Dòng sự kiện:
Nợ xấu ngân hàng tăng cao, vì đâu nên nỗi?
17/11/2023 09:55:01
Chuyên gia kinh tế nhận định, từ nay đến cuối năm, nợ xấu sẽ còn tiếp tục gia tăng. Về trung hạn, hệ thống ngân hàng cần có chiến lược xử lý nợ xấu bài bản.

Nợ nghi ngờ tăng bằng lần

Thống kê tại số liệu Báo cáo tài chính quý III/2023, tính đến ngày 30/9/2023, tổng nợ xấu tại 28 ngân hàng thương mại rơi vào khoảng 210.238 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm.

Đáng chú ý, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tại một số ngân hàng tăng bằng lần như Bac A Bank tăng 3,8 lần, Eximbank tăng 3,2 lần,…

Trong khi đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ở nhiều ngân hàng lại có chiều hướng giảm như VIB giảm 46% còn 1.309 tỷ đồng; ABBank giảm 40% còn 842 tỷ đồng; Kienlongbank giảm 36% còn 413 tỷ đồng…

Nhiều ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu/dư nợ vượt ngưỡng 3% như: VPBank (5,74%), VietBank (4,06%), BVBank (3,56%), SHB (3,21%)…

Theo đó, kết thúc quý III, tổng nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh 119%, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 69% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng thấp nhất với 12%.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết, nợ xấu hiện nay đa phần bắt nguồn từ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đại dịch Covid 19 đi qua đã đẩy rất nhiều doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn, đặc biệt những doanh nghiệp quy mô lớn về xuất khẩu hay những ngành dịch vụ vận tải vận chuyển.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy liên tục làm cho nền kinh tế rơi vào tình trạng sản xuất bị đình trệ, dẫn đến tồn kho lớn, không bán được hàng.

Đáng buồn hơn, kể từ sau đại dịch, nền kinh tế chưa kịp “khép miệng vết thương” thì liên tiếp những cuộc khủng hoảng kéo dài trong khoảng thời gian từ năm 2020 tới hiện tại lại một lần nữa đưa doanh nghiệp vào ải khổ.

Kinh tế toàn cầu rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản kéo dài khiến cho đa phần doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng thanh khoản vô vùng khó khăn.

Xung đột Nga - Ukraine nổ ra khiến cho các cuộc khủng hoảng lớn như khủng hoảng năng lượng bùng phát và kéo dài cho đến bây giờ.

Năm 2022, “cú đấm bồi” khủng hoảng về trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản lại một lần nữa khiến các doanh nghiệp điêu đứng.

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp Học viên Tài chính, một lí do nữa khiến nợ xấu tăng cao là do kể từ năm 2020, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được giãn, hoãn nợ, khoanh nợ, không nâng nhóm nợ xấu cho các doanh nghiệp.

Như vậy, các doanh nghiệp không trả được nợ, phải khoanh nợ trong tương lai gần như đều sẽ trở thành nợ xấu.

“Tấm khiên” dự phòng rủi ro bị bào mòn

Dù nhiều ngân hàng đã tích cực gia cố tấm khiên - bộ đệm dự phòng rủi ro, nhưng do tốc độ tăng nhanh của nợ xấu nên kết quả, trong quý III, có đến 27 nhà băng có tỉ lệ bao phủ nợ xấu giảm so với đầu năm nay, ngân hàng lớn cũng không ngoại lệ.

Theo thống kê tại 28 ngân hàng đã báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2023, tổng số dư dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng 16,7% so với đầu năm 2023, lên gần 200.000 tỷ đồng.

BaoVietBank là ngân hàng hiếm hoi ghi nhận tỉ lệ bao phủ nợ xấu tăng tăng 0,8% so với đầu năm lên 30%.

Ở chiều ngược lại, những nhà băng có tỉ lệ bao phủ nợ xấu giảm mạnh nhất là MB giảm 116,1%; TPBank giảm 88%; LPBank giảm 74,6%, Sacombank giảm 66,8%, ACB giảm 64,7% và Techcombank giảm 64,3% so với hồi đầu năm.

Niềm an ủi đối với các ngân hàng là tỉ lệ bao phủ dự phòng rủi ro sau 9 tháng vẫn ở mức khá cao. Trong đó, MB đạt 122%, ACB đạt 94,6%, Techcombank đạt 93%, LPBank đạt 67%, Sacombank đạt 64,2% và TPBank đạt 47%.

Chung cảnh ngộ với các nhà băng trên, BIDV, Vietinbank, Bac A Bank cũng có tỉ lệ bao phủ nợ xấu giảm trong 9 tháng đầu năm nay, với mức giảm lần lượt 58,5%, 15,9% và 59,6%.

Dù vậy, tỉ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng này vẫn ở mức tương đối cao. Trong đó Vietinbank đến cuối quý III/2023 đạt 172,4%, BIDV đạt 158,4% và Bac A Bank đạt 144,2% so với đầu năm nay.

Dù đã giảm gần 50% so với đầu năm, Vietcombank vẫn là ngân hàng có tỉ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất trong ngành khi đạt mức hơn 270% tại thời điểm kết thúc tháng 9.

Tuy nhiên, nếu so với cuối năm 2022, khi có 10 ngân hàng đạt tỉ lệ bao phủ nợ xấu vượt ngưỡng 100%, thì sang đến thời điểm cuối tháng 9 năm 2023, chỉ còn 5 nhà băng vượt ngưỡng này là Vietcombank, MB, Vietinbank, BIDV, Bac A Bank.

Nợ xấu không thể được cải thiện nhanh

Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng trong bối cảnh hiện tại, hệ thống ngân hàng cần có chiến lược xử lý nợ xấu bài bản, dài hạn.

Chuyên gia đưa ra khuyến nghị, các ngân hàng cần tái cấu trúc tài sản, cấu trúc lại khách hàng của mình, có những chính sách để đối xử với từng nhóm khách hàng một cách thoả đáng.

Dự đoán về diễn biến nợ xấu ngành ngân hàng trong thời gian tới, ông Nghĩa cho rằng, nợ xấu không thể được cải thiện nhanh, đó là vấn đề trung hạn.

Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần thời gian để hồi phục, họ phải gặp được những khách hàng mới, dự án mới, đơn hàng mới. Tuy nhiên, trong thời gian tới, doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục vấp phải khó khăn.

Đơn cử, việc báo cáo giảm phát thải nhà kính của châu Âu hay đánh thuế carbon của Singapore có thể khiến doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào thế khó.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế nhận định, từ nay đến cuối năm, nợ xấu sẽ còn tiếp tục gia tăng.

Nguyên nhân có thể kể đến là do năm nay một số doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh bị thiếu đơn hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh không tốt, nên việc vay nợ, trả nợ gặp khó khăn. Khi nợ đến hạn mà doanh nghiệp không có khả năng chi trả, việc nâng nhóm nợ là khó tránh khỏi.

Tác giả: Thu Hương

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến