Dòng sự kiện:
Nợ xấu dềnh lên, ngân hàng tăng chi phí dự phòng
04/03/2019 17:02:04
Trong khi tỷ lệ nợ xấu chung toàn ngành giảm, thì nợ xấu của nhiều ngân hàng lại có dấu hiệu tăng lên do các khoản nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) quay về.

Mục tiêu của ngành ngân hàng năm 2019 là đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.

Nợ xấu tăng

Ngân hàng OCB cho biết, kết thúc năm 2018, lãi trước thuế tăng gấp đôi, đạt hơn 2.200 tỷ đồng, nhưng nợ xấu tăng. Cụ thể, Ngân hàng có 1.288 tỷ đồng nợ xấu, tăng 49% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng từ 1,79% lên mức 2,28%, trong đó có một phần nợ xấu do Ngân hàng đã mua lại từ VAMC sau thời gian bán 5 năm chưa xử lý được.

Dù tín dụng VietinBank tăng chậm hơn trong quý cuối năm 2018, nhưng chất lượng nợ của Ngân hàng lại đi xuống. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay thị trường 1 của VietinBank tăng lên mức 1,56%, thay vì 1,13% vào cuối năm 2017. Tổng cộng nợ xấu của VietinBank lên đến 13.516 tỷ đồng, tăng thêm hơn 4.500 tỷ đồng so với đầu năm và 70% là nợ có khả năng không thu hồi được.

Tại VPBank, tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 đều cao tính đến cuối năm 2018. Ngân hàng này duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3% suốt giai đoạn 2011 - 2016, đến năm 2017 tăng lên 3,39% và năm 2018 đạt 3,51%. Tuy nhiên, xét riêng ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,41%.

Trong khi đó, một số ngân hàng khác đã nỗ lực xử lý được khá nhiều nợ xấu, song vẫn có tỷ lệ nợ xấu khá cao. Tỷ lệ nợ xấu tại Sacombank là 2,11%, NCB là 2,12% và SHB là 2,4%.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, lộ trình xử lý nợ xấu của ngân hàng này đang diễn ra nhanh hơn so với đề án tái cơ cấu sau sáp nhập. Trên thực tế, Sacombank đã liên tục phát mãi tài sản đảm bảo bằng bất động sản để đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ xấu, nhưng có những tài sản không thể phát mãi ngay lần đầu mà đến 2 - 3 năm mới có thể bán được tài sản.

Lấp bằng dự phòng

Dự phòng trái phiếu VAMC của Sacombank tính đến cuối năm 2018 đạt 2.570 tỷ đồng, tăng 54% so với thời điểm 30/6/2017, nhưng tài sản có không sinh lời giảm 17%. Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tại Ngân hàng đạt 3.523 tỷ đồng, tăng 45% so với thời điểm 30/6/2017.

Nợ xấu tăng khiến OCB đã phải tăng chi phí dự phòng rủi ro hơn 10 lần so với cùng kỳ, lên mức 397 tỷ đồng trong quý IV/2019. Lũy kế cả năm 2018, chi phí dự phòng rủi ro tăng 3,7 lần, lên 945 tỷ đồng.

Vietcombank và ACB tiếp tục đứng đầu hệ thống xét về năng lực xử lý nợ xấu trong năm qua, với tỷ lệ trích lập dự phòng cao tới 150 - 160% so với nợ xấu. Với mức trích lập này, trong trường hợp tệ nhất là 100% nợ xấu không thu hồi được, họ vẫn còn lại phần 50-60% để hoàn nhập dự phòng. 

Việc trích lập dự phòng rủi ro, hay cụ thể hơn là tình hình xử lý nợ xấu và kiểm soát chất lượng tín dụng đã có tác động rất lớn tới kết quả lợi nhuận của các ngân hàng. Nhiều nhà băng phải dùng đến hơn một nửa lợi nhuận cho chi phí dự phòng rủi ro trong năm qua.

BIDV là ngân hàng có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cao nhất trong năm 2018, đạt hơn 28.300 tỷ đồng, cao hơn cả Vietcombank (25.679 tỷ đồng). Song do phải trích cho chi phí dự phòng rủi ro lớn nhất trong hệ thống, lên hơn 18.800 tỷ đồng, nên đã “ngốn” đến 2/3 lợi nhuận của ngân hàng này trong năm 2018. Theo đó, lợi nhuận trước thuế sau dự phòng của BIDV chỉ còn hơn 9.400 tỷ đồng.

MBB, TPBank và VietinBank cũng là những cái tên xếp hạng cao về năng lực xử lý nợ xấu, mức bao nợ xấu (số dư dự phòng/nợ xấu) quanh 100%, với số dự phòng đã trích vừa bằng mức tổn thất nếu toàn bộ nợ xấu không thể thu hồi. Techcombank, BIDV, HDBank thể hiện khả năng xử lý nợ xấu đáng kể với tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu xấp xỉ 70 - 90%.

Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc gia tăng dự phòng rủi ro của các ngân hàng là nguồn dự trữ đủ lớn để có thể đối phó với trường hợp xấu nhất mà không ảnh hưởng tới lợi nhuận. Đây cũng chính là “của để dành” cho những năm khó khăn trong tương lai.

Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành giảm

Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý 149.220 tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay và đã nằm sâu dưới ngưỡng 2% - ngưỡng mục tiêu trong Nghị quyết số 01/NQ-CP 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, mục tiêu của ngành năm 2019 là đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 5%; tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng, hỗ trợ công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu...

Theo báo Đầu Tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến