Nỗi lo của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh Bia về cách tính Thuế tiêu thụ đặc biệt
13/07/2015 08:03:08
ANTT.VN – Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bia đang phải xem xét lại cơ cấu sản xuất trước đề xuất của Bộ Tài chính về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian tới.

Theo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã được Quốc hội khóa XIII thông qua, mặt hàng “bia, rượu” được quy định với mức chịu thuế: từ 1-1-2016 là 55%, từ 1-1-2017 là 60%, từ 1-1-2018 là 65%. Như vậy, lộ trình Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành bia trong 3 năm tới sẽ tăng 5% mỗi năm. Đồng thời, Giá tính thuế là Giá cơ sở sản xuất bán ra, mức khống chế giá bán không quá 10%.

Ngày 11 – 5 – 2015, Bộ Tài chính có công văn số 6041/BTC-CST về việc “Lấy ý kiến về dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật số 70/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt” khiến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia không khỏi hoang mang.

huong-dan-luat-thue-tieu-thu-dac-biet

Hội nghị Góp ý Dự thảo Nghị định Hướng dẫn Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (ảnh: H.H)

Ngày 29 tháng 5 năm 2015, Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Tham khảo, đóng góp thêm ý kiến cho Dự thảo Nghị định” với sự tham gia của Đại diện của Văn phòng Chính phủ, các bộ Tài chính, Công Thương, Kế hoạch Đầu tư, và đa số các doanh nghiệp bia rượu là thành viên của Hiệp hội.

Tăng giá tính thuế

 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 70/2014/QH13 và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt “đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra”. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành lại đề xuất “ Giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do các công ty con, công ty liên kết bán ra thị trường”. Như vậy, Luật quy định một đường, Dự thảo Nghị định lại hướng dẫn một nẻo.

Lo lắng trước Dự thảo Nghị định, Đại diện Nhà máy bia châu Á – Thái Bình Dương (Hà Nội), ông Bùi Thanh Sơn cho biết: “Với việc tăng thuế tiêu thụ ngành bia lên 5% mỗi năm, các doanh nghiệp hiện nay đang xem xét lại cơ cấu sản xuất để điều chỉnh phù hợp trong 3 năm tới, đảm bảo sản xuất kinh doanh có thể duy trì và kiểm soát được. Thêm vào đó, việc tính thuế tiêu thụ dựa trên giá của các công ty con, công ty liên kết bán ra thị trường là chưa phù hợp với luật thuế tiêu thụ hiện hành; điều này vô hình chung làm cho công tác kê khai thuế của doanh nghiệp trở nên phức tạp, gây phiền hà cho công tác thực hiện của đơn vị cũng như cơ quan thuế. Thông thường doanh nghiệp sản xuất không thể kiểm soát giá bán của các công ty thương mại và đại lí bán lẻ. Nếu doanh nghiệp sản xuất kiểm soát giá bán của các công ty này là trái với quy định”.

các-doanh-nghip-xem-xet-lai-co cau-san-xuat

Các doanh nghiệp bia đang xem xét lại cơ cấu sản xuất trước Dự thảo Nghị định về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (nguồn: Internet)

Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Xuân Dũng – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) trần tình: Cách tính giá thuế tiêu thụ đặc biệt theo các cơ sở kinh doanh thương mại, các công ty con, công ty liên kết sẽ tiềm ẩn rất nhiều rắc rối đối với doanh nghiệp sản xuất. Do vậy, cần đảm bảo cân bằng về mặt cơ chế chính sách cho phù hợp. Bộ Tài chính lo ngại có sự chuyển giá từ khâu sản xuất sang khâu tiêu thụ để giảm giá tiêu thụ đặc biệt và giảm nghĩa vụ Nộp ngân sách nhà nước của các cơ sở. Thực tế, những năm qua các công ty con không thể tự quyết định giá bán vượt mức khống chế của công ty mẹ và lợi nhuận của công ty con và công ty mẹ đều được hoạch toán đầy đủ. Vì thế, ngân sách nhà nước không bị thất thu vì những chệnh lệch giá bán của sản xuất và giá bán của các công ty con làm nhiệm vụ phân phối; Nhà nước còn khống chế mức chênh lệch giá bán từ sản xuất và giá bán từ các cơ sở kinh doanh thương mại.

Mặt khác, việc kê khai, quyết toán thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cơ sở sản xuất trong nước trên cơ sở giá bán của các công ty con và công ty liên kết rất phức tạp, khó khăn. Điều này trái với chủ trương, định hướng của nhà nước về đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kê khai, nộp thuế. Hơn nữa, quy định như trong Dự thảo Nghị định là không khuyến khích chuyên môn hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phân phối hàng hóa, phát triển thị trường, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, không phù hợp với kinh tế thị trường…

Thu hẹp mức khống chế giá bán

Luật thuế tiêu thụ đặc biệt quy định “giá căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt của cơ sở sản xuất bị khống chế không được thấp hơn 10% giá bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định lại khống chế mức giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt “không được thấp hơn 5% so với giá bán cao nhất của cơ sở kinh doanh thương mại”.

Cho rằng với việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt như vậy sẽ ảnh hưởng đến tính chuyên môn hóa của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bia, bà Vân Anh, phía Công ty CP bia Carlberg trao đổi: “Sẽ dẫn đến rủi ro kê khai thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất bia nếu dùng giá của một công ty bia thương mại bất kỳ, chúng tôi không thể kiểm soát được giá bán là bao nhiêu. Trước đây, tỷ lệ 10% đã là quá nhỏ cho các công ty thực hiện chức năng thương mại, với mức thu hẹp chỉ còn 5% các công ty sẽ không đủ khả năng để chi phí. Điều đó dẫn tới các doanh nghiệp sản xuất sẽ phải rút bớt một phần chi phí của mình. Như vậy, tính chuyên môn hóa đang hướng tới trong ngành không còn”.

Thực tế, do tính chuyên môn hóa cao trong ngành sản xuất rượu bia nên các cơ sở thương mại phải thực hiện các chức năng vận chuyển, phân phối, đào tạo đội ngũ nhân viên bán hàng, quảng cáo, khuyến mại, phát triển thị trường, dịch vụ khách hàng…, các chi phí đó rất lớn chiếm tới 9-10% giá bán sản phẩm. Hơn nữa, việc tính thuế đối với cơ sở sản xuất sẽ gặp trở ngại, khó khăn khi phải kiểm soát giá bán cao nhất của cơ sở kinh doanh thương mại do quan hệ giữa công ty sản xuất và phân phối là độc lập. Do đó, việc quy định mức khống chế 5% sẽ không đủ bù đắp các chi phí cho hoạt động thương mại bán hàng, phát triển thị trường của doanh nghiệp, từ đó, làm giảm sự cạnh tranh của doanh nghiệp trong hội nhập.

Trước những thắc mắc của các doanh nghiệp, ông Hùng Vương Nam – Trưởng phòng thuế giá trị gia tăng – Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: “5% được tính theo giá bán của đại lí cấp một, đại lí độc lập không có quan hệ với đơn vị nộp thuế. Chúng tôi cũng đang cân nhắc sửa ngôn từ trong dự thảo Nghị định minh bạch hơn để các đơn vị nộp thuế trên một mặt bằng phù hợp”.

Trao đổi với An ninh Tiền tệ và Truyền thông (ANTT.VN), PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam cho rằng ngành sản xuất bia hiện nay đang thực hiện theo quy hoạch dưới sự quản lí của các cơ quan bộ ngành rất tốt, song, để thực hiện một chủ trương cần xem xét kĩ lưỡng, cân nhắc cái được và cái tồn tại.

Hoàng Hà
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến