Dòng sự kiện:
Nông dân Hà Tĩnh điêu đứng vì mất mùa giống lúa Thiên ưu 8
17/05/2017 19:31:28
Một năm qua, người dân Hà Tĩnh đã phải gồng mình chống chọi với bao phen thử thách. Sự cố môi trường biển cá chết đồng loạt, nhiều cơn bão, lũ ập xuống cuốn trôi nhà cửa, mùa màng, đến việc lợn rớt giá ế ẩm ứ đọng trong chuồng vag nay là nạn mất mùa vì hàng ngàn ha lúa vụ xuân sắp sửa thu hoạch bị bệnh đạo ôn hoành hành trên diện rộng, chủ yếu giống lúa Thiên ưu 8...
Thiên ưu cấy đâu mất đấy!

Vụ đông xuân năm nay, nông dân Hà Tĩnh sản xuất trên 58.000 ha lúa, trong đó giống lúa Thiên ưu 8 chiếm đến trên dưới 20 ngàn ha kể cả số diện tích nông dân tự sản xuất.

Nói về thiệt hại do bệnh đạo ôn cổ bông gây ra, có thể khẳng định, hầu hết 100% số diện tích giống Thiên ưu 8 đều mất trắng ở các huyện. Cẩm Xuyên 3.300ha, Thạch Hà 3.300ha, Can Lộc 2.689ha, Đức Thọ 2.068ha, Hương Sơn 2.279ha… Theo phán ánh của người dân, chúng tôi đã đi thực tế 6 huyện trung du, đồng bằng - những vùng sản xuất lúa Thiên ưu 8 nhiều nhất.

Thôn Thọ thuộc xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do giống lúa Thiên ưu 8 gây ra. Ông Lê Hai Thanh – trưởng thôn Thọ cho biết, thôn có tổng diện tích gieo cấy gần 60ha, trong đó giống Thiên ưu 8 chiếm đến 80%, vì thế nhiều gia đình điêu đứng vì cảnh mất trắng.

Hàng ngàn hecta lúa ở Hà Tĩnh bị bệnh đạo ôn

Một nông dân bức xúc: “Chúng tôi là người dân, nỏ (chẳng) biết mô (đâu) mà lần, khi nghe cán bộ tuyên truyền, Thiên ưu 8 là giống lúa cao sản, kháng trừ sâu bệnh nhất là bệnh đạo ôn, dân chúng tôi nghe theo bỏ tiền ra mua  33.000 đồng/kg giống về gieo cấy. Nhưng nay bị bệnh đạo ôn cổ bông nên mất hết, mùa mất biết lấy chi mà ăn đây?”

Chúng tôi tiếp tục tới xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tại đây nhiều hộ nông dân cũng trắng tay khi chỉ gieo cấy một giống lúa Thiên ưu 8.

Bà Nguyễn Thị Lương, trú thôn Tam Đồng nói: “Gia đình tôi được chính quyền hỗ trợ một phần giống Thiên ưu 8, rồi tự mua thêm mấy kg nữa để gieo cấy trên diện tích 5 sào thì mất trắng cả. Giờ trong nhà chẳng có một hạt lúa nào cất giữ để sống qua ngày”.

Cùng chung hoàn cảnh, nhiều người dân Cẩm Vịnh lo lắng khi không biết kiếm đâu ra tiền mà mua lúa để dự trữ.

Người dân điêu đứng trước cảnh mất mùa, thiếu đói

Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Cẩm Vĩnh cho hay, xã Cẩm Vĩnh có 330ha diện tích chuyên canh lúa, trong đó giống lúa Rhiên ưu 8 được huyện hỗ trợ một phần, số còn lại do nông dân tự mua giống về sản xuất chiếm gần nửa diện tích. Trong đó có nhiều hộ chủ quan gieo cấy 100% giống lúa này, nguy cơ thiếu đói là nghiêm trọng.

Cũng theo vị này, may mắn còn có một số giống lúa khác như DT39 của Tập đoàn Quế Lâm, Khang Dân, Nếp, NA6… được người dân gieo cấy, nếu không thì cả làng sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu đó.

Những tiếng nói trong cuộc

Hà Tĩnh là tỉnh có dân số sản xuất nông nghiệp chiếm đến gần 80%, trong đó chủ yếu trồng lúa bằng các loại giống thuần ngắn, do đây là vùng đất có khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, bất thường nên nông dân luôn chọn giống lúa vừa có năng suất cao, vừa tránh lũ sớm (100 ngày), ít sâu bệnh.

Đây cũng là bài toán hóc búa đối với các nhà khoa học nông nghiệp đối với các vùng chuyên canh, khắc nghiệt không chỉ ở Hà Tĩnh mà còn có các tỉnh khác nằm trong khu vực như  Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Nói về giống lúa Thiên ưu 8, một số nhà khoa học cũng như các chuyên gia nông nghiệp trong vùng cho rằng, giống lúa này không thể chịu đựng vùng tiểu khí hậu. Mặc dù Thiên ưu 8 đã được nông dân trong vùng gieo cấy 3 năm nay, nay là vụ xuân thứ tư gieo trồng. Trong đó, ngoài số giống cung ứng hỗ trợ của Chính phủ cho nông dân vùng lũ thì chủ yếu là của bà con đi mua tại các đại lý giống, hay dự trữ từ mùa trước sang mùa sau.

Một nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu KHNN Bắc Trung Bộ cho rằng, cần xem lại mẻ giống của nhà cung cấp, bởi giống có thể để lâu ngày ủ bệnh khi đưa về vùng đất có độ ẩm cao, bệnh bùng phát mạnh là điều tất yếu. Cùng với ý kiến trên, một chuyên gia nông nghiệp khác lại cho rằng, nếu mẻ giống do nhà sản xuất cung ứng theo chương trình hỗ trợ cho bà con đồng bào vùng lũ Hà Tĩnh là 350 tấn, tương đương gieo cấy trên dưới 5.000 ha, trong đó diện tích thiên ưu toàn tỉnh gieo cấy lên tới gần 20.000ha, tất cả số diện tích nói trên đều bị thiệt hại, số ít bị ảnh hưởng thì không thể nói do mẻ giống 350 tấn ủ bệnh gây nên. Bởi dịch bệnh đạo ôn lan rất nhanh trên diện rộng toàn tỉnh ngay ở giai đoạn lúa bắt đầu trổ bông và chín dần.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Đây là câu hỏi đối với tập thể, cá nhân và nhà sản xuất giống lúa Thiên ưu 8. Một chuyên gia nông nghiệp Hà Tĩnh cho rằng, lịch sử sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh hàng hàng nghìn năm chưa hề xảy ra mất mùa nặng nề như vụ đông xuân năm nay, bởi gần 20 ngàn ha lúa bị mất trắng, trong đó lại là giống của Chính phủ hỗ trợ giúp nông dân vùng lũ; nhà sản xuất mang giống Thiên ưu 8 đưa về cấp, bán gây ra bệnh đạo ôn cổ bông.

Chủ tịch các huyện nơi xảy ra tình trạng mất mùa cũng đang đầy lo âu, phần lo dân đói, phần nữa biết xử lý thế nào về số diện tích lúa bị bệnh nằm lại trên đồng ruộng. Nếu không thu hoạch, không xử lý dứt điểm, nguy cơ vụ sản xuất tới sẽ bị lây lan bệnh đạo ôn là rất cao.

Hiện, tỉnh Hà Tĩnh đang tích cực rà soát số diện tích lúa bị thiệt hại để có biện pháp xử lý. Nhiều ý kiến cho rằng, ít nhất sản lượng lương thực toàn tỉnh sẽ bị tụt giảm mất khoảng 1/3 so cùng kỳ năm trước, nông dân rơi vào cảnh thiếu đói do mất mùa nếu không có giải pháp giải quyết về lâu dài.

Anh Bình

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến