Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) mới đây đã công bố thông tin về việc một Phó Tổng Giám đốc của ngân hàng từ nhiệm
Cụ thể, ngày 26/8, bà Nguyễn Ngọc Như Uyên đã gửi đơn từ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc ACB lên Hội đồng quản trị.
Bà Uyên tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh của Trường Đại học Melbourne (Australia), gia nhập ACB năm 2015 với cương vị Giám đốc Đầu tư. Bà được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc tại ACB từ năm 2018. Sau đó, bà Uyên được bổ nhiệm lại vị trí này hồi tháng 2/2022. Thời hạn bổ nhiệm là 3 năm, từ ngày 26/1/2022 đến ngày 25/1/2025. Như vậy, bà Uyên thậm chí chưa hoàn thành một năm trong thời gian được tái bổ nhiệm.
Bà Uyên cũng là Giám đốc Khối Ngân hàng số (từ tháng 2/2022) và Chủ tịch Hội đồng Đầu tư của Công Ty TNHH Chứng Khoán ACB (ACBS).
Bà từng công tác tại Công ty kiểm toán Arthur Andersen, Công ty TNHH KPMG Việt Nam, giữ chức vụ Giám đốc Đầu tư tại Mekong Capital và Giám đốc nghiệp vụ tại Dragon Capital.
Chân dung bà Nguyễn Ngọc Như Uyên. (Ảnh: ACB)
Về kết quả kinh doanh của ACB, nhà băng này lãi trước thuế 9.028 tỷ đồng, hoàn thành 60% kế hoạch cả năm và tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý II, ACB ghi nhận lợi nhuận 4.900 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ 2021. Đây là mức tăng trưởng lợi nhuận cao so với mặt bằng ngành trong nửa đầu năm nay.
Các khoản thu từ hoạt động tín dụng, dịch vụ ngoại hối đều tăng trưởng so với cùng kỳ. ACB cũng ghi nhận khoản lãi khác 655 tỷ đồng, tăng hơn 450% so với nửa đầu năm trước, chủ yếu nhờ thu hồi được các khoản nợ xấu.
Bên cạnh đó, thay vì phải tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng như phần lớn ngân hàng, ACB lại ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng 270 tỷ đồng. Áp lực trích lập nhẹ gánh trong nửa đầu năm là yếu tố quan trọng tác động tích cực đến lợi nhuận của ngân hàng. Ngược lại, chi phí hoạt động của nhà băng này tăng hơn 42% so với cùng kỳ lên hơn 4.850 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái phần chi phí thấp hơn do được khấu trừ 600 tỷ đồng nhờ thu hồi khoản phải thu của nhóm khách hàng đặc biệt.
Tính đến hết quý II, dư nợ tín dụng của ACB đạt 396.000 tỷ đồng, tăng trưởng 9,3% so với đầu năm, sử dụng gần hết room tín dụng được cấp.
Xét về chất lượng tài sản, dù tổng nợ xấu tăng khoảng 7% so với hồi đầu năm song ngân hàng vẫn kiểm soát nợ xấu tốt khi tỉ lệ nợ xấu của ACB đến cuối quý II/2022 đã giảm từ 0,82% hồi đầu năm về 0,76%. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 206% xuống 185%, tương ứng cứ 100 đồng nợ xấu thì ACB đang trích lập 185 đồng.
Dù tỉ lệ nợ xấu giảm song nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của ACB đã tăng khoảng 60% so với đầu năm, lên 2.190 tỷ đồng tại ngày 30/6/2022.
Tác giả: Trần Thu Thảo
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy