Theo thống kê của Bộ Y tế đến nay, sau tròn 6 tháng triển khai, hơn 22 triệu liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm cho người dân. Trong đó, số lượng người được tiêm mũi một là hơn 18,6 triệu trường hợp. Số người được tiêm mũi 2 hiện nay mới dừng lại ở hơn 3,3 triệu trường hợp.
Song song với đó là tình trạng lượng vắc-xin được nhập về còn "nhỏ giọt", chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Một số người sau khi tiêm mũi một đủ thời gian khuyến cáo của nhà sản xuất nhưng chưa có vắc-xin cùng loại để hoàn thành mũi 2.
Trao đổi với Zing, tiến sĩ Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), nhận định việc người dân bày tỏ thắc mắc về việc tiêm chéo 2 loại vắc-xin khác nhau là tất yếu.
Phản ứng phụ khó tránh
Theo TS Điền, hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam mới đưa ra khuyến cáo về việc tiêm chéo vắc-xin Covid-19 Pfizer và AstraZeneca trong điều kiện không có vắc-xin cùng loại ở mũi 2.
Tuy nhiên, khi sử dụng 2 loại vắc-xin khác nhau, người được tiêm cũng cần chấp nhận một số nguy cơ về phản ứng phụ do các tá dược của chúng.
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin Covid-19 cho một người dân tại huyện Bình Chánh (TP.HCM). Ảnh: Quỳnh Danh.
TS Điền lấy ví dụ: “Với 2 loại vắc-xin được khuyến cáo có thể tiêm chéo là AstraZeneca và Pfizer, chúng được nghiên cứu và sản xuất dựa trên 2 công nghệ khác nhau. AstraZeneca là vắc-xin tái tổ hợp của virus adeno có chứa thành phần trong vỏ ngoài của SARS-CoV-2. Trong khi đó, Pfizer lại được sản xuất trên công nghệ gene mRNA. Với công nghệ, phương pháp bào chế khác nhau, các tá dược trong mỗi loại vắc-xin cũng có sự khác biệt”.
Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra nguy cơ phản ứng phụ đối với người tiêm 2 mũi vắc-xin khác loại khi cơ thể đáp ứng với các tá dược khác nhau.
“Giả sử thành phần của loại vắc-xin A có 8 loại tá dược, vắc-xin B có 7 loại. Trong đó, chỉ có 3 loại giống nhau. Lúc này, ngoài kháng nguyên của SARS-CoV-2, cơ thể sẽ còn phản ứng với tổng cộng 12 loại tá dược khác nhau từ 2 loại vắc-xin”, TS Điền giải thích.
Cũng bởi yếu tố này mà đến nay, WHO và Bộ Y tế mới đưa ra khuyến cáo về việc tiêm chéo vắc-xin AstraZeneca và Pfizer. Các loại vắc-xin khác hiện chưa có khuyến cáo cụ thể.
“Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng, với những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao và ở điều kiện nguồn vắc-xin bị thiếu hụt, chúng ta có thể lặp lại chu kỳ (2 mũi) của một loại vắc-xin khác sau khi tiêm mũi một. Một số quốc gia cũng đã áp dụng tiêm vắc-xin mũi 3, 4 cho người dân. Thậm chí với người tiêm 2 mũi vắc-xin cùng loại, sau khoảng 6-12 tháng, chúng ta vẫn cần tiêm nhắc lại”, TS Điền cho hay.
Lựa chọn tùy mức độ nguy cơ
Tiến sĩ Vũ Minh Điền cho hay hiện thế giới chưa có nghiên cứu và đánh giá chi tiết về hiệu quả sinh miễn dịch sau khi tiêm chéo 2 loại vắc-xin. Bởi vậy, chúng ta cũng chưa thể đưa ra được tỷ lệ bảo vệ chính xác nhất.
“Hiệu quả của vắc-xin không phải phép tính cộng. Ví dụ hiệu quả bảo vệ của vắc-xin AstraZeneca mũi một là 60%, mũi 2 là 92%. Với vắc-xin Pfizer, con số này là 70% và 95%. Nếu tiêm mũi một AstraZeneca, mũi 2 Pfizer, tỷ lệ bảo vệ là bao nhiêu phần trăm vẫn chưa được công bố đầy đủ dù về mặt lý thuyết, hiệu quả sẽ lớn hơn 60%. Dẫu vậy, chúng ta vẫn cần có số liệu chính xác để đưa ra khuyến cáo”, vị chuyên gia giải thích.
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được tiêm vắc-xin Covid-19 từ những ngày đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng. Ảnh: Quỳnh Trang.
Trong trường hợp người dân quyết định chờ để có đúng loại vắc-xin Covid-19 đã tiêm ở mũi một khiến khoảng cách giữa 2 mũi xa hơn khuyến cáo của nhà sản xuất, chúng ta sẽ không phải tiêm lại nhưng hiệu quả bảo vệ sẽ giảm.
TS Điền cho hay: “Về bản chất, vắc-xin Covid-19 giúp chúng ta đưa một kháng nguyên lạ vào cơ thể. Qua đó, khiến cơ thể nhận diện và sinh ra hàng loạt tế bào lympho B nhớ để trong lần tiếp theo, khi virus xâm nhập, chúng sẽ huy động ngay và đáp ứng miễn dịch”.
Theo ông, tiêm vắc-xin mũi 2 tương tự một lần tập dượt, có vai trò giúp cơ thể thử nhận diện kháng nguyên, đánh giá tốc độ huy động của các tế bào. Khi hệ thống miễn dịch đã hoạt động, cơ thể sẽ nhanh chóng huy động tổng lực các yếu tố để tiêu diệt virus.
“Với vắc-xin Pfizer, nếu đúng quy trình tiêm mũi 2 sau 3 tuần, cơ thể sẽ nhận diện và đáp ứng với virus khoảng 95%. Nhưng trong trường hợp thời gian này là 6-8 tuần, bộ nhớ sẽ nhận diện kém hơn, tỷ lệ có thể chỉ còn 70-80%”, TS Điền nói.
Do đó, theo vị chuyên gia này, việc lựa chọn đợi tiêm cùng loại hay tiêm chéo 2 loại vắc-xin Covid-19 khác nhau sẽ phụ thuộc vào mức độ nguy cơ của mỗi người.
Với người dân, nguy cơ lây nhiễm thấp, chúng ta có thể tiêm trước một mũi để tăng khả năng bảo vệ và chờ đợi tiêm mũi 2 cùng loại. Trong khi đó, những nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao tương tự nhân viên y tế nên sớm tiêm đủ liều. Nếu không có vắc-xin cùng loại, nhóm này có thể tiêm loại vắc-xin khác theo khuyến cáo của ngành y tế.
Tác giả: Quốc Toàn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy