Ghi nhận mức nợ xấu tiến sát 18%
Thống kê tại số liệu Báo cáo tài chính quý IV/2022 của 27 ngân hàng cho thấy, tổng số dư nợ xấu các ngân hàng đến thời điểm 31/12/2022 đã tăng đến 35% so với cuối năm trước, lên trên 136.400 tỷ đồng.
Xét về số dư nợ xấu, mặc dù là một trong những nhà băng có lợi nhuận hơn 20.000 tỷ đồng nhưng VPBank tiếp tục là nơi có dư nợ xấu cao nhất trong hệ thống với hơn 25.100 tỷ đồng.
Trong đó, phần lớn đến từ công ty tài chính tiêu dùng FE Credit, còn nợ xấu của ngân hàng mẹ tính đến ngày 31/12 chỉ hơn 10.000 tỷ đồng.
Đứng sau VPBank là 2 “ông lớn” ngân hàng BIDV và Vietinbank với quy mô nợ xấu lần lượt ở mức 17.622 tỷ đồng và 15.796 tỷ đồng, tăng 30% và 10% so với cuối năm ngoái.
Những ngân hàng có nợ xấu nội bảng cao trong hệ thống còn bao gồm SHB, NCB, Vietcombank, VIB, MB, HDBank và Sacombank. Số dư nợ xấu của 10 ngân hàng này chiếm hơn 104.000 tỷ đồng, tương đương 76% tổng nợ xấu của 27 ngân hàng đã thống kê.
Ở chiều ngược lại, những ngân hàng có số dư nợ xấu giảm bao gồm Sacombank giảm 25% còn 4.299 tỷ đồng, BacABank giảm 24% còn 500 tỷ đồng và VietABank giảm 7% còn 955 tỷ đồng.
Xét về tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay, NCB đang là nhà băng sở hữu tỉ lệ này cao do ngân hàng thực hiện phân loại lại nợ xấu, nợ quá hạn theo đúng tình trạng khoản nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là sau khi Thông tư 14/2021 hết hạn.
Một số ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu vượt mức 2% lần lượt là VPBank 4,73%, VietBank 3,65%, ABBank 2,88%, VietCapital Bank 2,79%, PGBank 2,56%, SHB 2,53%, VIB 2,45%, OCB 2,23%, SaigonBank 2,12%.
Những ngân hàng sở hữu tỉ lệ nợ xấu thấp dưới 1% chỉ có 6 đơn vị là Techcombank, Vietcombank, ACB, TPBank, Bắc Á Bank và Sacombank.
Bộ đệm dự phòng có đủ chống đỡ?
Khi nợ xấu tăng cao, nhiều ngân hàng phải cũng phải gia tăng chiến lược trích lập dự phòng rủi ro. Khả năng chống chịu trước nợ xấu của từng nhà băng sẽ tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng trong việc trích lập dự phòng.
Cũng thống kê từ báo cáo tài chính quý IV/2022 của 27 ngân hàng, tổng mức trích lập dự phòng trong năm 2022 tăng gần 16% so với cuối năm trước đạt gần 167.894 tỷ đồng.
Trong đó, tuy Vietcombank tiếp tục là quán quân về tỉ lệ bao phủ nợ xấu với 317% (tức cứ mỗi đồng nợ xấu, Vietcombank sẽ dành ra 3,17 đồng dự phòng) nhưng con số này lại giảm mạnh gần 25% so với năm ngoái.
Ông lớn này dành ra 24.779 tỷ đồng để dự phòng rủi ro cho vay khách hàng trong năm 2022, giảm 4% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, 2 ông lớn trong nhóm Big4 khác là BIDV và Vietinbank lại tăng cường dự phòng rủi ro. Theo đó, BIDV dẫn đầu ngành ngân hàng khi đưa mức trích lập lên đến 38.198 tỷ đồng trong năm 2022, tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với năm trước đó.
Tại VietinBank, tính đến 31/12/2022, dự phòng rủi ro khách hàng đạt 29.764 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021, đưa tỉ lệ bao phủ nợ xấu tăng 8% lên 188%.
Một ngân hàng khác có tỉ lệ bao phủ nợ xấu thuộc top đầu ngành là MB với 238% khi đã tăng mạnh 37% dự phòng rủi ro tín dụng, lên đến 11.975 tỷ đồng.
Tuy vậy, VPBank mới là ngân hàng có số dư bộ đệm dự phòng cao nhất nhóm ngân hàng tư nhân với 13.675 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước. Song, tỉ lệ bao phủ dự phòng của nhà băng này lại thuộc mức thấp với 54%, giảm 7% so với 31/21/2021.
Về mức độ tăng trưởng chỉ tiêu dự phòng, Kienlongbank, SHB và LienVietPostBank lại là đơn vị tăng mạnh nhất, với mức tăng đều trên 50%.
Các ngân hàng ghi nhận giảm dự phòng rủi ro trong năm 2022 hầu hết có tỉ lệ nợ xấu thấp và giảm đáng kể gồm Sacombank giảm 19%, MSB giảm 15%, Nam A Bank giảm 3%, Bac A Bank và Eximbank giảm 4% và Vietbank giảm 32%.
Trong số đó, chỉ Vietbank có tỉ lệ nợ xấu lên đến 3,65%, cùng với việc giảm bộ đệm dự phòng khiến tỉ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng cũng giảm xuống nhóm thấp nhất hệ thống với chỉ 27%.
Tại ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu lớn nhất là NCB, dù đã tăng dự phòng rủi ro đến 39% nhưng tỉ lệ bao phủ nợ xấu tính đến cuối quý IV/2022 mới chỉ ở mức thấp nhất ngành với 11%, tức với mỗi đồng nợ xấu, ngân hàng mới chỉ có 0,11 đồng để dự phòng.
Các đơn vị khác có tỉ lệ bao phủ nợ xấu dưới 50% bao gồm ABBank 43%, PGBank 16% hay Saigonbank 47%.
Gia tăng ngân hàng tổn thương bởi nợ xấu
Báo cáo mới đây của WiGroup cho biết dự phòng cho vay khách hàng trong quý IV/2022 đã giảm 11% so với quý trước.
Mức giảm phân bố tập trung chính tại các NHTM Nhà nước với quy mô khoảng 25.700 tỷ đồng (giảm 22% so với quý trước), chủ yếu được dùng để xử lý các nhóm nợ xấu, đặc biệt là nhóm nợ cấp 5, tiêu biểu như tại các ngân hàng BIDV và VietinBank.
Trừ nhóm ngân hàng dự phòng rủi ro lớn hơn 100% gần như không đổi thì tỉ lệ các ngân hàng có LLR nhỏ hơn 50% trong cơ cấu đã tăng gần 2,5 lần so với cuối năm ngoái, chiếm 17%.
Điều này cho thấy số lượng các ngân hàng dễ bị tổn thương bởi nợ xấu đang tăng lên. Đây sẽ là nhóm vào diện rủi ro trong năm sau khi tình hình vĩ mô trở nên kém tích cực.
Còn theo Báo cáo FiinRatings, lợi nhuận của các ngân hàng có mức điểm xếp hạng tín nhiệm sơ bộ thấp bị ăn mòn gần như toàn bộ bởi các chi phí dự phòng, trong khi tỉ lệ đòn bẩy lại cao hơn hẳn so với các ngân hàng khác.
Các ngân hàng này cũng ít có lợi thế về chi phí vốn do không thu hút được tiền gửi không kỳ hạn từ khách hàng mà phải phát hành trái phiếu và huy động tiền gửi với lãi suất cao so với các ngân hàng lớn, dẫn đến việc biên lãi thuần chỉ ở mức khoảng 2%.
Dự kiến trong năm 2023, FiinRatings cho rằng, biên lãi thuần của các ngân hàng có khả năng bị thu hẹp khi lãi suất huy động tăng mạnh hơn lãi suất cho vay.
Tác giả: Lê Thanh Hồng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy