Dòng sự kiện:
Những vấn đề nóng bỏng đặt lên bàn Nghị sự
06/11/2022 19:22:31
Quốc hội đã kết thúc tuần làm việc bận rộn, với nhiều nội dung quan trọng đặt lên bàn Nghị sự.

Đáng chú ý trong tuần làm việc này, Quốc hội hoàn thành chương trình chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và 4 Bộ trưởng, trưởng ngành. Quốc hội cũng dành cả ngày đầu tuần thảo luận về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Trong tuần, một dự án luật quan trọng đó là Luật đất đai (sửa đổi) được các đại biểu thảo luận sôi nổi ở 20 tổ tại Nhà Quốc hội.

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Trong 4 bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là “tư lệnh ngành” duy nhất có kinh nghiệm trả lời chất vấn trước Quốc hội. Điềm tĩnh, mạch lạc, Bộ trưởng thẳng thắn trả lời, có phương án xử lý cụ thể với nhiều vấn đề đại biểu nêu, đặc biệt là liên quan đến hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử.

Lần đầu trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết sắp tới xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, cố gắng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp. Các giải pháp tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp công lập được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu ra. Về vấn đề này, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã thống nhất cần phải có lộ trình vì liên quan đến con người (ở đây là biên chế), đất đai, tài sản của Nhà nước. Nhất là giữ lực lượng “tinh hoa” nhất trong bộ máy nhà nước, đặc biệt trong giáo dục và y tế để phục vụ nhân dân tốt hơn. Để phòng, chống tham nhũng ngay trong cơ quan phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh Tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong mong Quốc hội và cử tri giám sát, phát hiện sai phạm thành viên Đoàn Thanh tra.

Trong các bộ trưởng tham gia giải trình, đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, những ngày tới tình hình xăng dầu cơ bản được giải quyết. Trong phần trả lời trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh việc bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu trong mọi tình huống.

Nhiều đại biểu Quốc hội cảm nhận, phiên chất vấn như một "cuộc sát hạch" thẳng thắn và trách nhiệm:

“Phiên chất vấn vừa qua mang một bầu không khí rất sôi nổi, thẳng thắn, tập trung, từ khâu chỉ đạo của Chủ tịch Đoàn cho tới ý kiến của người hỏi và câu trả lời của trưởng ngành, của Thủ tướng Chính phủ. Đó là thái độ thẳng thắn nhưng mang tính xây dựng”.

“Những câu hỏi đại biểu gửi đến tổng tư lệnh ngành đã được trả lời rất đúng và cũng rất sát. Tôi rất ấn tượng với những giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra”.

“Đằng sau lãng phí hữu hình là những lãng phí vô hình làm nghèo đất nước”, đại biểu Trần Hữu Hậu, đoàn Tây Ninh đã nhấn mạnh như vậy khi phân tích các vấn đề liên quan đến lãng phí. Có đến hơn 3.000 dự án sử dụng vốn nhà nước trong giai đoạn 2016 - 2021 có thất thoát, lãng phí. Hơn 1.000 dự án đầu tư công đã đưa ra xét xử gây thất thoát, lãng phí khoảng 31.000 tỷ đồng, 74.000 héc ta đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật... Những con số, những đúc kết trong kết quả giám sát mà "bất cứ ai đọc cũng khó có thể làm ngơ".

Tuy nhiên, đó mới là "bề nổi của những tảng băng", mới chỉ là một phần của những lãng phí hữu hình có thể nhìn thấy được, chỉ ra được và đo đếm được. Từ lãng phí niềm tin, các đại biểu cũng chỉ rõ lãng phí trách nhiệm, khi mà câu chuyện không ít cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy Nhà nước không làm hoặc không dám làm gây ra biết bao lãng phí về thời gian công sức, tiền bạc, cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp. Đáng chú ý, là những lo lắng của đại biểu về lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng: “Hiện nay, một số địa phương thấy rằng việc để đất đai lãng phí, giao dự án cho các doanh nghiệp nhưng không có năng lực thì tiến hành thì thu hồi lại, để giao cho những đơn vị khác theo đúng quy định của pháp luật, có năng lực tổ chức thực hiện được ngay. Kể cả chủ trương đầu tư, nếu đầu tư không đúng, không mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, thì rõ ràng rất lãng phí. Lãng phí ấy cần phải được xem xét và nhận diện, để trên cơ sở đó sẽ có quy định để khi quyết định chủ trương đầu tư phải tính rất kỹ lưỡng, làm sao cho sử dụng một đồng ngân sách phải thật sự hiệu quả”.

Trong tuần, lần đầu tiên dự án Luật đất đai (sửa đổi) được các đại biểu thảo luận ở tổ. Đây là một dự án Luật lớn, có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, tác động sâu sắc tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Điểm mới đáng chú ý của dự án Luật là quy định giá đất phải xác định theo nguyên tắc thị trường, song song với cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và HĐND trong việc xây dựng bảng giá đất. Với việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng yêu cầu cần tách bạch mục đích kinh tế đơn thuần, tránh gây bức xúc cho người sử dụng đất, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.

Bên cạnh đó, nguyên tắc bồi thường khi thu hồi đất, “phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ". Điều này cần được định lượng cụ thể, đánh giá việc thi hành nguyên tắc này bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai, đại biểu Phan Đức Hiếu, đoàn Thái Bình nhấn mạnh: “Bỏ khung giá đất là đúng và việc xác định giá đất để đền bù, để bồi thường thì cũng phải theo giá thị trường, nhưng quan trọng nhất là thị trường nào. Các chuyên gia nói rằng chỉ cần xác định được giá định giá đất khoảng 80% thị trường là đúng, nhưng tôi cho rằng quan trọng là phải xác định đúng bản chất và việc xác định giá này phải có những tiêu chí, cấu thành đầy đủ các yếu tố về giá”.

“Thị trường thứ cấp quyền sử dụng đất rất quan trọng. Sau khi người nhận cho thuê phải có quyền thế chấp, quyền liên doanh, liên kết, cho thuê lại một cách dễ dàng. Công cụ thị trường như vậy mới thúc đẩy công cụ quyền sử dụng đất”.

Bước sang tuần làm việc thứ tư, Quốc hội tập trung công tác xây dựng pháp luật với việc biểu quyết thông qua 2 Luật và 3 Nghị quyết. Trong tuần, Quốc hội cũng thảo luận về các báo cáo công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022./.

Tác giả: Lại Hoa

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến