Dòng sự kiện:
Những xã, huyện nào trên cả nước sẽ được sáp nhập?
21/03/2023 12:18:45
Bộ Nội vụ đề xuất quy định cả các trường hợp không bắt buộc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: QH).

Theo dự thảo, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 gồm: Huyện, xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022 (gọi tắt là Nghị quyết về tiêu chuẩn đơn vị hành chính);

Đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính.

Các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2026-2030, theo đề xuất của Bộ Nội vụ, gồm: Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn; huyện có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính; xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn.

Bộ Nội vụ khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính không thuộc diện sắp xếp như quy định trên để giảm số lượng đơn vị hành chính, tăng quy mô đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước và đời sống của nhân dân.

Sau sáp nhập, một số công trình như công sở, hội trường, trường tiểu học, trạm y tế ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa bị bỏ hoang, thành nơi sản xuất chiếu cói (Ảnh: Thanh Tùng).

Đáng chú ý, dự thảo nghị quyết cũng đề xuất các trường hợp không bắt buộc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 gồm:

- Có vị trí biệt lập với các đơn vị hành chính khác (có toàn bộ đường địa giới đơn vị hành chính đi qua núi, sông, suối, hồ, biển và khó tổ chức giao thông thuận lợi kết nối với đơn vị hành chính liền kề);

- Có đường địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định từ trước năm 1945 và đến nay chưa có sự thay đổi, điều chỉnh lần nào;

- Đơn vị hành chính cấp xã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng công nhận là xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an ninh hoặc được Bộ trưởng Bộ Công an công nhận là xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.

- Đơn vị hành chính cấp huyện có từ 50% đơn vị hành chính cấp xã trở lên được công nhận là xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an ninh hoặc xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự;

- Đơn vị hành chính nông thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023-2030 (bao gồm cả đơn vị hành chính nông thôn đã được quy hoạch nhập vào đơn vị hành chính đô thị).

Trong giai đoạn 2023-2025 không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021.

Trong giai đoạn 2026-2030 không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 và giai đoạn 2023-2025.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất, nếu địa phương vẫn có nhu cầu sắp xếp để tổ chức hợp lý đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, bảo đảm các điều kiện thuận lợi thì UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Chính phủ phương án và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tác giả: Phùng Minh

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến