Dòng sự kiện:
Nữ chiến sĩ điệp báo anh hùng
27/01/2015 16:28:27
ANTT.VN – Sinh ra trong một gia đình cách mạng, nữ chiến sĩ điệp báo Ngô Thị Huệ không quản ngại hiểm nguy, sẵn sàng nhập vai tiếp cận quân địch. Những kỉ vật còn lưu giữ tại Bảo tàng Công an nhân dân là minh chứng cho “bông Huệ thép” của Ban an ninh Đà Nẵng.

Bà  Ngô Thị Huệ  sinh ngày 20/12/1942, tại làng Hương Phát, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Gia đình bà ngày ấy đã là một cơ sở nuôi giấu cán bộ cốt cán của phong trào.

Mỗi hiện vật, hình ảnh được trưng bày tại bảo tàng Công an nhân dân là mỗi câu chuyện đầy cảm động gắn liền với những hy sinh gian khổ, những chiến công huyền thoại của người chiến sĩ tình báo dũng cảm, kiên trung, bí mật, khôn khéo… đánh địch và thắng địch ngay trong lòng địch.

Gia đình cách mạng

Bà nhớ lại: Vào khoảng năm 1953, bà được gia nhập vào Đội thiếu nhi làm nhiệm vụ cảnh giới và đưa thư từ liên lạc cho cán bộ. Một lần, nhiều đồng chí cán bộ đang tổ chức họp Đảng  ở ngay trong nhà. Trong số đó có những đồng chí cốt cán của phong trào như Đào Ngọc Chua, Bùi Đức Thế, Bảy Kình. Bất ngờ địch đến bố ráp. Thấy vậy, bà đã nhanh trí chạy thẳng ra vườn sau tháo tất cả những cổng chuồng trâu để xua trâu chạy toán loạn ra đường. Vừa xua trâu, bà vừa la lớn: “trâu, trâu xổng chuồng ăn lúa”. Nghe vậy, bà con trong làng chạy ra đón trâu, nhân cơ hội đó, một số đồng chí đã chạy thoát, số còn lại nhanh chân nhảy xuống hầm bí mật.

Sau lần ấy, bà cùng với cha đã bị địch bắt để tra xét.

Ba-Ngo-Thi-Hue

Bà Ngô Thị Huệ bên chồng (nguồn: Internet)

Những ngày đầu tiên trong cuộc đời bà đến với phong trào cách mạng ở quê hương mình cũng là  thời điểm kẻ thù thực hiện chính sách tố Cộng và diệt Cộng rầm rộ nhất. Đây cũng là giai đoạn địch thẳng tay đàn áp những người tham gia kháng chiến dữ dội nhất.

Nhiều chiến sĩ cách mạng đã rơi vào tay giặc, có người bị tra tấn hết sức dã man, có người bị địch hành hạ cho đến chết. Cha bà cũng bị địch bắt, bị bỏ tù và bị tra tấn đến lồi mắt. Khi đã lâm cảnh mù lòa, chúng mới trả tự do. Về nhà, cha bà vẫn dạy các con của mình phải giữ vững niềm tin và lòng trung thành với cách mạng, cho dù có phải chết cũng chết trong vinh quang.

Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, ở quê có rất nhiều người thoát ly để tập kết ra Bắc. Từ đó cho đến năm 1975, gia đình bà đã có 5 người thoát ly đi tập kết gồm 3 người anh ruột, một người anh rể, và một người chị dâu. Sau khi rà soát danh sách những người có gia đình đi tập kết, địch đã bắt tất cả những người còn lại của gia đình bà mang đến trụ sở ủy ban xã để đánh đập, tra xét.

Năm 1959, địch bắt đầu thực hiện chính sách dồn dân vào các ấp chiến lược để dễ thi hành luật 10/59. Gia đình bà cũng bị địch đưa vào khu dồn dân. Các chú, các anh ở Đội Công tác huyện Hòa Vang đã gặp chị để chỉ đạo bà theo gia đình vào ấp chiến lược để thuận tiện trong việc theo dõi tình hình, đồng thời tìm cách tạo điều kiện để Đội Công tác liên lạc với những cơ sở mới.

Trong thời gian này, bà đã diều tra, nghiên cứu tình hình và quy luật đi lại của những đối tượng chức sắc và ác ôn ở địa phương. Nhận chỉ thị của anh Ba Thế - Đội trưởng Đội công tác huyện ủy Hòa Vang, bà đã bố trí để những trinh sát của Đội thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt các đối tượng ác ôn là ấp trưởng, xã trưởng và liên gia trưởng như tên Toán, tên Lai, tên Lý , làm cho địch hết sức hoang mang.

Mặt khác, bà đã móc nối với những người có tấm lòng cách mạng trong hàng ngũ của địch. Cũng từ đó bà đã phát hiện ra vị trí địch cài mìn, lựu đạn giúp Đội công tác vào ra ấp chiến lược để vận động quần chúng được an toàn tuyệt đối.

Kỷ vật tình báo

Là một nữ tình báo đã từng thực hiện thành công nhiều chuyến liên lạc, chuyển tài liệu, tin tức quan trọng, kịp thời phục vụ cho sự chỉ đạo tác chiến của cấp trên trong các chiến dịch, hiện nay, tại bảo tàng Công an còn lưu giữ những hiện vật chứng minh cho chiến công thầm lặng nhưng đầy mưu trí, sáng tạo của người chiến sĩ điệp báo anh hùng.

Một số kỷ vật của Anh hùng Ngô Thị Huệ

Một trong những hiện vật đó là hộp phấn trang điểm. Với chiếc hộp phấn này, khi đang đi trên đường, nếu phát hiện địch ở xa, muốn theo dõi chúng, bà thường lấy ra và sử dụng. Một bên đựng phấn hóa trang, một bên đựng gương soi. Đồng chí giả vờ đánh phấn nhưng thực chất là dùng gương để theo dõi bọn địch ở phía sau, xem chúng hành động gì, đồng thời tìm phương án để đối phó lại chúng. Nhờ vậy, công tác hoạt động điệp báo của bà lúc đang đi trên đường luôn luôn được chủ động và đảm bảo an toàn.

Hay chiếc kính râm bà luôn mang bên người. Khi đeo lên mắt sẽ có tác dụng làm thay đổi hình dạng khuôn mặt, để bọn địch khó phát hiện trong những lúc bà hoạt động. Bộ khung bằng nhựa, hai mắt bằng thủy tinh.

Để giữ được bí mật trong công tác hoạt động tình báo bà thường mặc bộ áo dài trong vai nữ sinh viên đi trên đường phố, hoặc là vợ của lính.

Túi-xách-Ngo-THị-Hue

Túi xách của Anh hùng Ngô Thị Huệ

Ngay cả chiếc túi xách cũng được bà thiết kế một cách công phu. Túi có 5 ngăn chính, đó là những ngăn lộ rõ và dễ thấy. Ngoài ra ở lớp vải bạt lót sát lớp nhựa giả da của túi là những “ngăn bí mật” bà dùng để cất tài liệu trong công tác hoạt động tình báo. Chiếc gương nhỏ được bà gắn ở mặt trong của nắp túi, mỗi khi chúng bắt, bà có thể mở túi để chúng kiểm tra.

Hoàng Hà

(Theo Những kỉ vật lịch sử Công an Nhân dân)

Tin liên quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến