Dòng sự kiện:
Nợ xấu VietCapital Bank tăng 13,8% trong 9 tháng
28/10/2022 10:28:58
Trong tổng nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của Ngân hàng Bản Việt đã tăng 18,6% so với cuối năm 2021, lên 977 tỷ đồng và chiếm 68,5% tổng số dư nợ xấu của ngân hàng.

Kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) trong quý III/2022 cho thấy ngân hàng này đạt thu nhập lãi thuần quý III là 462 tỷ đồng, thu nhập lãi thuần lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1.323 tỷ đồng.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ quý III đạt 15,6 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt hơn 76 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối quý III là hơn 36 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng gần 66 tỷ đồng. 

Trong quý III, ngân hàng bị lỗ hơn 8 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư và lỗ lũy kế gần 10 tỷ đồng từ nghiệp vụ này trong 9 tháng đầu năm.

Kết quả lợi nhuận sau thuế quý III/2022 đạt 54,5 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 41% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 đạt 338 tỷ đồng, tăng 9,7% cùng kỳ.

VietCapital Bank hiện có vốn chủ sở hữu 4.940 tỷ đồng, tổng tài sản 77.556 tỷ đồng.

VietCapitalBank ghi nhận lợi nhuận tăng khá trong quý III/2022 nhưng do cắt giảm mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. (Nguồn: BCTC).

Tại ngày 30/9/2022, ngân hàng có số dư tiền gửi khách hàng là 43.387 tỷ đồng, giảm so với con số 45.245 tỷ đồng thời điểm đầu năm 2022. Trong khi đó, số dư cho vay khách hàng trước trích lập dự phòng là 50.852 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng hơn 9,6% so với đầu năm 2022. Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng là 798 tỷ đồng, tăng 13,8% so với đầu năm.

Trong cơ cấu các nhóm nợ, nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) có số dư là 48.671 tỷ đồng, tăng khoảng 9% so với đầu năm, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân của ngân hàng này.

Trong khi đó, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý), nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đều có tốc độ tăng nhanh hơn tăng trưởng dư nợ bình quân. Cụ thể, số dư nợ nhóm 2 là 755 tỷ đồng, tăng gần 30%; nợ nhóm 4 là 266 tỷ đồng, tăng 43%; nợ nhóm 5 là 977 tỷ đồng, tăng gần 19%.

Nhiều năm qua, lợi nhuận của VietCapitalBank chỉ quanh ở mức 100-250 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, phần lớn các ngân hàng trong hệ thống có lợi nhuận trên nghìn tỷ đồng. Một số ngân hàng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng trong năm 2021 như: BIDV, VietinBank, MBBank, Techcombank, VPBank, Vietcombank.

VietCapitalBank hiện có quy mô vốn điều lệ gần 3.671 tỷ đồng, cũng thuộc top cuối.

VietCapitalBank ghi nhận tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác giảm 4.000 tỷ đồng so với cuối 2021 xuống còn 10.907 tỷ đồng.

Tính tới cuối quý III, Ngân hàng Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng giảm số lượng nhân viên xuống còn 2.082 người, so với mức 2.406 người hồi cuối 2021.

Trong năm 2022, Ngân hàng Bản Việt đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 450 tỷ, tăng 44% so với năm 2021. 

Giá cổ phiếu BVB đang ở đáy 3 năm sau khi giảm từ mức khoảng 27.000 đồng/cp hồi cuối tháng 11/2021 xuống còn 9.200-9.600 đồng/cp như hiện tại. Vốn hóa của VietCapitalBank bốc hơi khoảng 7.000 tỷ đồng.

Gần 1 tháng qua, các ngân hàng vào cuộc đua tăng lãi suất. VietCapitalBank lọt nhóm các ngân hàng nâng lãi suất huy động lên mức cao nhất, với 8,9%/năm.

Ngân hàng Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng có nhiều thay đổi sau hơn 8 năm bà Phượng rời vị trí chủ tịch. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng về quy mô của BVB rất chậm so với các ngân hàng khác.

Bảo Khánh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến