Dòng sự kiện:
OCB báo lợi nhuận trước thuế quý I tăng 18%
28/04/2023 15:25:35
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2023; trong đó lợi nhuận trước thuế đạt 983 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.

Thu nhập lãi thuần của OCB tăng trưởng gần 5% đạt 1.750 tỷ đồng. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư tăng lần lượt 276% và 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm gần 4% xuống còn 123 tỷ đồng. Mảng chứng khoán kinh doanh và hoạt động kinh doanh khác cũng ghi nhận lãi thuần giảm lần lượt 99% và 32% so với quý I/2022. 

Ngân hàng cũng giảm 21% chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ năm ngoái, từ 434 tỷ đồng xuống còn 342 tỷ đồng.Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của OCB đạt hơn 199.100 tỷ đồng, tăng 2,7% so với đầu năm. Trong đó cho vay khách hàng tăng 1,8%; dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng hơn 19%. Huy động vốn khách hàng tăng 3,3%.

Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 51% so với đầu năm, lên hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 54%; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 55% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 49%. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,2% lên 3,3%.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên vừa công bố mới đây, OCB dự trình kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ, di dời trụ sở chính.

Trong thời gian tới, OCB sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát các ngành, lĩnh vực, phân khúc khách hàng phù hợp với tiềm năng phát triển kinh tế để xây dựng các chương trình, các gói cho vay ưu đãi lãi suất cũng như theo sát kế hoạch kinh doanh, phát triển tín dụng đã đề ra. Ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục triển khai, ban hành các chương trình hỗ trợ lãi suất, tại điều kiện thuận lợi để khách hàng tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh với tổng doanh số giải ngân tham gia dự kiến khoảng 25.000 tỷ đồng, mức ưu đãi từ 1 - 2% lãi suất.

Mới đây, OCB đã công bố hoàn thành triển khai và áp dụng nền tảng tính vốn điện toán đám mây theo Basel II nâng cao (phương pháp tiếp cận nội bộ - IRB). Qua đó, OCB trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam hoàn thành tất cả các yêu cầu tiên tiến của Basel trong chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế.

Điều này không những giúp OCB nâng cao năng lực quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng mà còn đảm bảo việc đo lường rủi ro và tỷ lệ an toàn vốn chính xác, hỗ trợ hiệu quả các quyết định kinh doanh.

Năm 2023 được dự đoán sẽ là một năm thách thức, đòi hỏi tổ chức tín dụng phải có khả năng chống chịu trước những biến động kinh tế vĩ mô khó lường. Bên cạnh việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II nâng cao và Basel III, OCB tiếp tục tiến tới nghiên cứu triển khai các chuẩn mực quốc tế khác như IFRS 9 để đảm bảo hoạt động quản trị rủi ro liên tục được nâng cao, giúp ngân hàng phát triển hiệu quả và bền vững.

Ngoài ra, ngân hàng cũng nghiêm túc tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước, duy trì mức xếp hạng tín nhiệm cao của Moody’s và các tổ chức khác.

Đại diện OCB cho biết: “OCB luôn nỗ lực củng cố nền tảng quản trị rủi ro vững chắc, tăng cường sức mạnh trước các biến động kinh tế vĩ mô khó lường. Đồng thời, chúng tôi cũng chú trọng đầu tư vào con người và số hóa, nhờ đó ngân hàng sẽ có có đủ nguồn lực để nắm bắt thời cơ khi nền kinh tế ổn định hơn”.

Theo đó, vào đầu tháng 3 vừa qua, OCB chính thức giới thiệu ngân hàng số thế hệ mới Liobank kỳ vọng sẽ chinh phục khách hàng có lối sống năng động, yêu công nghệ, chuộng sự tinh gọn và thường xuyên sử dụng thẻ tín dụng cho chi tiêu hàng ngày.

 Bảo Khánh (T/h) 

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
ôn thi đại lý thuế ở đâu tốt
Đang phổ biến