Dòng sự kiện:
Nợ nước ngoài của quốc gia ngày càng phình to
27/06/2018 08:18:59
Vì sao nợ nước ngoài của quốc gia lại tăng nhanh như vậy trong năm 2017? Tại sao trong khi nợ công đang giảm thì nợ nước ngoài lại tăng mạnh trong năm 2017?

Nợ công giảm nhưng nợ nước ngoài lại tăng

Theo quy định của Luật Quản lý nợ công thì nợ nước ngoài của quốc gia là tổng các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ của doanh nghiệp, tổ chức khác vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả theo quy định của pháp luật Việt Nam. Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố thêm số liệu về nợ nước ngoài của quốc gia trong năm 2016-2017 và có dự báo đến cuối năm 2018. Cảm nhận riêng của người viết là hơi “giật mình” nếu chỉ nhìn vào những con số. Bởi lẽ, trong khi nợ công đang có xu hướng giảm thì nợ nước ngoài của quốc gia lại đang tăng rất nhanh và vì nợ nước ngoài có nghĩa là sẽ phải trả bằng ngoại tệ.

Con số nợ nước ngoài của quốc gia vào cuối năm 2018 như Bộ Tài chính dự báo (49,9% GDP) gần như đã chạm tới trần giới hạn mà Quốc hội cho phép (dưới 50% GDP). Ảnh: Mai Lương

Nguy cơ vượt trần

Con số nợ nước ngoài của quốc gia vào cuối năm 2018 như Bộ Tài chính dự báo (49,9% GDP) gần như đã chạm tới trần giới hạn mà Quốc hội cho phép (dưới 50% GDP). Điều đó đồng nghĩa với việc chỉ một sự biến động dù rất nhỏ cũng sẽ khiến cho giới hạn trên bị phá vỡ.

Trước tiên cũng cần phải nhấn mạnh rằng nợ nước ngoài của quốc gia không phải là một cấu phần, một tập hợp con của nợ công. Bởi lẽ nợ công sẽ chỉ tính đến các khoản nợ mà Chính phủ vay nước ngoài, còn các khoản nợ mà doanh nghiệp tự vay, tự trả sẽ không phải là nợ công. Do vậy, trong bối cảnh Chính phủ đang kiểm soát tốt nợ công (cả vay trong nước và nước ngoài) thì nợ nước ngoài tăng nhanh là do hoạt động vay nợ của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Theo lý giải của Bộ Tài chính thì có hai nguyên nhân chính khiến cho nợ nước ngoài của quốc gia tăng nhanh trong năm 2017. Thứ nhất là do các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đẩy mạnh việc vay nước ngoài bằng ngoại tệ với chi phí thấp, sau đó tiến hành hoán đổi sang tiền đồng (SWAP) để tìm kiếm cơ hội kinh doanh do chênh lệch về lãi suất giữa tiền đồng và đô la Mỹ.

Tuy nhiên, theo người viết, điều này không phải là nguyên nhân chính. Nguyên nhân chính thứ hai, theo Bộ Tài chính, nằm ở thương vụ bán vốn của Nhà nước trị giá 5 tỉ đô la Mỹ tại Sabeco diễn ra vào cuối năm 2017. Theo đó, để có tiền mua cổ phần tại Sabeco, Công ty Vietnam Beverage, một công ty được thành lập theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam (doanh nghiệp Việt Nam) đã đi vay tiền ở nước ngoài (vay các ngân hàng của Thái Lan và Singapore thông qua sự bảo lãnh của tập đoàn mẹ là ThaiBev(1)). Đây là mấu chốt khiến cho nợ nước ngoài của quốc gia tăng từ 44,8% GDP vào năm 2016 lên tới 49% GDP vào cuối năm 2017.

Như vậy, thương vụ bán vốn tại Sabeco dường như đã tạo ra một tiền lệ xấu. Đó là việc một doanh nghiệp nước ngoài núp bóng (hay lách luật) thông qua một công ty Việt Nam để mua cổ phần chi phối (trên 50%) một doanh nghiệp Việt Nam khác. Chính việc lách luật này đã khiến cho khoản tiền 5 tỉ đô la Mỹ ở trên không được ghi nhận là một khoản đầu tư gián tiếp (FII) mà được hạch toán là một khoản nợ của một doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Beverage). Có lẽ những mâu thuẫn này dường như chưa được các cơ quan quản lý nhà nước tính đến trong phương án bán cổ phần tại Sabeco.

Cần thiết phải có giải pháp để không có ngoại lệ

Với những thông tin ở trên thì nhiều người có cảm nhận chung là tình hình có vẻ chưa đến mức nguy cấp. Bởi lẽ, bản chất khoản vay 5 tỉ đô la Mỹ của Vietnam Beverage khác hoàn toàn với các khoản vay của các doanh nghiệp trong nước khác. Nếu nhìn nhận một cách khách quan thì khoản vay này nên được ghi nhận là một khoản đầu tư (trực tiếp hoặc gián tiếp) của các nhà đầu tư nước ngoài.

Mặc dù vậy, theo người viết, vẫn cần phải có các giải pháp cụ thể để không có bất kỳ ngoại lệ hay lời giải thích nào mang tính bào chữa nếu tỷ lệ nợ nước ngoài của quốc gia vượt quá 50% GDP. Một câu hỏi cần được đặt ra lúc này là nếu tiếp tục có các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) theo kiểu của Sabeco trong thời gian tới thì sao. Liệu chúng ta có từ chối hay không trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, bán cổ phần tại các doanh nghiệp, đặc biệt là kêu gọi sự hợp tác từ các nhà đầu tư nước ngoài?

Theo quy định tại Quyết định 544/QĐ-TTg ngày 20-4-2017 về chương trình quản lý nợ công trung hạn 2016-2018 thì hạn mức vay thương mại nước ngoài (vay ròng) của các doanh nghiệp và TCTD theo hình thức tự vay, tự trả tối đa 5,5 tỉ đô la Mỹ/năm. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết nếu áp con số 5,5 tỉ đô la Mỹ cho năm 2018 thì chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia có thể lên tới 50,9% GDP, vượt ngưỡng nợ 50% do Quốc hội phê duyệt(2). Do đó, để đảm bảo chỉ tiêu này trong giới hạn cho phép, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hạn mức vay nước ngoài tối đa chỉ 5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2018.

Mặc dù vậy, để có thể kiểm soát được chỉ tiêu này ở mức 49,9% GDP như dự tính thì đòi hỏi các cơ quan quản lý phải tiếp tục có các giải pháp rất căn cơ và chặt chẽ hơn nữa. Theo đó, nếu cần thiết phải yêu cầu các doanh nghiệp, đặc biệt là các TCTD chủ động trả nợ trước hạn để giảm dư nợ vay nước ngoài. Ngoài ra, có thể tạm dừng có thời hạn các khoản vay ngắn hạn để ưu tiên cho các khoản vay trung và dài hạn... Bởi nếu không kiểm soát được giới hạn trên thì niềm tin của các tổ chức tài chính quốc tế vào khả năng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam sẽ sụt giảm. Họ sẽ cho rằng các quy định pháp lý của Việt Nam rất lỏng lẻo và dễ dàng có ngoại lệ. Hệ quả cũng như nguy cơ là các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (rating agencies) hạ mức tín nhiệm của Việt Nam. Nếu vậy, các khoản vay của Chính phủ cũng như của doanh nghiệp trong tương lai chắc chắn sẽ phải chịu mức lãi suất cao hơn hiện nay. Khi đó, mọi lỗ lực của Chính phủ trong giai đoạn vừa qua sẽ không được ghi nhận chỉ vì những thiếu sót nhỏ trong công tác quản lý vốn vay nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước.

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến