Dòng sự kiện:
Nóng tranh luận phá giá tiền đồng
28/07/2018 05:47:40
Trước lập luận phá giá tiền đồng làm tăng chi phí nhập khẩu, gây thiệt hại cho nền kinh tế đăng trên TBKTSG Online, một ý kiến cho rằng chi phí này không đổi nếu tính theo đô la Mỹ.

Và dù phá giá bao nhiêu với mức giá xuất không đổi thì xuất khẩu vẫn có lợi hơn. Tòa soạn xin lược ghi ý kiến của các độc giả.

Phá giá đủ liều lượng hay phá giá cầm chừng?

Phản hồi bài viết "Phá giá tiền đồng: chỉ nên 3%" của tác giả Hồ Quốc Tuấn đăng trên TBKTSG Online ngày 26-7, độc giả Ngọc đã yêu cầu tác giả bình luận về ví dụ cơ bản sau:

Giả sử doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất khẩu áo sơ mi với giá thành là 90 đô la Mỹ và giá xuất là 100 đô la, mang lại lợi nhuận là 100-90=10 đô la.

Để làm ra cái áo này, doanh nghiệp này phải nhập khẩu nguyên liệu với giá 80 đô la (một tỷ lệ nhập rất cao). Như vậy, hàm lượng giá trị đóng góp trong nước vào giá thành là 10 đô la, tương đương với 220.000 đồng (giả sử tỷ giá là 22.000 đồng/đô la).

Khi tiền đồng bị phá giá 10%, tỷ giá thành 22.000*1,1=24.200 đồng/đô la. Doanh nghiệp vẫn chỉ trả cho phần đóng góp nội địa là 220.000 đồng/áo, tức chỉ còn tương đương 220.000/24.200=9,1 đô la (làm tròn). Trong khi đó, giá trị phần nhập khẩu nguyên phụ liệu tính bằng đô la Mỹ vẫn là 80 đô la, và giá xuất vẫn là 100 đô la, không thay đổi sau khi tiền đồng bị phá giá.

Lúc này, lợi nhuận mới sẽ là 100-80-9,1=10,9 đô la, tức cao lớn hơn lúc tiền đồng chưa bị phá giá (10 đô la).

"Điều này có nghĩa là dù hàm lượng nhập khẩu có cao bao nhiêu, trong nước có thấp bao nhiêu (miễn là >0) thì khi phá giá bản tệ, nhà xuất khẩu vẫn được lợi phải không? Suy rộng ra cho cả nền kinh tế, xuất khẩu cả nước vẫn được lợi, còn nhâp khẩu thì giảm đi phải không?", độc giả Ngọc đặt câu hỏi.

Không đồng tình với luận điểm phá giá làm tăng chi phí nhập khẩu, độc giả này cho rằng chi phí này không thay đổi nếu tính theo đô la Mỹ (chỉ tăng lên nếu tính theo tiền đồng), và do đó, như trong ví dụ trên, dù phá giá bao nhiêu, nếu giá nhập bằng đô la và giá xuất không đổi thì nhà xuất khẩu vẫn có lợi hơn.

"Đối chiếu ví dụ trên thì lập luận của Stiglitz và những người phản đối phá giá (với lý do phá giá không có lợi khi mức độ phụ thuộc nhập khẩu quá lớn) có còn đúng nữa không?", độc giả này tiếp tục chất vấn.

Với lời khuyên chỉ nên phá giá dưới 3%/năm của tác giả, trước hết, độc giả này cho rằng tác giả đã đồng ý về tác động tích cực của phá giá (trực tiếp và gián tiếp). Tuy nhiên, lý do chỉ phá giá dưới 3%/năm để không tiệm cận giới hạn chấm điểm của thế giới xem ra không thỏa đáng. Một phần vì trong 10 năm thì mức phá giá gộp phải lớn hơn 30%, tức đã vi phạm nguyên tắc/khuyến nghị này của tác giả.

"Hơn nữa, nếu tiền đồng chịu áp lưc phá giá lớn mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cố gắng không phá ở mức độ đủ lớn (<3%/năm) thì rốt cuộc NHNN phải làm gì và làm như thế nào để tỷ giá không bị quá "nén" để rồi "bung" ra khi không kiểm soát được", độc giả Ngọc viết.

Như vậy, giữa phá giá đủ liều lượng với phá giá "cầm chừng" như tác giả khuyến nghị thì cái nào ít rủi ro hơn, ít bị thế giới "soi", đánh giá tiêu cực hơn?

Chi phí tăng nhanh hơn mức mất giá của tiền đồng

Trước bài toán đặt ra của độc giả, tác giả Hồ Quốc Tuấn cho rằng lập luận trên có thể sẽ khác đi nếu đóng góp nội địa không đổi khi tiền đồng mất giá 10% được gỡ ra. Cụ thể, nếu tiền đồng mất giá 10%, chi phí kinh doanh bị đẩy lên (chi phí vận tải nội địa, chi phí do chuỗi cung ứng bị đội lên từ những công ty chuyên nhập khẩu khác mà không có xuất khẩu trong chuỗi cung ứng)

Kết quả là số nhân chi phí trong chuỗi cung ứng có thể đẩy chi phí lên nhanh hơn với mức mất giá của tiền đồng (chẳng hạn, chi phí do giá xăng dầu, điện, chi phí lương, chi phí kinh doanh gián tiếp tăng lên). Nếu tiền đồng mất giá 10% đẩy chi phí nội địa lên 12%, bài toán sẽ là: giá thành đóng góp nội địa 220.000*1.12/24.200 = 10,18 đô la Mỹ

Vậy, tổng lợi nhuận mới là 100 – 80 – 10,18 = 9,2 đô la chứ không phải 10,9 đô la như độc giả Ngọc đã tính, thấp hơn mức 10 đô la ban đầu.

"Chuỗi cung ứng của Việt Nam có rất nhiều cấu thành nhập khẩu thuần túy, ngoài ra, đồng tiền mất giá mạnh nhiều khả năng sẽ đẩy lạm phát và chi phí kinh doanh tăng cho cả doanh nghiệp xuất khẩu và toàn nền kinh tế. Domestic contents (tỷ lệ nội địa hóa) trong mô hình của Stiglitz nên được hiểu như vậy chứ không chỉ đơn thuần là cấu thành domestic contents của 1 sản phẩm xuất khẩu đơn nhất", tác giả Hồ Quốc Tuấn phân tích.

Hơn nữa, dù chi phí của doanh nghiệp xuất khẩu được giữ nguyên hay tăng thấp hơn mức mất giá tiền đồng, và doanh nghiệp xuất khẩu đạt được lợi nhuận tăng lên theo đô la Mỹ, tổng nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể thiệt hại.

Chuyên gia Bùi Trinh đã có tính toán rằng, tiền đồng mất giá 2% sẽ khiến chi phí trung gian chung của nền kinh tế tăng lên do giá trị nhập khẩu tăng và chỉ số giá sản xuất (PPI) ở chu kỳ đầu tiên tăng lên 0,45%, chu kỳ sản xuất tiếp theo tăng lên 0,65%, tổng ảnh hưởng 1,1% và tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế có thể bị giảm 1,2 - 1,6%.

Như vậy, phá giá nội tệ có thể sẽ làm tăng chi phí sản xuất và làm giảm GDP, chứ không phải là tăng. Đó là chưa kể các doanh nghiệp vay nợ bằng đô la Mỹ sẽ bị lỗ tỷ giá.

"Bài toán phá giá ở đây là cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp xuất khẩu và thiệt hại chung của cả nền kinh tế (chủ yếu do lạm phát đẩy chi phí chung của nền kinh tế và nợ nước ngoài - cả tư nhân và công). Với giá trị gia tăng xuất khẩu thấp, nợ lớn, nhập khẩu khó thay thế, lợi ích của bài toán này nhiều khả năng là số âm như tính toán của anh Bùi Trinh", ông Tuấn viết.

Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng kết luận “Suy rộng ra cho cả nền kinh tế, xuất khẩu cả nước vẫn được lợi, còn nhâp khẩu thì giảm đi phải không?” là không chắc chắn.

Vì nếu nhập khẩu vẫn phải bắt buộc nhập (như máy móc thiết bị, thuốc chữa bệnh) thì dù phá giá bao nhiêu, Việt Nam vẫm phải nhập về sản xuất và tiêu dùng nếu trong nước không có hàng thay thế tương đồng, nghĩa là nhập khẩu còn có thể tăng nhanh hơn xuất khẩu.

Đó là lý do một số nghiên cứu định lượng thấy rằng phá giá làm tăng thâm hụt thương mại. Chính vì vậy, phá giá chỉ có lợi nếu các ngành công nghiệp trong nước có khả năng thay thế xuất khẩu.

NHNN không phải chiến đấu một mình

Dù không đồng ý với ví dụ và kết luận của độc giả Ngọc như đã nói ở trên (do những giả định ngầm trong đó), tác giả Hồ Quốc Tuấn vẫn tán thành với việc phải để tiền đồng trượt giá trong một biên độ không gây sốc như 3%/năm vì theo mô hình của Stiglitz, cần cả hai nhân tố tỷ giá ổn định và có tính cạnh tranh.

Tiền đồng vẫn định giá cao theo RER nên phá giá (hay nên gọi là trượt giá ổn định) mỗi năm là hợp lý. Vấn đề là phá giá sốc để không bị mất sức cạnh tranh với Trung Quốc và các nước láng giềng (hay phá giá khoảng 9% như 2011 trước đây) hay phá giá trong một biên độ ổn định (chẳng hạn 3%)?

"NHNN có nội lực và công cụ đến đâu? Tỷ giá chỉ là phần nổi của tảng băng. Phần chìm là nội lực của Việt Nam hiện tại, dòng vốn, dự trữ ngoại hối và dư địa chính sách. Nếu NHNN giữ không nổi tỷ giá so với thị trường (nghĩa là chênh lệch thị trường tự do và chính thức quá lớn) thì phải thả ra, thay vì để “ứ máu” lại quá mức rồi nhả một lần 8,5% như 2011 là không tốt (và cũng vi phạm nguyên tắc ổn định). Nhưng trong điều kiện hiện tại, chúng ta đâu đã khó khăn như giai đoạn đó (lạm phát 2 con số,  áp lực rút vốn,..)", ông Tuấn nhận định.

Vì vậy, ông Tuấn cho rằng NHNN không cần “buông súng” quá sớm, phá giá theo quy mô mất giá đồng tiền của Trung Quốc ngay một lần. Nếu phá giá mạnh một lần thì bao nhiêu sẽ là đủ, và liệu nó có đẩy tâm lý găm giữ đô la Mỹ và kỳ vọng lạm phát lên hay không cũng là một câu hỏi? Quan trọng là chỉ cần NHNN bỏ qua quan điểm ổn định tỷ giá và gửi tín hiệu cho truyền thông là đi theo hướng phá giá mạnh, niềm tin của người dân vào tiền đồng sẽ mất đi nhanh chóng.

"NHNN vẫn còn công cụ lãi suất. Tăng lãi suất tiền đồng lên, đồng thời, bán ngoại tệ can thiệp khi cần là đủ khả năng cầm cự để quan sát cục diện mất giá đồng tiền của các nước khác. Ngoài ra, không ai bắt buộc NHNN phải chiến đấu một mình. Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó thì hoàn toàn có thể được hỗ trợ về thuế, lãi suất vay ưu đãi. Đây là lợi ích của chính sách tài khóa và tiền tệ kết hợp", ông Tuấn đề xuất.

Việc đồng tiền các nước mất giá mạnh không phải do họ muốn phá giá mà là do vốn rút ra và do tiền chạy vào đồng đô la Mỹ (carry trade - kinh doanh chênh lệch lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ trong điều kiện tỷ giá ổn định hoặc flight to quality - tiền chạy vào tài sản có khả năng sinh lời cao hơn).

Theo ông Tuấn, trong bối cảnh hiện tại, chưa có dấu hiệu cho thấy tình hình Việt Nam xấu như giai đoạn 2011, và cũng không bị rút chạy vốn như Trung Quốc. Vì vậy, không nên vội vã nghĩ tới việc phá giá mạnh vào lúc này khi dư địa chính sách về lãi suất, dự trữ ngoại hối và tài khóa vẫn còn.

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến