (bình quân dưới 4%); duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế”. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong và ngoài nước, điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, đồng bộ các công cụ CSTT nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo định hướng đề ra.

Tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô và mục tiêu CSTT; kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT, biện pháp can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ. Điều hành nghiệp vụ thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản của các TCTD, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ CSTT khác, phù hợp với diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT. Tái cấp vốn cho TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu.

Kiểm soát tăng trưởng tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của nền kinh tế, tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng. Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.

Chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng hiệu quả. Tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước. Triển khai tích cực các biện pháp hạn chế tình trạng đô la hóa trên lãnh thổ, tăng niềm tin vào tiền đồng, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô.

Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến