P/E của VN-Index đang khoảng 14 lần, thấp hơn đáng kể so bình quân 2 năm
Theo Chứng khoán KB (KBSV), về mặt định giá, mức P/E hiện tại của VN-Index khoảng 14 lần (theo số liệu từ Bloomberg – mức P/E này đã loại bỏ các lợi nhuận bất thường của doanh nghiệp). Mức định giá này đang thấp hơn đáng kể so với mức bình quân 2 năm ở 14,9.
P/E VN-Index
Ở góc độ tích cực, việc tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là yếu tố hỗ trợ chính cho hoạt động sản xuất, công nghiệp, đầu tư và tiêu dùng trong nước lần lượt hồi phục. Trong ngắn hạn, giai đoạn nửa cuối quý 3 sẽ là một trong những thời điểm quan trọng để thiết lập những kỳ vọng mới cho thị trường chứng khoán.
Các số liệu tăng trưởng vĩ mô trong tháng 7/2024 và quý 2/2024 đã thể hiện phần nào nội lực của nền kinh tế vĩ mô tốt hơn với các chỉ tiêu cho tín hiệu khả quan như tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất khẩu, chỉ số IIP, PMI, thu hút vốn FDI... Tương ứng với đó, lợi nhuận các doanh nghiệp trong quý 2 cũng ghi nhận tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ ở mức quanh 12,4% so cùng kỳ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có những động thái cụ thể hơn để tập trung xử lý các vấn đề vướng mắc trong lộ trình nâng hạng của FTSE Russell. Tuy nhiên, việc liên tục trì hoãn đưa vào vận hành hệ thống KRX có thể khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam “lỡ hẹn” trong kỳ đánh giá tháng 9 tới.
Về rủi ro của thị trường, KBSV cho rằng các yếu tố rủi ro đáng chú ý đều là các yếu tố ngoại biên, bao gồm: Xung đột đang có dấu hiệu leo thang tại khu vực Trung Đông, có thể tác động tiêu cực tới nguồn cung dầu và giá cước vận tải, làm tăng nguy cơ lạm phát quay trở lại.
Đồng thời, một số dữ liệu vĩ mô ở Mỹ đang suy yếu nhanh hơn kỳ vọng có thể là dấu hiệu sớm về rủi ro suy thoái tại quốc gia này. Cụ thể, số liệu thất nghiệp mới công bố cho thấy đã tăng lên 4,3% (vượt kỳ vọng 4,1%) và chạm mức cao nhất kể từ 2022. Trong bối cảnh đó, bức tranh tiêu dùng ở Mỹ chưa cải thiện như kỳ vọng, và số liệu KQKD nhóm doanh nghiệp lớn (đặc biệt nhóm cổ phiếu công nghệ) đang gây thất vọng với nhà đầu tư cũng là những chỉ báo cho thấy kinh tế Mỹ đang chậm lại. Theo Bloomberg, xác suất Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới vào khoảng 35% (trung bình dự báo khảo sát của 60 tổ chức).
Ngoài ra, lo ngại về vấn đề đảo ngược vị thế Carry trade đồng Yên Nhật. Sự tăng vọt của đồng tiền này sau khi BOJ tăng lãi suất chính sách lên 0,25%, trong khi đó kỳ vọng FED giảm lãi suất lại khiến đồng USD suy yếu đã kích hoạt động thái thoát vị thế (liquidate) của giới đầu tư, bán tháo toàn bộ danh mục tài sản để trả nợ vay bằng đồng Yên. Ngoài ra, các đợt margin call có thể đẩy nhu cầu đồng Yên lên cao để bổ sung ký quỹ, tạo ra 1 vòng luẩn quẩn đẩy đồng Yên lên cao hơn nữa và kích hoạt thêm nhiều đợt margin call khác.
Đánh giá về tác động của các yếu tố rủi ro này đến TTCK Việt Nam, trong khi yếu tố về địa chính trị hiện không có nhiều cơ sở để dự báo, rủi ro suy thoái Mỹ cần thêm thời gian để đánh giá do số liệu thất nghiệp cao được nhiều nhà kinh tế học cho rằng do người dân Mỹ tham gia lực lượng lao động gia tăng và số liệu tháng 7 bị ảnh hưởng bởi cơn bão Beryl tại Bờ Tây.
Hơn nữa, 1 đợt suy thoái nhẹ ở Mỹ dù sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên sẽ tác động tích cực lên TTCK từ góc độ tỷ giá và điều hành chính sách của NHNN.
Sau cùng, việc đảo ngược vị thế Carry trade đồng Yên Nhật của giới đầu tư toàn cầu mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến TTCK Việt Nam do dòng vốn đầu tư từ Nhật vào Việt Nam chủ yếu qua việc cấp vốn ODA, đầu tư trực tiếp FDI, hay đầu tư chiến lược ở các định chế tài chính nhưng những tác động gián tiếp và tác động về mặt tâm lý sẽ cần phải tính đến.
Thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn
Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index nhiều khả năng sẽ chịu áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn về 1150 (+- 10), hoặc xa hơn tại 1080 (+-15) trước khi có cơ hội hồi phục trở lại.
Trên khung đồ thị ngày, VN-Index đang rơi vào xu hướng giảm điểm ngắn hạn kể từ vùng đỉnh giữa tháng 6/2024 với việc tạo đỉnh/đáy sau thấp hơn đỉnh/đáy trước. Các chỉ báo xung lực kỹ thuật hầu hết đều cho thấy những tín hiệu vận động củng cố cho xu hướng giảm của thị trường, như ADX ở mức 26,3 và đang tiếp tục có dấu hiệu tăng - thể hiện xung lực giảm điểm đang mạnh dần, trong khi RSI và Stochastic đều đang tiến tới vùng quá bán - thể hiện khả năng tiếp diễn của xu hướng đi xuống.
Kết hợp với các yếu tố cơ bản hiện tại, KBSV nghiêng về kịch bản (70% xác suất) VN-Index sẽ tiếp tục chịu quán tính giảm điểm và có thể bắt đầu cho phản ứng hồi phục khi chỉ số lùi về vùng hỗ trợ gần quanh 1.150 (+-10).
Trong kịch bản tiêu cực, chỉ số tiếp tục đi xuống và phá vỡ vùng hỗ trợ này (30% xác suất), VN-Index sẽ đánh mất xu hướng tăng trung hạn và có thể thiết lập trạng thái đi ngang trên khung đồ thị tháng theo mẫu hình tam giác tính từ đỉnh đầu năm 2022, xuống vùng hỗ trợ mạnh/sâu hơn tại quanh 1.080 (+-15) trước khi có cơ hội hồi phục trở lại.
Trong bối cảnh đó, theo KBSV các chủ đề đầu tư còn lại bao gồm phục hồi kết quả kinh doanh, vốn đầu tư FDI, đầu tư công và pha La Nina đến gần.
KBSV cho rằng, thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn sẽ mở ra cơ hội giải ngân tốt cho các nhà đầu tư chưa có vị thế, hoặc gia tăng thêm tỷ trọng cho các nhà đầu tư đã nắm giữ.
Tác giả: Minh An
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy