Dòng sự kiện:
Nộp thay thuế cho Google, Facebook, Amazon: Ngân hàng lo quá tải và rủi ro
04/03/2021 21:10:55
Các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm kê khai, nộp vào ngân sách số tiền đã khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp cho Google, Facebook, Amazon...

Người tiêu dùng Việt mua hàng từ các nhà cung cấp nước ngoài, như mua hàng qua Amazon, được giao hàng tận nơi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của nghị định 126 đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến. Theo đó, các trang mạng nước ngoài là Google, Facebook, Amazon, Apple... phải có nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế khi bán hàng, cung cấp dịch vụ ở Việt Nam. 

Nếu các mạng này không nộp thuế khi bán hàng cho các cá nhân tại Việt Nam, ngân hàng (NH), trung gian thanh toán sẽ phải khấu trừ và nộp thay tiền thuế.

Biện pháp bất đắc dĩ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay cơ quan thuế mong muốn và khuyến khích các trang thương mại điện tử ở nước ngoài trực tiếp đăng ký, kê khai và nộp thuế cho cơ quan thuế Việt Nam khi phát sinh các giao dịch bán hàng, cung cấp dịch vụ ở Việt Nam. 

Nếu không trực tiếp nộp thuế, Google, Amazon, Facebook... có thể ủy quyền cho các đại lý thuế, tổ chức đại diện ở Việt Nam làm thay. "Buộc NH phải khấu trừ và nộp thay tiền thuế là biện pháp bất đắc dĩ, cuối cùng rồi", vị này nói.

Để NH khấu trừ và nộp thuế thay các "ông lớn" Google, Facebook, Amazon..., Tổng cục Thuế sẽ gửi danh sách tên, website các tổ chức nước ngoài chưa đăng ký, kê khai và nộp thuế ở Việt Nam cho NH để NH xác định tài khoản giao dịch của các "ông" này. 

Khi có yêu cầu chuyển tiền tại quầy của cá nhân trong nước cho tổ chức ở nước ngoài như Google, Amazon..., NH biết rõ số tiền được thanh toán nên sẽ khấu trừ và nộp thuế thay các nhà cung cấp này trước khi chuyển tiền của khách hàng cho họ.

Trường hợp cá nhân trong nước thanh toán bằng thẻ Visa hay qua Internet banking cho món hàng, dịch vụ của tổ chức ở nước ngoài mà NH không thể khấu trừ và nộp hộ thuế, NH sẽ tổng hợp các giao dịch và thông báo cho cơ quan thuế vào ngày 10 hằng tháng.

Theo ông Lê Hoàng Tùng - kế toán trưởng Vietcombank, NH này sẵn sàng thực hiện trách nhiệm khấu trừ và nộp thay tiền thuế của các đơn vị ở nước ngoài khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua hàng ở trong nước.

Thực tế, theo thông lệ quốc tế, nhiều NH ở nước ngoài cũng làm việc này. Tuy nhiên, ông Tùng băn khoăn nếu chỉ dựa vào tên, địa chỉ website thì NH không đủ cơ sở định danh đó là tổ chức nào ở nước ngoài và tài khoản ra sao để khấu trừ và nộp thuế thay. Với lệnh thanh toán tại quầy, NH chỉ biết tài khoản chuyển tiền thôi. 

"Ngoài ra việc xác định tài khoản của Google, Amazon... là khó vì các 'ông lớn' này không mở ở NH tại Việt Nam" - ông Tùng thông tin.

Ngân hàng lo "phức tạp" và quá tải

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần lớn tại TP.HCM lo ngại khách hàng sẽ phản ứng và NH sẽ phải tốn công giải thích lý do có việc thu thêm thuế này. Ngoài ra NH sẽ thêm việc vì phải bố trí thêm nhân sự làm việc này, chưa kể có thể chịu rủi ro nếu tính không chính xác vì quy định về thuế suất với từng hàng hóa, dịch vụ sẽ khác nhau trong khi lượng giao dịch rất lớn.

Một số NH cũng lo ngại sẽ quá tải công việc khi hằng tháng phải có trách nhiệm theo dõi số tiền thanh toán qua thẻ và các hình thức khác cho nhà cung cấp ở nước ngoài sang Tổng cục Thuế. Đây là giao dịch mà NH chưa khấu trừ và nộp thay tiền thuế. Hình thức thanh toán cho đơn hàng ở nước ngoài được đa số cá nhân thực hiện là qua thẻ, còn chuyển tiền trực tiếp tại quầy hạn chế hơn do phải khai báo mục đích chuyển tiền và chứng từ chứng minh...

Theo ông Tùng, một NH phải xử lý vài chục ngàn đến vài trăm ngàn giao dịch qua thẻ, Internet banking mỗi ngày tùy theo quy mô từng NH. Do đó việc lọc ra giao dịch nào là chuyển đến tài khoản của nhà cung cấp A, B, C ở nước ngoài rồi hằng tháng thống kê và gửi cho Tổng cục Thuế là điều không hề đơn giản.

Lãnh đạo một NH thương mại có trụ sở ở Hà Nội đề nghị cần phải trả phí cho NH khi gắn cho NH trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay nhà cung cấp ở nước ngoài. Bản chất là NH đang được giao nhiệm vụ thu thuế giúp ngành thuế. 

"Trừ những NH có vốn nhà nước, các NH thương mại cổ phần, tổ chức trung gian thanh toán tư nhân, chi nhánh NH nước ngoài ở Việt Nam chắc chắn sẽ không thấy công bằng khi không được hưởng lợi gì từ việc này. Trách nhiệm cần phải đi đôi với quyền lợi", vị này đề nghị.

Cách tính thuế như thế nào để kê khai và nộp thuế thay nhà cung cấp ở nước ngoài là điều mà nhiều NH e ngại nhất. Theo một số NH, lâu nay NH thu hộ thuế, phí cho ngân sách phải có thông báo của cơ quan thuế với thông tin thu của tổ chức hay cá nhân nào, số tiền thuế, phí là bao nhiêu, đối với giao dịch gì... Mọi thứ rất rõ ràng và NH chỉ việc thu chứ không phải tính toán gì. 

"Ngoài ra khi tính thuế, NH phải quy đổi số ngoại tệ ra tiền đồng theo tỉ giá hay có thể tính theo ngoại tệ?", lãnh đạo một NH đặt câu hỏi.

Các ngân hàng lo khó thực hiện việc khấu trừ và nộp thay thuế nhà thầu của các “ông lớn” như Google, Facebook... theo yêu cầu của ngành thuế - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người mua phải nộp thuế

Ông Nguyễn Văn Được - tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín - cho hay trên thực tế NH có thể thu ngay thuế của các tổ chức, cá nhân nếu các trường hợp này giao dịch trực tiếp tại NH. Tuy nhiên, với các trường hợp trả bằng thẻ tín dụng cá nhân, sẽ khó thu được thuế ngay.

Ông Được băn khoăn là sau khi NH chuyển cho Tổng cục Thuế thông tin về giao dịch thanh toán qua thẻ và các hình thức khác mà chưa khấu trừ và nộp thuế thay, việc thu thuế sẽ thực hiện thế nào và ai là người nộp thuế? 

Theo ông Được, về bản chất, thuế phải do nhà thầu nước ngoài nộp nhưng do các tổ chức nước ngoài, trong đó có Google, Facebook đều quy định giá bán hàng hóa, dịch vụ là giá net (giá cuối cùng mà người mua phải trả). Do vậy người mua phải trả trọn tiền cho các tổ chức này mới được cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

"Đúng bản chất thì phải trích trừ thuế trên số tiền trả cho tổ chức nước ngoài. Còn nếu ngược lại, sau khi NH báo cáo cho ngành thuế số tiền mà cá nhân trả cho nhà thầu nước ngoài, nếu cơ quan thuế yêu cầu trích thuế từ tài khoản của cá nhân thì như vậy cá nhân sẽ phải trả thay thuế cho các ông lớn", ông Được nói.

Chính vì thực tế này mà thời gian qua không ít cá nhân và doanh nghiệp đã lách bằng cách trả tiền quảng cáo cho Google, Facebook qua thẻ tín dụng cá nhân rồi sau đó hợp thức hóa bằng cách khác.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM), cũng thừa nhận có thực tế hiện nay các doanh nghiệp, cá nhân đang phải trả thay thuế nhà thầu cho các "ông lớn" nước ngoài do các "ông lớn" này chưa thành lập pháp nhân tại Việt Nam. Do đó cơ quan thuế đã nắm "người có tóc" khi đưa ra quy định cá nhân, tổ chức trong nước có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế cho nhà thầu nước ngoài.

Để giảm áp lực cho các NH, ông Nghĩa đề xuất song song với quy định mới cần quy định mức tối thiểu buộc phải kê khai và nộp thuế bao nhiêu thay vì bắt buộc tất cả vì như vậy sẽ khiến việc nhiều lên, chi phí hành thu quá lớn.

Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn chi tiết

Theo ông Lưu Đức Huy - vụ trưởng Vụ chính sách, NH sẽ phải quy đổi theo tỉ giá rồi kê khai và nộp thuế theo tiền Việt Nam. Bộ Tài chính cũng sẽ hướng dẫn chi tiết theo hướng đơn giản để NH triển khai. Theo đó, chỉ có một mức thuế chung và được xác định tỉ lệ trên trị giá món tiền thanh toán chứ không quy định riêng cho từng mặt hàng như giày, máy tính xách tay, thuốc... là bao nhiêu.

"Đơn cử mức thuế là 5% trên trị giá giao dịch. Khi nhận được giấy đề nghị của chị A thanh toán 39 USD cho Amazon, NH sẽ khấu trừ và nộp thay tiền thuế cho sàn thương mại điện tử này trước khi chuyển cho tài khoản mà chị A cung cấp. NH cần quy đổi số ngoại tệ này ra VND (tương đương 1 triệu đồng) và áp mức thuế 5% là 50.000 đồng" - đại diện Tổng cục Thuế nêu.

Tác giả: A.Hồng - L.Thanh

Theo: Tuổi Trẻ
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến