Dòng sự kiện:
Ở đâu có tài sản công, ở đó cần kiểm toán
12/05/2018 11:00:50
Không ít cơ quan, DN than phiền về tình trạng trong cùng một năm vừa kiểm toán xong đã lại có thanh tra đến, mà cả hai đều cùng nội dung.

Luật Kiểm toán Nhà nước  (KTNN) được ban hành năm 2015, sau 3 năm thực hiện đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định làm cho công tác kiểm toán gặp khó khăn, lại chồng chéo với thanh tra tạo nên nhiều bức xúc.

Kiểm toán vừa ra thanh tra lại đến

Lâu nay không ít cơ quan, DN than phiền về tình trạng “trong cùng một năm vừa kiểm toán xong đã lại có thanh tra đến, mà cả kiểm toán và thanh tra đều cùng nội dung”. Có những đơn vị, dự án, cơ quan thanh tra đã có kết luận thanh tra nhưng KTNN vẫn tiến hành kiểm toán và ngược lại có những đơn vị, dự án đã có báo cáo liên quan kiểm toán nhưng cơ quan thanh tra vẫn tiến hành thanh tra, cùng một sự việc nhưng có nhiều cơ quan thanh tra, kiểm toán kết luận, đánh giá.

Ngược lại là có những hiện tượng không cung cấp tài liệu cho kiểm toán, không thực hiện kết luận của kiểm toán. Chỉ tính riêng năm 2017 có 121 trường hợp không cung cấp tài liệu dẫn tới các đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán được nội dung theo kế hoạch, kiến nghị kiểm toán của KTNN không được các đơn vị thực hiện còn cao (năm 2015 có 35,7% kiến nghị về tài chính tương ứng số tiền 8.179 tỷ đồng; năm 2016 có 24,4% kiến nghị về tài chính tương ứng số tiền 5.097 tỷ đồng chưa được các đơn vị thực hiện)… làm thất thu ngân sách nhà nước, giảm hiệu quả hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật. Đây là trong những bất cập được nêu ra với đề nghị cần phải sửa Luật KTNN.

TS. Hồ Đức Phớc - Tổng KTNN khẳng định, về nguyên tắc, ở đâu có tài chính công và tài sản công là ở đó có hoạt động kiểm toán (đối tượng kiểm toán của KTNN phải là hoạt động quản lý và sử dụng tài chính công và tài sản công của mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức) dù là quản lý, sử dụng dưới hình thức trực tiếp hay gián tiếp. Nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN chưa tương xứng với vị trí, chức năng được giao; phạm vi, đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất; quy định về đơn vị được kiểm toán chưa bao quát hết các cơ quan, tổ chức có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thiếu chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về KTNN...

TS. Trần Đăng Vinh, Thanh tra Chính phủ, thừa nhận sự chồng chéo giữa thanh tra với kiểm toán đã gây ra những tác động tiêu cực nhất định và làm mất thiện cảm của cộng đồng với thanh tra, kiểm toán, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán, thanh tra, làm lãng phí thời gian, kinh phí, nguồn lực của nhà nước phục vụ cho hoạt động kiểm toán, thanh tra.

Dù có địa vị pháp lý khác nhau nhưng thanh tra, KTNN có chung đối tượng là các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và có chung nội dung là việc tuân thủ pháp luật trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Quy định hiện hành về chức năng, nhiệm vụ, đối tượng, phạm vi hoạt động của KTNN và cơ quan thanh tra vẫn còn có sự giao thoa, chưa được phân định một cách rõ ràng, rành mạch nên dễ xảy ra chồng chéo, theo ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai.

Trong thực trạng vi phạm pháp luật ở Việt Nam diễn ra phổ biến; nền hành chính, công vụ của Việt Nam vẫn còn thiếu minh bạch và còn có nhiều sơ hở để lợi dụng, do đó, cần có sự kiểm soát chặt chẽ của các thiết chế kiểm toán, thanh tra để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời nên thanh tra kiểm toán đều có vai trò quan trọng kiểm soát hành pháp. Nhưng theo quan điểm của ông Vinh, những chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra giống với các chức năng, nhiệm vụ kiểm toán báo cáo tài chính của KTNN thì nên để KTNN thực hiện. Các trường hợp liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, chấn chỉnh công tác quản lý, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chỉ đạo cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra. Báo cáo, đánh giá của KTNN là nguồn để thanh tra xem xét xác định các nội dung cần phải tập trung tiến hành thanh tra.

“Tôi rất đồng tình với quan điểm khi sửa luật là Thanh tra Chính phủ chỉ thanh tra khi có khiếu nại tố cáo và thanh tra theo yêu cầu của Thủ tướng, chứ thanh tra không tự mình thanh tra. Còn lại là KTNN phải làm hết. Hiện định nghĩa thanh tra là công cụ quản lý, nên cơ quan thanh tra tràn lan khắp nơi làm mất thiêng công cụ của Chính phủ”, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ. Thanh tra chủ yếu là giải quyết khiếu nại đông người, có biểu hiện bất an trên diện rộng, còn kiểm toán tập trung vào việc sử dụng ngân sách, tài chính và tài sản công.

Cần giao KTNN thêm nhiệm vụ chống tham nhũng

Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai nhắc lại ngoài các cuộc kiểm toán thường niên, KTNN đã tập trung kiểm toán theo các chuyên đề: Kiểm toán các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, BT; kiểm toán định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa...

Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị xử lý tài chính hàng trăm nghìn tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ hàng trăm văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí; đề xuất với Quốc hội, Chính phủ nhiều giải pháp quan trọng nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Nhưng Luật KTNN hiện hành chưa quy định nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng của KTNN. Do vậy, cần phải bổ sung vào Luật KTNN nhiệm vụ quan trọng này, nhằm nâng cao vị trí, vai trò và trách nhiệm của KTNN trong phòng, chống tham nhũng.

TS. Hồ Đức Phớc cũng cho biết, luật hiện nay chưa quy định nhiệm vụ KTNN về thực hiện phòng, chống tham nhũng, thực hiện giám định tư pháp; thẩm quyền của KTNN giải quyết các đơn thư tố cáo về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Nhiều trường hợp cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra đề nghị KTNN thực hiện giám định đối với một số vụ việc cụ thể nhưng do pháp luật chưa quy định nên KTNN không có cơ sở pháp lý để thực hiện các đề nghị trên.

Do vậy, cần nghiên cứu luật hóa bảo đảm cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện các nhiệm vụ như: thực hiện các đề nghị giám định đối với những vấn đề liên quan theo yêu cầu của cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phòng, chống tham nhũng theo pháp luật phòng, chống tham nhũng; tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo đối với nội dung tố cáo liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công…

Luật KTNN đang được nghiên cứu sửa đổi với kế hoạch hoàn thành vào năm 2019. Góp ý cho sửa đổi luật lần này, các chuyên gia cho rằng cần quy định chi tiết cụ thể hơn nhiệm vụ trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương; quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia. Đặc biệt, theo Tổng Kiểm toán, KTNN phải được tham gia ngay từ đầu khi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan hữu quan khác chủ trì các cuộc họp triển khai.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến