Thị trường chứng khoán đang chờ đợi sự trở lại của dòng cổ phiếu ngân hàng để dẫn dắt chỉ số VN-Index đi lên sau một chuỗi ngày dài điều chỉnh và đi ngang. Tuy nhiên, nếu nhìn vào triển vọng nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới, rất khó để dòng cổ phiếu vua lặp lại được lịch sử như trong giai đoạn trước tháng 7/2021.
Nợ xấu sẽ tăng mạnh vào cuối năm
Ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 14/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020, quy định việc các tổ chức tín dụng cơ cấu hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
Nội dung cơ bản sửa đổi phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí theo hướng bao gồm cả khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8/2021, thay vì chỉ bao gồm các khoản nợ phát sinh đến trước ngày 10/6/2020 theo quy định tại Thông tư 01.
Sửa đổi phạm vi cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí đối với nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022, thay cho quy định đến ngày 31/12/2021.
Đồng thời Thông tư 14 cũng tăng giới hạn thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi, phí đến ngày 30/6/2022, thay cho quy định đến ngày 31/12/2021.
Việc ban hành Thông tư 14 là nhằm hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, từ đó ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng của các ngân hàng.
Điều này được minh chứng khi CEO của một công ty thu hồi nợ lớn trên thị trường hiện nay cho biết, trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra công ty ông làm không hết việc do các ngân hàng giao việc rất nhiều cho công ty ông.
Thế nhưng, kể từ khi dịch bệnh diễn ra thì gần như các ngân hàng không thuê công ty ông đòi nợ nữa, vì theo qui định nói trên của NHNN thì các khoản nợ xấu được giãn đến tận tháng 6 năm sau.
Tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế Quốc hội hôm 29/9, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã phác họa một bức tranh rõ nét hơn về tình hình nợ xấu của các ngân hàng thương mại ở thời điểm hiện tại và dự báo triển vọng của nợ xấu tính tới thời điểm cuối năm nay.
Lãnh đạo NHNN cho biết: “Khi Covid-19 đến trong năm 2020 và đặc biệt năm 2021, NHNN đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn”.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn của hệ thống ngân hàng vào cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức từ xấp xỉ 8%. Con số này là rất cao nếu so sánh với tỷ lệ 3,81% (tính cả nợ đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn) của năm 2020 và 4,43% của năm 2019.
Cửa tăng của cổ phiếu ngân hàng sẽ ra sao?
Nếu xét về triển vọng kinh doanh của các ngân hàng, giới chứng khoán đều thống nhất nhận định, mặc dù doanh thu và lợi nhuận của các ngân hàng vẫn ở mức vượt trội so với nhiều lĩnh vực kinh tế khác, nhưng vẫn không đủ để dòng cổ phiếu vua làm nên câu chuyện thần kỳ như thời gian trước, kể cả sau thời gian dài điều chỉnh vừa qua.
Lý do được đưa ra là theo lời kêu gọi của Chính phủ, các ngân hàng đều đồng loạt cam kết hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp trong đại dịch. Việc này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của các ngân hàng.
Đó là chưa nói tới việc do dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nên tín dụng của các ngân hàng cũng không thể tăng cao được, trong khi tín dụng đang chiếm tới khoảng 90% thu nhập của các ngân hàng thương mại.
Trong bối cảnh nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng mạnh, qua đó ảnh hưởng tới chất lượng tài sản và khả năng sinh lời của các ngân hàng thì việc giá cổ phiếu ngành này tăng giá và trở thành đầu tầu dẫn dắt sự tăng trưởng của chỉ số VN-Index là rất khó xảy ra, mặc dù tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng có thể gia tăng trong giai đoạn mở cửa nền kinh tế hậu giãn cách xã hội.
Vì thế, các chuyên gia chứng khoán đều thống nhất nhận định, nếu nhóm cổ phiếu ngân hàng không thể tăng giá trong thời gian tới để dẫn dắt chỉ số thì thị trường cũng khó có cơ hội để bứt phá.
Tác giả: Vũ Phong
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy