Dòng sự kiện:
Nợ xấu ảnh hưởng ra sao tới bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2023?
21/12/2023 13:59:43
Trong 28 ngân hàng đã báo cáo tài chính quý III/2023 được thống kê, có tới 8 tổ chức có lợi nhuận chưa qua mốc 50% kế hoạch năm, thậm chí có ngân hàng mới thực hiện được 15-30%. Phần còn lại đã hoàn tất được 50-60%.

Còn hơn 1 tháng nữa mới tới hạn công bố báo cáo tài chính quý IV/2023, nhưng tình hình nợ xấu năm 2023 của các ngân hàng hiện được dư luận quan tâm. 9 tháng đầu năm 2023, nhiều ngân hàng không chỉ gia tăng tổng nợ xấu mà chất lượng nợ phân theo nhóm nợ cũng xấu dần.

Trong 28 ngân hàng đã báo cáo tài chính quý III/2023 được thống kê, có tới 8 tổ chức có lợi nhuận chưa qua mốc 50% kế hoạch năm, thậm chí có ngân hàng mới thực hiện được 15-30%. Phần còn lại đã hoàn tất được 50-60% kế hoạch năm.

Đến hết quý III/2023, theo khảo sát qua báo cáo tài chính của các ngân hàng, MB và MSB là 2 ngân hàng có tỉ lệ gia tăng nợ xấu cao nhất.

Đối với MB, kết thúc quý III/2023, cùng chiều với tỉ lệ cho vay khách hàng, nợ xấu (nợ nhóm 3,4,5) tại ngân hàng này tăng từ mức hơn 5.000 tỷ đồng lên gấp đôi ở mức 10.111 tỷ đồng.

Còn tại MSB, sau 9 tháng, nợ xấu ghi nhận cán mốc 4.149 tỷ đồng, trong khi đó thời điểm đầu năm, con số này chỉ là 2.057 tỷ đồng.

Dữ liệu tài chính hợp nhất quý III/2023 cho biết, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB, Mã chứng khoán: OCB) có lợi nhuận  đạt 1.355 tỷ đồng, tăng đến 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó khoản thu nhập chính của ngân hàng này là lãi thuần đạt 1.865 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ.

Một số khoản kinh doanh ngoài lãi tại OCB cũng ghi nhận tăng trưởng, đặc biệt kinh doanh ngoại hối tăng đột biến 239% lên 174 tỷ đồng. Hoạt động chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư cũng có sự chuyển đổi từ lỗ trong kỳ trước sang lãi ở kỳ này, lần lượt 0,4 tỷ đồng và 219 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế tại OCB đạt 3.915 tỷ đồng, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của OCB mở rộng 11,7% so với hồi đầu năm, đạt gần 216.800 tỷ đồng. Trong đó, số dư cho vay khách hàng tăng 9,8%, lên gần 131.500 tỷ đồng.

Bên cạnh tăng trưởng lợi nhuận và cho vay khách hàng, chất lượng cho vay là điều đáng quan tâm đối với OCB. Bởi lẽ, cả 3 nhóm nợ xấu của OCB đều tăng sau 9 tháng khiến tổng nợ xấu của OCB đến thời điểm 30/9/2023 là gần 5.000 tỷ đồng.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất và chiếm đa số trong tổng nợ xấu. Cuối quý 3, tỷ lệ nợ xấu của OCB đang ở mức 3,8%.

Nhưng ngân hàng "ôm" nợ xấu cao nhất tổng kết 9 tháng đầu năm lại là VPBank. Tiếp theo là BIDV, VietinBank, Vietcombank.

Tổng số dư nợ xấu của VPBank ghi nhận đến thời điểm 30.9.2023 là gần 30.000 tỷ đồng, của BIDV là hơn 26.000 tỷ đồng và VietinBank là gần 19.000 tỷ đồng, còn Vietcombank có mức tổng dư nợ xấu đạt hơn 14.300 tỷ đồng.

Trao đổi với Lao Động ngày 18/12, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - cho biết, dự đoán nợ xấu sẽ còn có xu hướng gia tăng mạnh trong năm 2024.

Theo các chuyên gia, việc dừng hiệu lực Thông tư 02 vào tháng 6/2024 sẽ khiến áp lực nợ xấu của các ngân hàng tăng mạnh.

Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, mặc dù nợ xấu tăng nhanh, song con số này vẫn thấp hơn nhiều so với tỉ lệ nợ xấu thực vì chưa tính cả nợ đang được giãn, hoãn, chưa chuyển nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.

"Bất động sản là lĩnh vực được cảnh báo tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất khi thị trường chậm hồi phục khiến các khoản nợ có nguy cơ nhảy nhóm thành nợ xấu nhiều nhất" - P​​​GS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Còn theo dự báo của SSI Research, ngành ngân hàng có thể tăng trưởng lợi nhuận 17% trong năm 2024 với giả định tăng trưởng tín dụng năm sau khá hơn năm nay, đặc biệt là kỳ vọng vào nửa cuối năm sau, khi kinh tế thế giới phục hồi, xuất khẩu tăng rõ ràng hơn.

Bên cạnh đó, biên lãi thuần (NIM) của ngân hàng gặp áp lực lớn trong năm 2023, khi chi phí đầu vào lớn, nhưng sang năm 2024, kỳ vọng áp lực sẽ giảm dần do mức lãi suất trung bình thấp hơn. Ngoài ra, thu nhập từ phí của ngân hàng năm 2023 yếu, tạo cơ sở để năm 2024, các ngân hàng sẽ thu phí tốt hơn từ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trên Chuyên trang Đầu tư Chứng khoán, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn thị trường tài chính (Trường đại học Kinh tế TP HCM) cho rằng, không chỉ nợ xấu tăng, mà tín dụng nền kinh tế cũng sẽ khó trong năm 2024, khi thị trường bất động sản chưa sớm ấm trở lại, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Nợ xấu tiếp tục tăng trong quý III/2023, nhưng dự phòng rủi ro không tăng tương xứng, khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm.

Hà Thanh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến