Dòng sự kiện:
Nợ xấu, đừng hốt hoảng!
17/10/2014 14:51:54
Nợ xấu là một vấn đề lớn như bao vấn đề khác trong nền kinh tế đã được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận và đưa ra giải pháp xử lý nợ xấu. Song dường như những thông tin về nợ xấu đang tạo hiệu ứng cộng hưởng và gây ra hốt hoảng trên thị trường.
Với tần suất dày đặc của những diễn đàn, hội thảo và thông tin được phản ánh từ nhiều chuyên gia, nợ xấu đang được hiểu như là “con ngáo ộp” của nền kinh tế. Nó như là vật ngáng đường cho sự tăng trưởng của nền kinh tế và sự phục hồi của các doanh nghiệp.

Xử lý nợ xấu vẫn còn là một vấn đề hết sức nan giải

Vòng xoáy thông tin nợ xấu

Câu chuyện nợ xấu bắt đầu được nhắc đến từ năm 2011, thời điểm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu công bố con số về nợ xấu. Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu, cơ quan này đã không tạo được niềm tin của thị trường khi đưa ra 2 con số nợ xấu, một là tổng hợp từ báo cáo của các TCTD, khoảng hơn 4%; một là con số từ cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước, khoảng 8%.

Hay như gần đây nhất, tại phiên trả lời chất vấn Ủy ban thường vụ Quốc hội hồi cuối tháng 9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vẫn đưa ra hai con số, 4,11% (do tổ chức tín dụng tự báo cáo) và 8% (theo giám sát của Ngân hàng Nhà nước).

Theo số liệu từ Ngân hàng  Nhà nước, hiện tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế xấp xỉ 3 triệu tỷ đồng, nếu tỷ lệ nợ xấu là 4,11% thì số nợ xấu tương ứng với 123,3 nghìn tỷ đồng; còn nếu tỷ lệ nợ xấu là 8% con số trên là 240 nghìn tỷ đồng.

Thực tế, từ năm 2011 đến nay, thông tin về nợ xấu vẫn được cơ quan này đưa ra. Tuy nhiên sự truyền tải thông tin nợ xấu tại nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo đã tạo nên một vòng xoáy thông tin và thị trường, nhiều chuyên gia cũng bị cuốn theo vòng xoáy đó.

Cũng từ đó, nhiều hình ảnh đã được dùng để ví von về nợ xấu, như vật ngáng đường, cục máu đông… Rồi nhiều vấn đề của nền kinh tế cũng đổ lỗi cho nền kinh tế, như kinh tế tăng trưởng chậm, tín dụng thấp, sự ổn định của nền kinh tế…

Ví như tăng trưởng tín dụng chậm cũng đổ lỗi cho nợ xấu. Thực tế, nợ xấu không phải là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, mà do cơ thể của doanh nghiệp hiện tại đang yếu, “hệ tiêu hóa” của doanh nghiệp có vấn đề nên họ không thể hấp thụ được một lượng vốn lớn. Điều này được chứng minh bởi rất nhiều doanh nghiệp được chào vay với lãi suất rất thấp ngay từ đầu năm, chỉ khoảng 6%, nhưng họ từ chối không vay vì không biết vay để làm gì.

Hiệu ứng cộng hưởng của thông tin

Dường như nhiều diễn đàn nói về nợ xấu một cách vô thức. Họ nói nhiều đến nợ xấu đến mức dường như tác hại của thông tin về nợ xấu có vẻ còn lớn hơn tác hại của nợ xấu.

Thực tế, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, bộ Tài chính… đã có rất nhiều giải pháp được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước được đưa ra để xử lý nợ xấu trong điều kiện của nước ta. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nợ xấu vẫn chưa thể giải quyết.

Câu chuyện ở đây không bàn về giải pháp mà chỉ nói đến tác hại của thông tin nợ xấu đến nền kinh tế, hành vi doanh nghiệp. Đã có chuyên gia nào nhắc đến vấn đề này chưa?

Có ai đặt vấn đề về việc tín dụng tăng trưởng chậm trong thời gian qua có một phần không nhỏ từ tác động của thông tin về nợ xấu?

Thực tế, không có nhiều chuyên gia đưa ra giải pháp khả thi cho vấn đề nợ xấu, mà chủ yếu là những “cảnh báo” khó khăn khiến xã hội bị ám ảnh và đi vào tiềm thức với suy nghĩ không tích cực về nợ xấu. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp chỉ vì lo sợ những tác hại của nợ xấu đến tăng trưởng của kinh tế, khả năng phục hồi của doanh nghiệp, sức khỏe của hệ thống ngân hàng, sức cầu của nền kinh tế… mà không dám vay ngân hàng. Hành vi này khiến sức cầu của nền kinh tế càng bị suy giảm.

Chỉ là vô tình, nhưng những thông tin về nợ xấu đang gián tiếp làm cho khó khăn hiện tại của nền kinh tế, của doanh nghiệp bị cộng hưởng. Thực tế, nợ xấu là một vấn đề lớn đang tồn tại trong nền kinh tế như bao vấn đề khác như nợ công… và Ngân hàng Nhà nước cần phải có thông tin đầy đủ về nó. Nhưng thông tin như thế nào cho đúng về nợ xấu thì cần phải được tổ chức lại.

Ngân hàng Nhà nước, với vai trò là cơ quan quản lý, có trách nhiệm công bố và giải thích đầy đủ về nợ xấu cũng như diễn biến của nợ xấu. Tuy nhiên, con số nợ xấu đã chưa được cơ quan này đưa ra một cách đều đặn và cũng không giải thích thấu đáo cho thị trường thấy quá trình tăng lên của nợ xấu như thế nào, giải pháp xử lý ra sao và năng lực nội tại của hệ thống ngân hàng thế nào.

Trong khi đó, thị trường lại ngập thông tin về nợ xấu với những bình luận, những phân tích có vẻ đầy thuyết phục, khiến thị trường bị thu hút. Từ đó, niềm tin về nợ xấu với cơ quan quản lý giảm sút và đây chính là tác nhân khiến thị trường vô tình rơi vào vòng xoáy thông tin nợ xấu. Còn các chuyên gia, những người nói về nợ xấu cũng vô tình rơi vào vòng xoáy ấy.

Bởi vậy, một chiến lược công bố thông tin về nợ xấu cần phải được xây dựng. Sự thật cần phải được tôn trọng và để tạo được niềm tin của thị trường về nợ xấu, giải pháp nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước chỉ còn một cách, đó là phải lấy lại niềm tin của thị trường.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến