Dòng sự kiện:
Những yếu tố tác động lên thị trường chứng khoán tháng 11
08/11/2024 16:54:36
Thị trường chứng khoán chịu nhiều chi phối của các thông tin trong nước và quốc tế, trong khi đó, thông tin quan trọng về kết quả kinh doanh không mấy tích cực khiến chỉ số chưa thể “bứt lên”.


Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường. Ảnh minh họa: TTXVN

Hôm nay, chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi xuống khi giới đầu tư vẫn rất “e dè” giải ngân. Cùng đó, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng hàng nghìn tỷ đồng tạo thêm áp lực cho thị trường chung.

Chốt phiên giao dịch ngày 8/11, VN-Index giảm 7,19 điểm xuống 1.152,56 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 555,5 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 13.911,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 125 mã tăng giá, 254 mã giảm giá và 62 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,61 điểm xuống 226,88 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 69,3 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.235,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 66 mã tăng giá, 98 mã giảm giá và 52 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,17 điểm xuống 92,15 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 36,2 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 524,9 tỷ đồng. Toàn sàn có 147 mã tăng giá, 143 mã giảm giá và 121 mã đứng giá.

Rổ cổ phiếu VN30 có tới 24 mã giảm giá và chỉ có 4 mã tăng giá, 2 mã đứng ở tham chiếu. Giảm mạnh nhất là VHM với 3,38%, CTG giảm 1,69%, MSN giảm 1,36%, GVR giảm 1,35%. Các mã TCB, VCB, VPB, VIB đều giảm hơn 1%.

Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn 2 mã chốt phiên trong sắc xanh là VBB và MSB. Hầu hết các mã còn lại chốt phiên trong sắc đỏ, 1 vài mã may mắn đứng ở tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu bất động sản giảm mạnh nhất thị trường là do VHM giảm sâu, DXG cũng giảm 3,25%, DIG giảm 1,88% và PDR giảm 1,61%.

Ngược dòng thị trường chung là cổ phiếu ngành viễn thông, với VGI tăng 7,39%, CTR tăng 2,42%, TTN tăng 13,13% và FOX tăng 4,75% và một số mã khác tăng kịch trần như MFS, ICT, ABC, SBD.

Khối ngoại hôm nay bán ròng rất mạnh, hơn 1,156 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã MSN (252,97 tỷ đồng), VHM (203,55 tỷ đồng), FPT (99,79 tỷ đồng) và SSI (45,88 tỷ đồng). Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng gần 10 tỷ đồng, tập trung vào mã CMG (178 tỷ đồng), VHM (157 tỷ đồng), MSN (130 tỷ đồng) và STB (gần 75 tỷ đồng).

Chuyên gia chứng khoán từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, thị trường trong tháng 11 khả năng vẫn còn biến động, do ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như bầu cử Tổng thống Mỹ hay trong nước là kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với các thảo luận về luật và chính sách trong lĩnh vực bất động sản hay khả năng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để giảm áp lực tỷ giá.

Tuy nhiên, một số yếu tố chính có thể được xem là yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường giai đoạn tới: Định giá ước tính một năm của VN-Index giảm nhẹ từ xuống còn 11,9 lần vào cuối tháng 10 từ mức 12,1 lần ở đầu tháng này. Điều này cho thấy thị trường chịu áp lực giảm giá và chưa phản ánh nhiều chuyển biến tích cực của kết quả quý III.

Tăng trưởng lợi nhuận quý III tiếp tục mở rộng sang nhiều nhóm ngành, với nhiều ngành đạt mức tăng trưởng cao trên 30%. Thông tư 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (Thông tư 68), cùng với việc sửa đổi Luật Chứng khoán đưa tới kỳ vọng các quỹ đầu tư nước ngoài có thể cân nhắc tăng tỷ trọng vào Việt Nam.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect) cho biết, tăng trưởng lợi nhuận quý III/2024 chủ yếu do nền thấp quý III/2023 hơn là tăng trưởng theo quý.

VNDirect ước tính, lợi nhuận ròng toàn thị trường của các công ty niêm yết trên ba sàn (HOSE, HNX, UPCOM) tăng 18,8% so với cùng kỳ, nhờ hiệu ứng cơ sở thấp từ quý III/2023. Tuy nhiên, đà tăng trưởng đã chậm lại khi lợi nhuận quý III/2024 chỉ tăng 1,2% so với quý II/2024 sau khi đã tăng 12,3% theo quý trong quý I/2024. Dù vậy, đây vẫn là sự cải thiện so với quý III/2023, khi lợi nhuận giảm 5,5% theo quý.

Đáng chú ý, ngành bất động sản đã kết thúc chuỗi bốn quý tăng trưởng âm liên tiếp. Ngành bất động sản ghi nhận doanh thu tăng 16,2% và lợi nhuận tăng 49,3% so với cùng kỳ, kết thúc chuỗi bốn quý lợi nhuận âm. Sự ấm lên của thị trường bất động sản, giá đất tăng và các công ty bắt đầu ghi nhận doanh thu đã thúc đẩy kết quả tích cực, mặc dù phần lớn dự án đã bán từ quý III và quý IV năm ngoái.

Ngành dầu khí bị tác động tiêu cực bởi sự biến động của giá dầu. Lợi nhuận ngành dầu khí giảm 119% so với cùng kỳ trong quý III/2024. Nguyên nhân do giá dầu giảm gần 20% trong kỳ, ảnh hưởng tiêu cực tới ngành dầu khí nói chung và cổ phiếu BSR nói riêng, khi ghi nhận lỗ hơn 1.200 tỷ đồng.  Crack spread (khoảng khác biệt về giá giữa một thùng dầu thô và các sản phẩm dầu hỏa được tinh chế từ nó) giảm và tiêu thụ yếu đi đã ảnh hưởng xấu đến triển vọng kinh doanh của công ty trong quý III.

Bên cạnh đó, chi phí vay giảm nhẹ do các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy nhu cầu tín dụng và kích thích phục hồi kinh tế. Lợi nhuận ngành ngân hàng quý III/2024 tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm 7,7% so với quý II/2024.

Tác giả: Văn Giáp 
Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến