Dòng sự kiện:
Những tướng ngân hàng Việt 'xuất thân' từ... mỳ gói
16/03/2020 07:40:17
Ít ai biết được, trước khi khẳng định vị thế ở lĩnh vực tài chính những 'tướng' ngân hàng Việt này lập nghiệp từ những sản phẩm gói mỳ gói tại thị trường nước ngoài.

Nếu như cặp bài trùng Phạm Nhật Vượng – hiện là Chủ tịch Vingroup và Lê Viết Lam – Chủ tịch Sun Group gây dựng lên "đế chế mỳ gói" tại Ucraina thì cặp đôi chủ nhà băng Đặng Khắc Vỹ - Ngô Chí Dũng chiếm lĩnh thị trường Nga.

'Ông chủ' VPBank Ngô Chí Dũng

Ông Ngô Chí Dũng sinh năm 1968, quê tại Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ông Dũng tốt nghiệp Đại học thăm dò địa chất Matxcova chuyên ngành kỹ sư địa chất công trình. Năm 2012, ông Dũng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kinh tế của Viện nghiên cứu chiến lược chính trị kinh tế Viện hàn lâm khoa học Nga.

Trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank), ông Ngô Chí Dũng cũng từng khởi nghiệp tại Nga với mỳ gói. Công ty mỳ gói của ông có tên Rollton, khá nổi tiếng và được ưa chuộng tại Nga.

 Ông Ngô Chí Dũng.

Công ty Rollton thuộc tập đoàn Future Generation Group (FC), là thương hiệu Việt do liên minh Vỹ - Dũng sáng lập vào năm 1998. Không chỉ là thương hiệu mỳ ăn liền có tiếng trên đất Nga, Rollton còn tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người Việt sinh sống và làm việc tại Nga và người dân Nga.

Năm 2012, tại Đại hội khóa VI, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga, diễn ra tại Matxcova đã đánh giá cao và ghi nhận thành tích vượt trội của công ty Rollton, đặc biệt là về vấn đề tạo ra công việc lao động cho người dân.

Ngoài ra, ông Ngô Chí Dũng cũng từng là Chủ tịch Hội người Việt tại Nga, nhưng đến năm 2011, ông đã xin từ chức vì lý do chuyển về Việt Nam sinh sống và làm việc.

Trong giai đoạn 1996 đến năm 2004, ông Dũng là cổ đông sáng lập và được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cùng ông Đăng Khắc Vy.

Từ năm 2005 đến 2010, ông Ngô Chí Dũng nắm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Liên Minh và Tập đoàn KBG (Liên bang Nga), đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Mặc dù từng nắm giữ nhiều cương vị tại ngân hàng VIB và Techcombank, tuy nhiên, đây đều không phải là "bến đỗ" thực sự của ông Dũng. Bởi dù ở VIB hay Techcombank, ông Dũng đều không có "thực quyền".

Đến tháng 3/2010, ông Nguyễn Chí Dũng chính thức bước chân vào HĐQT VPBank, và đây mới thực sự là "mảnh đất" mà ông có thể thỏa sức "vẫy vùng".

Nnăm 2019, VPBank ghi nhận kết quả kinh doanh cao kỷ lục với lợi nhuận hợp nhất trước thuế 10.334 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch và tăng 12,3% so với năm 2018.

Tính đến ngày 15/3, ông Ngô Chí Dũng sở hữu 121,68 triệu cổ phiếu VPB, tương đương khối tài sản 3.164 tỷ đồng.

Đặng Khắc Vỹ và mối lương duyên với mỳ gói

Là một trong những doanh nhân duy trì hoạt động kinh doanh chính tại Đông Âu nhưng ông Đặng Khắc Vỹ vẫn có ảnh hưởng tại thị trường Việt đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng và mỳ gói.

Cùng với những doanh nhân nổi tiếng như ông Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang, Phạm Nhật Vượng, Ngô Chí Dũng, Nguyễn Cảnh Sơn… ông Đặng Khắc Vỹ cũng nằm trong nhóm "đại gia Đông Âu" khi có quãng thời gian khởi nghiệp và hoạt động kinh doanh chính tại thị trường này. Trong khi hầu hết doanh nhân kể trên đã chuyển hoạt động kinh doanh về Việt Nam thì ông vẫn duy trì thị trường kinh doanh chính tại Nga.

Tại Việt Nam, ông sớm gây dựng sự nghiệp khi tham gia sáng lập ngân hàng VIB và là một trong những cổ đông lớn nhất tại đây. Không chỉ nổi danh trong giới ngân hàng, đại gia Đặng Khắc Vỹ còn được mệnh danh là ông vua mì gói trong làng kinh doanh thực phẩm ở nhiều quốc gia với Mareven Food.

Ít người để ý, ở Việt Nam lúc này, ông Vỹ đang đang phát triển hai thương hiệu mỳ rất nổi tiếng, là "3 Miền" và "Reeva", với pháp nhân lõi là CTCP Uniben (Uniben).

Ông Đặng Khắc Vỹ

Để hiểu rõ mối quan hệ giữa thương hiệu mì 3 Miền và VIB, cần nhắc lại một cựu cổ đông lớn của VIB - là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hệ thống Quốc tế (Nettra).

Nettra được thành lập tháng 4/2007, có vốn điều lệ ban đầu 1.200 tỷ đồng, gồm các cổ đông sáng lập là ông Đặng Khắc Dũng, anh trai Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ, góp 774,5 tỷ đồng, chiếm 64,54% vốn; ông Đỗ Xuân Thụ, bố đẻ Thành viên HĐQT VIB Đỗ Xuân Hoàng góp 170,75 tỷ đồng (14,23%); Thành viên HĐQT VIB Đặng Văn Sơn góp 84 tỷ đồng (7%) cùng 1 cá nhân có tên Trần Chiến Thắng trú tại Ba Đình, Hà Nội góp 170,5 tỷ đồng (14,23%).

Netra ngay sau đó bắt đầu nắm giữ lượng lớn cổ phần của VIB. Và sau nhiều lần thay đổi vốn điều lệ và cơ cấu cổ đông, vào đầu năm 2014 doanh nghiệp này tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng và chuyển thành công ty con của Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Việt Hưng (Viethung Food), mà nay chính là Công ty CP Uniben - chủ sở hữu nhãn hiệu mì 3 Miền.

Những năm vừa qua, VIB đã có một số khoản tín dụng giá trị lớn cấp cho công ty mẹ của Nettra là Viethung Food. Đáng chú ý, các khoản cho vay được chính Hội đồng quản trị VIB xét duyệt, đơn cử như với các Nghị quyết 23/2013, 91/2013, 102/2013, 16/2014...

Viethung Food không phải đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng đối với VIB. Nhưng đáng chú ý là mối quan hệ: VIB cấp vốn cho Viethung Food, để rồi Viethung Food lại sở hữu Netra - cổ đông lớn và là doanh nghiệp liên quan đến lãnh đạo cao nhất của VIB.

Lưu ý rằng Viethung Food trước chỉ có vốn 400 tỷ đồng, nhưng có thời điểm sở hữu 100% Netra có quy mô vốn gấp gần 4 lần - 1.500 tỷ đồng!

Thành lập từ năm 1992, công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Việt Hưng chỉ là một cái tên nhỏ bé trong lĩnh vực mì ăn liền, xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nga và châu Âu.

Năm 2004, công ty này ra mắt thương hiệu 3 Miền với sản phẩm chủ lực là mỳ gói. Sau đó, thương hiệu Reeva ra đời với định vị cao cấp hơn.

Năm 2014, Việt Hưng đổi tên thành Uniben. Với vốn điều lệ 400 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 850 tỷ đồng, khi đó, Uniben Foods chiếm thị phần 17,7% trong ngành mỳ gói tại thị trường nông thôn, kém xa con số 30,3% của Acecook Việt Nam và 27,3% của Masan Consumer.

Sau khi tăng vốn lên 900 tỷ đồng, với tiềm lực tài chính gấp 2,5 lần trước đây, Uniben đã giành được thành công bước đầu trong trận chiến mỳ gói vốn bị thống trị bởi 3 ông lớn Vina Acecook, Masan Consumer và Asia Foods.

Người đứng sau Uniben không ai khác chính là "người quen" của ông Quang Masan, đại gia mỳ gói Nga Đặng Khắc Vỹ.

Khánh Linh (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến