Dòng sự kiện:
Ồ ạt tự phong 'bệnh viện quốc tế': Đắt có xắt ra miếng? (Kỳ 1)
17/09/2019 08:11:23
Tại các TP lớn, nhiều bệnh viện, phòng khám được gắn tên 'quốc tế' có mức phí khám chữa bệnh cao gấp 5 – 10 lần cơ sở công lập. Thế nhưng, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh liệu có đạt chất lượng quốc tế không?

LTS: Vụ việc cháu bé 6 tuổi ở Trường Tiểu học liên cấp Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong đã làm chấn động dư luận, từ đó cũng làm phát lộ hàng loạt các trường học tự gắn mác “quốc tế” một cách đầy chủ ý.

Tương tự, ghi nhận của phóng viên Báo NTNN/Dân Việt ở lĩnh vực khám chữa bệnh cho thấy, nhiều bệnh viện, phòng khám đa khoa cũng tự phong danh hiệu “quốc tế” và coi đây như cách thức quảng bá đầy hiệu quả với khách hàng. Theo đó, nhiều khách hàng đã “sập bẫy” bởi những chiêu trò của các bệnh viện, phòng khám “quốc tế” tự phong này.

Những lời có cánh…

Những năm gần đây, trên địa bàn cả nước nở rộ các bệnh viện, phòng khám tư nhân có gắn mác “quốc tế”. Tại Hà Nội, không hiếm bệnh viện, phòng khám tự thêm chữ “quốc tế” vào tên gọi, như: Phòng khám Đa khoa quốc tế Hồng Ngọc Keangnam thuộc Bệnh viện Hồng Ngọc; Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc; Phòng khám Đa khoa quốc tế Thanh Chân; Phòng khám Đa khoa quốc tế Vietsing – Công ty cổ phần Y học Rạng Đông…

Website của BV Hồng Ngọc có ghi: Phòng khám Đa khoa quốc tế Hồng Ngọc Keangnam.

Một ngày đầu tháng 9/2019, phóng viên có mặt tại Phòng khám Hồng Ngọc Keangnam thuộc Bệnh viện Hồng Ngọc (khu tòa nhà Keangnam, quận Cầu Giấy, Hà Nội), được một người nhà bệnh nhân ở đây cho biết: “Đến phòng khám này chúng tôi không phải xếp hàng chờ đợi như ở bệnh viện công, không gian cũng tương đối sạch sẽ, thoáng đãng. Đổi lại, giá dịch vụ đương nhiên đắt hơn nhiều so với bệnh viện công, bệnh viện tư hạng thường”. Theo vị  này, người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại đây và chấp nhận mức giá cao, một phần vì “chất lượng quốc tế” được quảng cáo ở cơ sở này.

Dù biển hiệu của phòng khám này không gắn mác “quốc tế” nhưng trên website của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc thì vẫn giữ nguyên dòng chữ quảng cáo “Phòng khám Đa khoa quốc tế”. Bên cạnh đó, thông tin trên website của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc còn mô tả nơi đây là “mô hình bệnh viện – khách sạn 5 sao, được đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp”... Tương tự, trên website của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc cũng quảng bá “Bệnh viện khách sạn hướng tới đạt chuẩn quốc tế”.

Phòng khám Đa khoa quốc tế VietSing - Công ty CP Y học Rạng Đông được giới thiệu đầy hoa mỹ: “Chúng tôi xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về y tế tại Phòng khám Đa khoa quốc tế VietSing, môi trường thân thiện với khách hàng, dịch vụ y tế đạt tiêu chuẩn quốc tế dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới vào các dịch vụ chẩn đoán cận lâm sàng”.

Thậm chí, Phòng khám Đa khoa quốc tế VietSing còn khẳng định: “Là phòng khám đa khoa quốc tế hàng đầu tại Việt Nam hoạt động theo mô hình bệnh viện đa khoa quốc tế - khách sạn 5 sao, bên cạnh việc đầu tư hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn 5 sao... Đến VietSing, bạn sẽ được thăm, khám, chẩn đoán và điều trị trực tiếp bởi các chuyên gia y tế hàng đầu Việt Nam và thế giới”.

“Phòng khám đa khoa quốc tế hàng đầu Việt Nam này” được đặt tại tầng hầm của tòa nhà Pacific Place, số 83B Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tương tự, một cơ sở khác là Phòng khám Đa khoa quốc tế Thanh Chân ở số 6 Nguyễn Thị Thập, Khu đô thị Trung Hoà Nhân Chính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) được giới thiệu là “phòng khám quốc tế” với những lời quảng cáo hấp dẫn như “trang thiết bị cơ sở vật chất không ngừng đổi mới để cập nhật các công nghệ tiên tiến hiện đại nhất trong khu vực và trên thế giới”.

Phòng khám đa khoa Quốc tế Thu Cúc. 

Tại thời điểm chúng tôi tìm đến Phòng khám Đa khoa quốc tế Thanh Chân và Phòng khám Đa khoa quốc tế VietSing, số lượng người bệnh đến khám khá vắng vẻ dù là ngày đầu tuần.

Đánh giá một cách khách quan, các cơ sở khám chữa bệnh được gắn mác “quốc tế” này có cơ sở vật chất rộng rãi, sạch sẽ so với một số bệnh viện công lập hay bệnh viện tư khác. Tuy nhiên, những lời quảng bá “trang thiết bị hiện đại, tiêu chuẩn 5 sao hay chuyên gia y tế hàng đầu Việt Nam”… là những thứ rất khó để khách hàng nhận biết.

Giá cao vì “quốc tế”?

Điều dễ nhận thấy nhất là giá dịch vụ khám chữa bệnh tại những cơ sở này đều vượt trội so với bệnh viện công và các phòng khám, bệnh viện thông thường, không gắn mác quốc tế.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi thế nào là bệnh viện quốc tế hay bệnh viện khách sạn 5 sao, chính đại diện các đơn vị này cũng chưa có câu trả lời thuyết phục. Thậm chí, có phòng khám còn viện đủ lý do để không cung cấp thông tin dù phóng viên đã đặt lịch làm việc hơn hai tuần.

Chúng tôi gọi đến tổng đài của Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc – Keangnam hỏi về việc khám bệnh dạ dày và đại tràng, liền được tổng đài viên tư vấn: “Bên em mua phiếu khám là 200.000 đồng, nếu nội soi cả dạ dày và đại tràng khoảng hơn 5 triệu đồng”.

Điều dễ nhận thấy nhất là giá dịch vụ khám chữa bệnh tại những cơ sở này đều vượt trội so với bệnh viện công và các phòng khám, bệnh viện thông thường, không gắn mác quốc tế.

Tương tự với khám dạ dày, đại tràng, nhân viên tổng đài Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc cho biết, tiền phiếu khám 150.000 đồng, nội soi không gây mê 700.000 đồng, có gây mê 1.600.000 đồng, nội soi cả dạ dày và đại tràng là khoảng hơn 3 triệu đồng, chưa kể các khám và xét nghiệm cận lâm sàng khác.

So sánh với mức giá khám chữa bệnh dịch vụ ở các bệnh viện công lập hiện nay, rõ ràng mức phí dịch vụ khám chữa bệnh ở các bệnh viện, phòng khám “quốc tế” đang cao hơn rất nhiều lần.

Ví dụ về dịch vụ chi phí trọn gói thai sản và sinh con ở các bệnh viện tư nhân. Gói thai sản trọn gói tại Bệnh viện Hồng Ngọc đưa ra là: Thai đơn 26,6 triệu đồng, thai đôi là 33 triệu đồng; trường hợp sinh mổ là 40,5 triệu đồng và thai đôi là 48,5 triệu đồng; sinh mổ chọn giờ với thai đôi là 52 triệu đồng. Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc cũng có mức giá tương đương: Sinh thường thai đơn 30 triệu đồng, sinh đôi 36 triệu đồng; sinh mổ, lần đầu thai đơn 47 triệu đồng, thai đôi 53 triệu đồng…

Còn tại một bệnh viện công lập ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) - nơi có khoa sản được đánh giá là khá nổi tiếng, nếu đẻ thường thì chi phí chỉ khoảng 2 triệu đồng. Đẻ mổ có chi phí khoảng 7.000.000 - 9.000.000 đồng tùy thuộc số ngày lưu viện và loại phòng đăng ký ở...

(Còn nữa)

Không có cái gọi là bệnh viện Quốc tế?

Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, tư nhân và cơ sở khám, chữa bệnh khác (căn cứ Điều 81 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009). Ngoài ra, Điều 22 Nghị định 109/2016 sửa đổi bổ sung 2018 quy định, các cơ sở khám, chữa bệnh được thành lập phải theo 1 trong các hình thức: - Bệnh viện gồm bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa; - Phòng khám chuyên khoa và đa khoa; - Nhà hộ sinh; - Cơ sở dịch vụ y tế: Tiêm, thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp, chăm sóc sức khỏe tại nhà, cấp cứu, thẩm mỹ…- Trạm y tế cấp xã, trạm xá; - Cơ sở giám định y khoa… Như vậy, chỉ có 2 loại hình bệnh viện là đa khoa và chuyên khoa mà không hề có bệnh viện quốc tế. Có chăng chỉ là các bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Theo Dân Việt

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến