Nợ xấu “phình to” so với đầu năm
Kết thúc năm 2023, nợ xấu vẫn là “nỗi đau chung” đối với nhiều ngân hàng khi tỉ lệ nợ xấu gia tăng, việc tăng cường trích lập dự phòng bào mòn lợi nhuận của nhiều nhà băng.
Cụ thể, kết quả kinh doanh của 28 ngân hàng thương mại trong năm 2023 cho thấy, tổng dư nợ xấu toàn ngành tại thời điểm cuối năm Nhâm Dần là 194.968 tỷ đồng, tăng 40,5% so với đầu năm. Đáng nói, có tới 27/28 ngân hàng có tổng nợ xấu đi lên so với hồi đầu năm.
Tại nhóm ngân hàng quốc doanh, tổng dư nợ xấu của BIDV là 22.229 tỷ đồng, dù đã cải thiện đáng kể so với 3 quý trước đó, tuy nhiên vẫn tăng 22,9% so với hồi đầu năm.
Tổng nợ xấu của VietinBank tăng gần 5% từ 15.824 tỷ đồng cuối năm trước lên 16.608 tỷ đồng vào cuối tháng 12/2023. Dù vậy tỉ lệ nợ xấu của nhà băng vẫn giảm từ 1,24% xuống 1,13%.
Vietcombank khép lại năm 2023 với tổng nợ xấu 12.454 tỷ đồng, tăng 59% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 4,1 lần lên 1.737 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng gần 3,7 lần lên gần 2.877 tỷ đồng. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 0,68% đầu năm lên 0,98%.
Nhóm ngân hàng TMCP tư nhân cũng chung cảnh ngộ khi ACB khép lại năm Quý Mão với tổng nợ xấu của ACB tại ngày cuối cùng của năm ghi nhận ở mức 5.887 tỷ đồng, tăng 93% so với hồi cuối năm 2022. Trong đó, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng mạnh nhất, gấp 2,3 lần năm trước lên gần 1.049 tỷ đồng. Kéo theo đó là tỉ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 0,74% lên 1,22%.
Tại BacABank, tổng nợ xấu của nhà băng là gần 916 tỷ đồng tăng 78% so với năm 2022 chủ yếu do nợ nhóm 3 của nhà băng 305% lên gần 171 tỷ đồng; nợ nhóm 4 cũng tăng 4,6 lần từ gần 50 tỷ đồng lên tới gần 230 tỷ đồng. Đẩy tỉ lệ nợ xấu/dư nợ vay của nhà băng tăng từ 0,55% đầu năm lên 0,92%.
Còn tại PGBank, tổng nợ xấu của nhà băng tại thời điểm cuối năm 2023 là 905 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm trước. Chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 3 lần so với năm trước lên 189,2 tỷ đồng. Kết quả, lệ nợ xấu/dư nợ vay xấp xỉ đầu năm ở mức 2,56%.
Về chất nợ vay tại BVBank, tại ngày cuối cùng của năm 2023, tổng nợ xấu là 1.915 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 2,79% lên 3,31%. Trong đó, nhóm có khả năng mất vốn vượt nghìn tỷ đồng.
Vietbank là ngân hàng duy nhất có tổng dư nợ xấu nội bảng sụt giảm trong năm 2023 với tổng nợ xấu của hơn 2.071 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu giảm từ mức 3,65% đầu năm xuống còn 2,56%
Trước bối cảnh nợ xấu gia tăng, các ngân hàng có xu hướng gia cố bộ đệm chi phí dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, điều đó cũng phần nào khiến lợi nhuận đi lùi so với năm trước. Đơn cử, BVBank gia tăng chi phí dự phòng rủi ro 23% lên 276 tỷ đồng, kéo lùi lợi nhuận giảm 84% so với năm trước; chi phí dự phòng rủi ro của PGBank tăng mạnh 75,1% lên 91 tỷ đồng, bào mòn lợi nhuận giảm gần 30% so với năm 2022…
Dự kiến đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2024
Đưa ra dự báo về nợ xấu trong năm 2024, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, nợ xấu có thể đạt đỉnh vào cuối quý I hoặc quý II/2024.
Đặc biệt, khi Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về việc giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp sẽ hết hiệu lực vào tháng 6/2024, tỉ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống có thể tăng đột biến bởi các khoản nợ sẽ bắt đầu nhảy nhóm.
Theo ông Huân, NHNN cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc có gia hạn Thông tư 02 đồng thời minh bạch các con số về nợ xấu ngân hàng để nhà đầu tư có kỳ vọng hợp lý vào tình hình của hệ thống ngân hàng hiện tại, tránh việc tạo ra những cú sốc tâm lý gây tác động xấu đến hệ thống. Nên tập trung vào xử lý nợ xấu một cách đúng nghĩa chứ không phải là che đi con số thực tế.
Theo ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank, việc tiếp tục kéo dài Thông tư 02 sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nền kinh tế lớn giảm lãi suất, tốc độ hồi phục của nền kinh tế từ nay đến hết tháng 6, triển vọng phát triển kinh tế… Trong tình huống nền kinh tế chưa thể phục hồi, doanh nghiệp không thể trả nợ, việc xem xét kéo dài Thông tư 02 là cần thiết.
Ông Thành nhận định, tỉ lệ nợ xấu trong năm 2024 sẽ vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các ngân hàng. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng nửa đầu năm sẽ là thời điểm ngân hàng sẽ tập trung vào việc gia cố bộ đệm dự phòng để tăng cường xử lý nợ xấu vào nửa cuối năm 2024, khi tình hình kinh tế được dự báo tốt hơn.
Nói về hướng giải quyết nợ xấu, ông Huân chỉ ra 2 vấn đề cần quan tâm là: Dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp và thanh lý tài sản đảm bảo.
Để xử lý dòng tiền để doanh nghiệp có thể trả nợ thì các biện pháp kích cầu. Khi doanh nghiệp có đơn hàng, hợp đồng, hoạt động kinh doanh bình thường trở lại thì sẽ có nguồn tiền trả nợ.
Thứ hai là việc thanh lý tài sản đảm bảo. Hiện, hơn 90% tài sản đảm bảo của ngân hàng là bất động sản. Chính vì thế, thị trường bất động sản đóng băng cũng sẽ gây không ít khó khăn trong việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng.
Vì vậy, để xử lý nợ xấu một cách gián tiếp, cần có các chính sách để hỗ trợ và giúp khơi thông nguồn vốn ở thị trường này, kèm theo đó là cần thay đổi các quy định về phát mãi tài sản đảm bảo theo hướng tinh gọn và rút ngắn thời gian hơn so với hiện tại. Điều này giúp ngân hàng xử lý nợ xấu nhanh hơn và khơi thông nguồn vốn tồn đọng từ các nợ xấu này.
Ông Thành thì cho rằng, điều quan trọng nhất đối với việc xử lý nợ xấu vẫn là tăng cường trích lập dự phòng ở các ngân hàng.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy