Dòng sự kiện:
Nỗ lực cung ứng vốn, đẩy lùi tín dụng đen
12/04/2019 10:40:56
Trong khi nhiều NHTM chỉ 'bám trụ' ở thành phố, thì Agribank luôn nỗ lực tìm mọi cách để đưa dịch vụ ngân hàng đến địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa của đất nước, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Agribank luôn nỗ lực đưa dịch vụ ngân hàng đến địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa

Đa dạng các giải pháp cung ứng vốn

Nhận thức trách nhiệm của ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank xác định không đứng ngoài cuộc chiến với vấn nạn tín dụng đen đang hoành hành tại nhiều vùng quê. Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho biết, trong thời gian qua, tình hình tín dụng đen diễn biến phức tạp, để lại nhiều hệ luỵ và ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại nhiều địa phương.

Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của NHTM Nhà nước với sứ mệnh phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN, thời gian qua Agribank đã chủ động tích cực triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng của khách hàng là hộ nông dân và cá nhân.

Đến 31/3/2019, Agribank đã và đang thực hiện 7 chính sách tín dụng và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho mọi người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, Agribank đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, thời gian giải ngân nhanh, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vốn đột xuất, chính đáng của người dân tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu vực kinh tế khó khăn.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Agribank đã dành tối thiểu 5.000 tỷ đồng trong cơ cấu tín dụng để cho vay đáp ứng mục đích tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình như khám chữa bệnh, chi phí học tập, mua đồ dùng… với thủ tục hồ sơ vay vốn được cải tiến rút gọn hết mức, chỉ cần có phương án sử dụng vốn vay, có UBND xã xác nhận, sau đó ngân hàng giải ngân.

Đồng thời ngân hàng ban hành 3 văn bản chỉ đạo quyết liệt chi nhánh tập trung các nguồn lực để xét duyệt và giải ngân cho vay các nhu cầu cấp thiết của người dân theo chương trình này. Với sự vào  cuộc chủ động bằng nhiều giải pháp, trong vòng 3 tháng triển khai, doanh số cho vay chương trình này đạt 400 tỷ đồng với hơn 14 nghìn khách hàng vay vốn.

Với mục tiêu phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, đưa sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến gần với người dân địa phương, đáp ứng được nhu cầu vốn, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, Agribank đã đáp ứng đầy đủ các dịch vụ  ngân hàng hiện đại trên xe giao dịch lưu động như giải ngân, thu nợ, huy động tiền gửi tiết kiệm, mở và sử dụng tài khoản thẻ, chuyển và nhận tiền trong nước, dịch vụ bảo hiểm…

Sau một năm triển khai chính thức, đến 28/2/2019, Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng Agribank đã thực hiện được 3.641 phiên giao dịch, cung cấp dịch vụ cho hơn 376.371 khách hàng tại địa bàn 389 xã, tổng số tiền giải ngân đạt 1.449 tỷ đồng.

Qua đánh giá của chính quyền và nhân dân các địa phương, từ khi điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đi vào hoạt động đã góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng; giảm chi phí, thời gian đi lại, đảm bảo an toàn về tài sản và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Đối với Agribank, việc triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng giúp tiết giảm chi phí, nguồn nhân lực rất lớn so với việc mở thêm phòng giao dịch.

Theo tính toán của Agribank, từ khi đi vào hoạt động, điểm giao dịch bằng ô tô tiết kiệm khoảng hơn 61 tỷ đồng chi phí đi lại và cho thấy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngân hàng vừa tăng năng suất, tiết giảm chi phí…

“Việc Agribank chi nhánh huyện Mộc Châu triển khai điểm giao dịch lưu động phục vụ bà con nông dân vùng sâu vùng xa đã góp phần phát triển kinh tế hàng hóa, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, từng bước thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội ở địa phương”, ông Lường Tiến Quynh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết.

Với những kết quả tích cực đạt được của giai đoạn I, có thể nói điểm giao dịch lưu động là một trong các giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho cả Agribank và khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách hàng thuộc vùng sâu, vùng xa. Điểm giao dịch lưu động đã góp phần giúp Agribank phát triển thêm công cụ đầu tư để giảm bớt tín dụng đen; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đồng bằng. Từ đó góp phần chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, củng cố và nâng cao niềm tin của người dân. Đây cũng là điều kiện thuận lợi góp phần tăng cường uy tín, vị thế của Agribank, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Đẩy lùi tín dụng đen không chỉ là trách nhiệm của ngân hàng

Định hướng chính sách trong năm 2019 và những năm tiếp theo, ông Tiết Văn Thành cho biết, thực hiện phương án cơ cấu lại giai đoạn 2016 – 2020, Agribank tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu tiên của Chính phủ, NHNN.

Trong đó tập trung nghiên cứu cải tiến quy trình cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân có thể tiếp cận nhanh nhất các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong đó có chương trình tín dụng tiêu dùng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cấp bách của người dân, ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội. 

Giải pháp trên cũng được lãnh đạo NHNN đặc biệt chú trọng trong thời gian tới. Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, để đạt được kết quả cao nhất trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các giải pháp của ngành Ngân hàng là chưa đủ, mà cần có sự tham gia vào cuộc đồng bộ của các tổ chức chính trị - xã hội.

Đồng quan điểm này, theo ông Thành, đẩy lùi tín dụng đen không chỉ là trách nhiệm của ngành ngân hàng, mà còn cần sự lãnh đạo vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội hỗ trợ tạo điều kiện ngân hàng đáp ứng các nhu cầu vay vốn hợp pháp, cấp thiết của người dân.

Một vấn đề nữa để tăng cường khả năng cung ứng vốn đẩy lùi tín dụng đen được lãnh đạo ngân hàng này đề xuất là vấn đề tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính cho ngân hàng. Nghị định 116 của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân vay vốn. Tuy nhiên những chính sách cởi mở của nghị định này lại đang tạo áp lực đối với Agribank khi tỷ trọng cho vay không có tài sản bảo đảm ngày càng gia tăng, hệ số rủi ro cao.

“Mặc dù Agribank đã tích cực điều chỉnh cơ cấu tài sản, tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận để bổ sung vốn tự có nhưng tỷ lệ an toàn vốn tiếp tục giảm dần và tiệm cận mức tối thiểu theo quy định của NHNN. Nếu không được cấp bổ sung vốn điều lệ, từ quý II/2019, ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn”, ông Thành nhấn mạnh.

Mong muốn này, về phía cơ quan quản lý rất thấu hiểu. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng đề xuất tăng thêm vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước có điều kiện mở room tín dụng. “Nếu không được cấp đầy đủ vốn điều lệ, các NHTM Nhà nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú băn khoăn.

Theo chia sẻ của ông Thành, Agribank đã hoàn thành giai đoạn 1 đề án điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng. Để tăng khả năng tiếp cận sản phẩm dịch vụ ngân hàng của khách hàng, đặc biệt là các khách hàng khu vực nông thôn khó khăn, Agribank đề nghị NHNN xem xét phê duyệt triển khai giai đoạn II Đề án Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng trong thời gian tới.

Về phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị Agribank tích cực truyền thông, nghiên cứu đưa ra sổ tay cho vay với nội dung cụ thể về thủ tục, đối tượng, số tiền… rồi phát hết cho mọi người đến từng nhà, từng hội viên của các tổ chức chính trị này. Khi được cập nhật thông tin từ quyển sổ tay này người dân sẽ hiểu đúng và trúng chính sách của ngân hàng.

Quá trình 31 năm xây dựng và phát triển, Agribank luôn khẳng định vai trò của NHTM hàng đầu trong lĩnh vực “tam nông”. Đầu tư vào lĩnh vực được cho là bấp bênh, nhiều rủi ro, Agribank luôn kiên trì, tìm ra những giải pháp mới đưa dịch vụ ngân hàng đến địa bàn nông thôn, đồng hành cùng nông dân cả nước có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Để tăng cường khả năng cung ứng vốn đẩy lùi tín dụng đen được lãnh đạo ngân hàng này đề xuất là vấn đề tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính cho ngân hàng. Nghị định 116 của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân vay vốn. Tuy nhiên những chính sách cởi mở của nghị định này lại đang tạo áp lực đối với Agribank khi tỷ trọng cho vay không có tài sản bảo đảm ngày càng gia tăng, hệ số rủi ro cao.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến