Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy. (Ảnh: NVCC)
Giáo dục đại học Việt Nam đã có những bước tiến dài trong những năm gần đây khi liên tục cải thiện thứ hạng trên bản đồ giáo dục đại học thế giới. Nhân dịp đầu năm mới, phóng viên Báo VietnamPlus đã có trao đổi với bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học về những cơ hội và thách thức của ngành trong năm tới.
Đẩy mạnh tự chủ, nâng cao chất lượng
- Thưa Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy, năm mới Quý Mão đã đến, bà có thể cho biết giáo dục đại học đang có những khó khăn, thách thức nào cần phải vượt qua cũng như những cơ hội nào đang đón đợi?
Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy: Dù đã có nhiều nỗ lực và đạt những kết quả ấn tượng trong năm 2022 nhưng năm 2023, giáo dục đại học vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Thứ nhất, tự chủ đại học ở mức cao vẫn là vấn đề nhiều cơ sở giáo dục đại học còn lúng túng khi triển khai. Các trường cần phải quan tâm tới việc nâng cao nhận thức, năng lực, tích cực tổ chức triển khai thực hiện quyền tự chủ, gắn liền với trách nhiệm giải trình tới các bên liên quan ngày càng cao.
Thứ hai là việc triển khai Khung trình độ quốc gia vẫn còn nhiều vấn đề phải thực hiện ở các bộ, ngành, ở các hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của các ngành, nhóm ngành.
Giờ học của sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân. (Ảnh: PM/Vietnam+)
Thứ ba là vấn đề chuyển đổi số. Cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học là một trong những nội dung quan trọng, cần sớm hoàn thiện và đưa vào vận hành giúp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về giáo dục đại học, phục vụ hiệu quả cho công tác hoạch định chính sách… Nhu cầu chuyển đổi số về giáo dục đại học cũng đặt ra cần phải xây dựng các mô hình thí điểm về giáo dục đại học số, những chương trình đào tạo số…
Bên cạnh đó, việc kiểm soát các điều kiện đảm bảo chất lượng, duy trì ngành đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học theo các quy định hiện hành là rất quan trọng nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. Trong khi đó, việc thu hút các nguồn lực cho giáo dục đại học còn hạn chế, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ đột phá.
Tuy nhiên, giáo dục đại học cũng đang có rất nhiều cơ hội. Đó là nhu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ cao ngày càng cao. Đây là động lực để gia tăng cả về số lượng và chất lượng trong tiếp cận giáo dục đại học.
Hợp tác quốc tế và quốc tế hóa trong giáo dục đại học, chuyển đổi số và giáo dục đại học số là những xu hướng quan trọng để tiếp tục tạo cơ hội phát triển giáo dục đại học mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu.
(Ảnh minh họa: CTV)
Tự chủ đại học cũng đang ngày càng trở thành một thuộc tính căn bản của hệ thống và phát huy hiệu lực, hiệu quả gia tăng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học và tự chủ đại học ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát triển bền vững.
- Như vậy, cơ hội là đã có nhưng để tận dụng được thì theo bà, các trường đại học cần phải làm gì trong thời gian tới?
Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy: Tôi cho rằng các trường cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật, đào tạo và nâng cao nhận thức về tự chủ, nâng cao năng lực quản trị đại học cho đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ sở đào tạo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ thực hiện quản trị nhà trường hiệu quả.
Các đại học cũng cần hoàn thiện cơ cấu, quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế làm việc của hội đồng trường và các quy định nội bộ khác của nhà trường; trong đó quy định rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm, chức năng của từng bộ phận, mỗi thành viên trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu phát triển của cơ sở đào tạo, đảm bảo ổn định và phát triển cơ sở đào tạo; coi đây là công cụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản trị đại học.
Thí sinh dự tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. (Ảnh: TTXVN)
Một điểm quan trọng khác là hoàn thiện đề án tuyển sinh, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, đúng quy chế và sớm công bố cho thí sinh.
Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý và đào tạo cũng cần được chú trọng cùng với rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng của ngành và chương trình đào tạo; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và sở hữu trí tuệ; thu hút các nguồn lực đầu tư và mở rộng quan hệ quốc tế. Các trường cũng cần chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới trong giáo dục và đổi mới phương thức để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
Quy hoạch mạng lưới
- Thưa vụ trưởng, một trong những nhiệm vụ của giáo dục đại học trong năm 2023 là thực hiện rà soát, quy hoạch mạng lưới các trường đại học nói chung và hệ thống đại học, cao đẳng sư phạm nói riêng. Bà có thể cho biết thực trạng mạng lưới hiện nay cũng như định hướng quy hoạch và mục tiêu hướng tới của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau quy hoạch?
Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy: Việc thực hiện rà soát, quy hoạch mạng lưới các trường đại học nói chung và hệ thống đại học, cao đẳng sư phạm nói riêng là một chủ trương lớn được Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang từng bước thực hiện triển khai theo kế hoạch của Chính phủ giao.
Dù đã tăng về quy mô nhưng tỷ lệ sinh viên/vạn dân của Việt Nam vẫn còn thấp so với thế giới. (Ảnh: PM/Vietnam+)
Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể về quy mô đào tạo nhưng so với các nước trên thế giới và trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì tỷ lệ sinh viên/1 vạn dân của Việt Nam còn rất thấp. Hệ thống phát triển không đồng đều, vẫn còn rất nhiều cơ sở giáo dục đại học quy mô nhỏ, lĩnh vực đào tạo hẹp và hoạt động kém hiệu quả. Nhiều cơ sở không mở rộng, phát triển được theo định hướng chiến lược phát triển của trường.
Thị trường giáo dục đại học chưa được điều tiết ở tầm vĩ mô. Nhiều cơ sở chưa xác định rõ vai trò, vị trí. Phần lớn cơ sở giáo dục đại học chưa xác định được định vị chiến lược một cách rõ ràng. Mô hình quản lý của cơ quan nhà nước còn thiếu thống nhất và phân mảnh; động lực cạnh tranh trong hệ thống còn yếu.
Trước thực trạng đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những số định hướng quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học.
Theo đó, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, định hướng phát triển của các vùng kinh tế và các vùng đô thị lớn - có vai trò gắn kết, trở thành động lực phát triển, vừa đáp ứng nhu cầu, vừa tạo động lực dẫn dắt sự phát triển kinh tế-xã hội đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của người dân.
Phát triển hệ thống cơ sở giáo dục đại học thống nhất trong đa dạng, thúc đẩy hợp tác và cạnh tranh; mở rộng quy mô đào tạo gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống. Bộ khuyến khích phát triển các trường đại học lớn đủ năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế; sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường hoạt động kém hiệu quả, kém chất lượng.
Các đơn vị cũng cần tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho giáo dục đại học; trong đó ưu tiên ngân sách Nhà nước để phát triển các cơ sở trọng điểm làm nòng cốt và dẫn dắt hệ thống, tăng cường đầu tư cho các cơ sở trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo công bằng trong đầu tư phát triển các cơ sở công và tư;
Bộ chủ trương phát triển các cơ sở giáo dục đại học công lập theo hướng mở rộng quy mô gắn với nâng cao chất lượng nhưng không tăng số lượng đầu mối; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Với khối ngoài công lập, bộ khuyến khích phát triển các trường đại học tư thục nhằm thu hút nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục đại học, mở rộng cơ hội học tập của người dân và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của các vùng và địa phương. Với khối sư phạm, bộ sẽ phát triển mạng cơ sở đào tạo giáo viên bao gồm các trường đại học sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học đa ngành có khoa, trường đào tạo giáo viên; đầu tư xây dựng hệ thống các trường đại học trọng điểm ngành sư phạm.
Trân trọng cảm ơn bà./.
Tác giả: Phạm Mai
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy